Chiều nay 24/10, Quốc hội đã biểu quyết thông qua danh sách 48 người được lấy phiếu tín nhiệm. Bên hành lang Quốc hội, nhiều đại biểu đã chia sẻ về vấn đề này.
Không để lợi ích nhóm và thành kiến cá nhân
Các đại biểu cho rằng cần nhìn nhận, đánh giá toàn diện công tâm và khách quan về người được lấy phiếu tín nhiệm để đạt kết quả khả quan.
ĐBQH Trương Trọng Nghĩa
Theo ĐB Trương Trọng Nghĩa (TP.HCM) phải xem xét, đánh giá người được lấy phiếu tín nhiệm đối chiếu lại sự hoàn thành nhiệm vụ trong lĩnh vực mà họ được giao phụ trách. Những biện pháp chỉ đạo, quản lý có đạt yêu cầu và đem lại chuyển biến tốt lên hay không? Cũng có lĩnh vực, người đứng đầu là người mới tiếp quản, có việc tồn đọng hàng chục năm chưa giải quyết xong, nhưng từ lúc người đó nhận nhiệm vụ thì xem xét có gì đổi mới hay tiến triển gì không? Dù là kế thừa người tiền nhiệm, nhưng mấy năm sau nếu không có chuyển biến gì thì cũng không đạt yêu cầu.
Tuy nhiên, khi đánh giá các chức danh cao cấp như vậy, mỗi vị phụ trách một lĩnh vực quan trọng của đất nước. Điều đầu tiên chúng ta nhìn thấy, trước hết ngoài trách nhiệm với ngành, lĩnh vực mà họ phụ trách, người đó phải có thêm tiêu chí mang yếu tố chính trị gia. Nghĩa là ở vị trí đó, mỗi chính sách, mỗi hành động thậm chí lời phát biểu, nhận xét đánh giá của người đó phải xuất phát từ lợi ích của nhân dân. Thứ nữa, ngoài lợi ích ngành, người được lấy phiếu phải có trách nhiệm với chủ quyền đất nước- tức là trách nhiệm với đất nước và với nhân dân với tư cách là một chính trị gia.
“Và để chuẩn bị cho việc bỏ phiếu ngày mai, cá nhân tôi tiếp cận thông tin từ nhiều nguồn khác nhau: qua kênh Quốc hội cung cấp, qua tiếp xúc cử tri, qua báo chí và những quyết sách họ ban hành trong lĩnh vực phụ trách để đánh giá”, đại biểu cho biết.
Tuy nhiên, lợi ích nhóm hiện nay là một tồn tại. Vậy nên mỗi ĐBQH khi bỏ phiếu tín nhiệm phải xuất phát từ lợi ích của đất nước, của nhân dân, và của xã hội, không nên vì lợi ích nhóm, những thành kiến cá nhân hay lợi ích riêng sẽ mất đi sự đúng đắn.
ĐBQH Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) cũng cho rằng, việc lấy phiếu tín nhiệm cần đạt đến sự công tâm, trung thực khách quan để cho người đó không bị ảnh hưởng về mặt chính trị hay việc làm.
"Qua nghiên cứu báo cáo của 48 vị được QH lấy phiếu tín nhiệm gửi đến ĐBQH về vấn đề đạo đức, lối sống và tự diễn biến, tự chuyển hoá trong nội bộ của các vị này, tôi thấy không có vấn đề gì. Hầu hết các vị này đều là những người đã thể hiện được bản lĩnh chính trị, tư tưởng lập trường, đạo đức lối sống. Tới giờ phút này tôi chưa phát hiện điều gì vi phạm và tôi đánh giá rất cao tư cách đạo đức của họ”, đại biểu Hòa nói.
Phải công tâm, khách quan
Cùng theo ĐB Phạm Văn Hòa, nhiều người đặt câu hỏi, trong trường hợp phiếu tín nhiệm thấp, thì có nên có phương án từ chức hay không?
Hiện nay, trong hướng dẫn có hai mức tín nhiệm là, tín nhiệm cao và tín nhiệm thấp quá 50% thì có thể xem xét đối với vai trò của người đó. Tôi cho rằng, phiếu tín nhiệm dù cao hay thấp cũng chưa đánh giá hết thực tế của của họ. Tuy nhiên, với trách nhiệm và sự công tâm, tôi nghĩ các đại biểu sẽ làm hết mình và đánh giá trung thực khách quan nhất, để những người được lấy phiếu tín nhiệm phát huy vai trò của mình trên cương vị công tác.
Trong thực tế hiện nay có những bộ trưởng, trưởng ngành quản lý lĩnh vực nhạy cảm, bị va chạm và dân bức xúc nhiều, người dân quan tâm đến nhiều hơn... và làm thế nào để đảm bảo sự công bằng với những vị tư lệnh ngành ở vị trí có chiều ngược lại cũng là vấn đề băn khoăn của nhiều người.
“Tôi cho rằng, mỗi đại biểu cần có sự tìm hiểu, đánh giá công tâm, khách quan về những nỗ lực, khả năng và năng lực của người đó làm được trên thực tế, thì sẽ đảm bảo không bênh vực cũng không bao che, để đánh giá khả năng và năng lực của vị đó ở cương vị đó sắp tới có ảnh hưởng gì chung cho đất nước hay không", đại biểu nhấn mạnh.
ĐBQH Nguyễn Văn Chiến
Cùng quan điểm, ĐB Nguyễn Văn Chiến, Phó Chủ tịch Liên đoàn luật sư Việt Nam cho hay, các vị tư lệnh ngành ở lĩnh vực, cương vị nào đều cũng có sinh hoạt chung trong các kỳ họp và trong những hoạt động công việc thường ngày, chắc chắn được các đại biểu quan tâm đến các vị ấy nhiều hơn. Nên về tính cách, hiệu quả công việc hay xử lý công việc đáp ứng được yêu cầu chung hay không, các đại biểu sẽ là người nắm được. Do vậy những người được lấy phiếu tín nhiệm cũng không phải lo lắng rằng mình ở những vị trí nhạy cảm, hay gặp những bức xúc của người dân sẽ bị thiếu công bằng.
“Dù là ở cương vị nào nhưng đã là thành viên được Quốc hội bầu, thì việc lấy phiếu tín nhiệm phải tuân thủ theo nguyên tắc chung. Do vậy, các đại biểu bỏ phiếu tín nhiệm lần này đều phải đảm bảo khách quan và thực chất”, ĐB Chiến khẳng định.
Bên cạnh đó, theo ĐB Chiến, việc lấy phiếu tín nhiệm còn thể hiện theo quan điểm của cử tri. Mỗi đại biểu đại diện cho cử tri và trong quá trình thực hiện nhiệm vụ cũng như hoạt động của đại biểu ở nghị trường hoặc ngoài xã hội, thì cũng phải lắng nghe đến những người được Quốc hội bầu và phê chuẩn xem họ thực hiện cam kết như thế nào, thực hiện Nghị quyết của Quốc hội và những đề xuất, ý kiến của cử tri yêu cầu đối với họ ra sao. Là người dân và cử tri sẽ đánh giá đại biểu của mình thông qua lá phiếu.