Đẩy mạnh tuyên truyền pháp luật về phòng chống mua bán người

Phương Nam| 08/12/2018 07:19
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Truyền thông về phòng, chống mua bán người là một trong 5 đề án trọng tâm của Chương trình phòng, chống mua bán người giai đoạn 2016-2020.

Tăng cường công tác truyền thông

Những năm qua, tình hình hoạt động tội phạm mua bán người trên thế giới và khu vực tiếp tục diễn biến phức tạp với tính chất, phương thức và thủ đoạn ngày càng tinh vi. Tại khu vực Châu Á Thái Bình Dương nói chung và các nước Tiểu vùng sông Mê Kông nói riêng, trong đó có Việt Nam, hoạt động tội phạm mua bán người, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em vẫn diễn ra; trực tiếp xâm hại đến tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm của con người; ảnh hưởng xấu đến tình hình an ninh, trật tự xã hội.

Với mục tiêu phòng ngừa, đấu tranh, ngăn chặn và giảm nguy cơ mua bán người, tội phạm mua bán người, đồng thời thể hiện nỗ lực và cam kết của Việt Nam trong lĩnh vực này, ngày 31/12/2015 Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 2546/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình phòng, chống mua bán người (gọi tắt là Chương trình 130/CP) giai đoạn 2016-2020. Trong đó, truyền thông phòng, chống mua bán người là một trong 5 đề án trọng tâm của Chương trình. 

Đề án 1 “Truyền thông phòng, chống mua bán người” đến năm 2020 đã được Bộ TT&TT xây dựng và triển khai thực hiện. Theo đó, mục tiêu đặt ra là, đến năm 2018, đạt 75% và năm 2020 đạt 100% xã, phường, thị trấn nhận và triển khai tài liệu hướng dẫn thực hiện chính sách pháp luật, tài liệu truyền thông thay đổi hành vi về phòng, chống mua bán người.

Đến năm 2020, ít nhất 30% số xã thuộc địa bàn trọng điểm (địa bàn có nhiều vụ việc xảy ra, có nhiều nạn nhân bị mua bán trở về hoặc có nhiều nguy cơ) có mô hình chuyên sâu về phòng ngừa mua bán người và 50% số xã trên toàn quốc có mô hình lồng ghép về phòng, chống mua bán người.

Từ năm 2017, thông tin về phòng, chống mua bán người được đăng tải trên các cơ quan báo chí cấp Trung ương và cấp tỉnh ít nhất một tháng một lần.

Đến năm 2020, đạt 75% người dân tại các địa bàn trọng điểm, tập trung vào nhóm tuổi từ 14-60 đặc biệt là phụ nữ, trẻ em được tiếp cận các thông tin có kiến thức pháp luật về phòng, chống mua bán người, kỹ năng xử lý tình huống liên quan đến mua bán người.

Đẩy mạnh tuyên truyền pháp luật về phòng chống mua bán người

Một buổi tuyên truyền pháp luật về phòng chống mua bán người

Nâng cao ý thức trách nhiệm, năng lực phòng chống mua bán người

Chương trình 130/CP được thực hiện trên phạm vi cả nước và các nước hoặc vùng lãnh thổ khác theo cam kết quốc tế và pháp luật Việt Nam; ưu tiên các tuyến, địa bàn trọng điểm, các tỉnh giáp biên giới Campuchia, Lào, Trung Quốc. Mục tiêu cụ thể của Chương trình là nhằm nâng cao ý thức trách nhiệm, năng lực của cá nhân, gia đình và toàn xã hội nhằm chủ động phòng ngừa nguy cơ mua bán người; đẩy mạnh công tác phát hiện, điều tra, truy tố và xét xử tội phạm mua bán người; tiếp nhận, xác minh, giải cứu, bảo vệ và hỗ trợ nạn nhân kịp thời; an toàn nhằm đảm bảo quyền và lợi ích của nạn nhân; hoàn thiện pháp luật và thực hiện hiệu quả chính sách pháp luật về phòng, chống mua bán người; tăng cường hợp tác và thực hiện các cam kết quốc tế về phòng chống mua bán người.

Một trong những giải pháp và nhiệm vụ trọng tâm của Chương trình là tiến hành đồng bộ các biện pháp nhằm nâng cao tỉ lệ phát hiện, điều tra tội phạm mua bán người; tập trung triệt phá các tổ chức, đường dây mua bán người với mục đích cưỡng bức lao động hoặc hoặc vô nhân đạo; truy tố, xét xử nghiêm minh tội phạm mua bán người; thực hiện hiệu quả việc tiếp nhận, bảo hộ và hỗ trợ nạn nhân; đồng thời đa dạng hóa các hình thức truyền thông, giáo dục về phòng chống mua bán người hiệu quả ở cộng đồng.

Theo đánh giá của Ban chỉ đạo 138/CP sau 2 năm thực hiện Chương trình phòng, chống mua bán người giai đoạn I (2016 – 2018), về công tác xây dựng, hoàn thiện pháp luật, Bộ Tư pháp đã tham mưu Thủ tướng Chính phủ trình Quốc hội khóa XIV thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự (năm 2015); ban hành nghị quyết thi hành, trong đó, sửa đổi, bổ sung cơ bản các điều luật liên quan đến tội phạm mua bán người.

Đồng thời trình Chủ tịch nước ký Lệnh công bố Luật, có hiệu lực thi hành từ 1/1/2018; ban hành Quyết định số 1359/QĐ-TTg (13/9/2017) về kế hoạch triển khai thi hành Bộ luật Hình sự. Bên cạnh đó, rà soát các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến phòng, chống tội phạm mua bán người nhất là tác động, rà soát để sửa đổi Luật Phòng, chống mua bán người; phối hợp với Bộ Lao động Thương binh và Xã hội hướng dẫn các đơn vị liên quan giám sát chặt chẽ quy trình cho, nhận con nuôi và kết hôn có yếu tố nước ngoài.

Về phía Bộ Lao động Thương binh và Xã hội đã trình Quốc hội khóa XIII thông qua Luật Trẻ em và ban hành các văn bản hướng dẫn Luật. Báo cáo Quốc hội khóa XIV thực hiện các mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới trong đó có nội dung về công tác hỗ trợ nạn nhân bị mua bán. Đồng thời Bộ cũng biên soạn tài liệu, tổ chức hội nghị, tập huấn, hội thảo quán triệt và bàn giải phát triển khai thực hiện.

Cũng trong giai đoạn này, Bộ Công an ban hành Quyết định phê duyệt đề án “Hoàn thiện pháp luật và theo dõi thi hành chính sách pháp luật về phòng, chống mua bán người”, Chương trình 130/CP giai đoạn 2016 – 2020. Nghiên cứu xây dựng Thông tư quy định chi tiết thi hành các biện pháp bảo vệ an toàn cho nạn nhân và người thân của họ. Bộ cũng biên soạn, cấp phát cho các bộ, ngành, địa hương sách liên quan đến chỉ đạo, điều hành thực hiện Chương trình 30/CP.

Đồng thời chỉ đạo công an các đơn vị, địa phương quán triệt, tổ chức tập huấn chuyên sâu Bộ luật Hình sự; biên tập hệ thống giáo trình, tài liệu giảng dạy trong các trường Công an nhân dân, trong đó có nội dung liên quan đến tội phạm mua bán người. Phối hợp với Ủy ban Tư pháp của Quốc hội tổ chức đánh giá việc chấp hành Luật Phòng, chống tội phạm mua bán người, kiến nghị các giải pháp nâng cao hiệu quả thi hành án.

Hội đồng phổ biến giáo dục pháp luật Trung ương ban hành Quyết định chỉ đạo Hội đồng phổ biến giáo dục pháp luật địa phương phối hợp với Sở Tư pháp, các tổ chức chính trị xã hội quán triệt, phổ biến các văn bản pháp luật mới ban hành, nhất là chế độ, chính sách hình sự trong đấu tranh trấn áp tội phạm mua bán người. Đồng thời đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật, tọng tâm trong dịp kỷ niệm “Ngày pháp luật nước CHXHCN Việt Nam” và hưởng ứng “Ngày toàn dân phòng, chống mua bán người”.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đẩy mạnh tuyên truyền pháp luật về phòng chống mua bán người