Đầu tư trong - đầu tư ngoài

congly.com.vn| 13/04/2012 10:50
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Việc các tập đoàn, DNNN “hăng hái” đầu tư ngoài ngành mà thời bao cấp được gọi là “chân ngoài dài hơn chân trong” là vấn đề được cảnh báo từ lâu. Thế nhưng không hiểu sao, chỉ tính 8 tháng của năm 2011, các doanh nghiệp, tổng công ty nhà nước vẫn đầu tư ngoài ngành tới 22.590 tỷ đồng, trong đó, có 6 tập đoàn, tổng công ty đầu tư trên mức 1.000 tỷ đồng/đơn vị.

Trong danh sách những doanh nghiệp đầu tư ngoài ngành có các “quả đấm thép” lớn và vừa như: Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam đầu tư ra ngoài ngành với 6.690 tỷ đồng; Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam khoảng 3.700 tỷ đồng. Đáng quan ngại nhất là Tập đoàn Điện lực Việt Nam - doanh nghiệp luôn kêu lỗ, thậm chí đang nợ ngập đầu các đối tác cả chục nghìn tỷ đồng cũng đầu tư ra ngoài ngành gần 2.100 tỷ đồng. Những lĩnh vực được người ta luôn cảnh báo cao là “mạo hiểm” và "rủi ro" như tài chính, ngân hàng, bảo hiểm… vẫn được các doanh nghiệp này đổ vốn nhiều hơn cả.


Hẳn là vì vậy mà phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 9 vừa kết thúc trước chuyến công du nước ngoài, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trực tiếp chỉ đạo xử lý một loạt những vấn đề “nóng” về kinh tế. Một trong những chỉ đạo được dư luận đặc biệt quan tâm, đó là Thủ tướng yêu cầu các tập đoàn, tổng công ty nhà nước (DNNN) phải chấm dứt việc đầu tư ra ngoài ngành, tính toán rút dần các khoản đã đầu tư ngoài ngành để tập trung nâng cao hiệu quả hoạt động trong lĩnh vực chính. Đây được xem là quyết định chỉ đạo nhằm căn chỉnh các dòng vốn của Nhà nước đi đúng địa chỉ, bảo đảm hiệu quả hơn.

Nợ đầm đìa, EVN vẫn đầu tư hàng nghìn tỷ đồng ra ngoài ngành. Ảnh: VNE

Tuy nhiên, để thực hiện được yêu cầu này không hề dễ dàng trong thực trạng “quá mù ra mưa” của xu hướng vay nợ để đầu tư ngoài ngành. Lợi ích cục bộ, lợi ích nhóm làm hoa mắt một bộ phận lãnh đạo doanh nghiệp. Ai cũng biết kinh tế từ đầu năm đến nay đang khó khăn khiến không ít DNNN rơi vào tình trạng thua lỗ. Có thể có những số liệu giải thích cho việc đầu tư ngoài ngành vẫn đạt được lợi nhuận, thậm chí không ít các doanh nghiệp sẽ thông tin là nhờ vào các khoản "lợi nhuận ngoài ngành" để cứu những khó khăn hiện tại. Thực chất đây là cách xử lý tình huống giật gấu vá vai, có thể xem đây là nỗ lực xoay xở của chính các DNNN. Theo các chuyên gia, việc này đang tạo ra một chân dung “không xác thực” về doanh nghiệp. Nghịch lý là có những doanh nghiệp thiếu vốn cho đầu tư phát triển ngành nghề chính lại đổ tiền cho lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro, mất an toàn vốn.


Cũng theo các chuyên gia, với từng DNNN số vốn đầu tư nói trên chưa vượt quá tỷ lệ đầu tư ra ngoài ngành trên tổng vốn của doanh nghiệp mà Chính phủ cho phép hiện nay (30%), nhưng trong bối cảnh hầu hết những lĩnh vực “ngoài ngành” mà các tập đoàn, tổng công ty đã và đang rót vốn khá ảm đạm thì việc tiếp tục đầu tư trái ngành, nghề khó tránh khỏi những rủi ro.


Thực tế đầu tư ở DNNN sử dụng nguồn lực lớn của đất nước như trên khiến người ta lo ngại việc hô hào “tái cơ cấu” chỉ là khẩu hiệu.


Bảo Dân

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đầu tư trong - đầu tư ngoài