Đầu tư cho "tam nông" mới đáp ứng được 60% vốn

06/06/2012 10:15
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Thảo luận tại Quốc hội, có ý kiến cho rằng hệ thống văn bản, pháp luật về đầu tư công cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn được ban hành tương đối đầy đủ và có thể nói rất nhiều trong vòng 10 năm qua, đặc biệt là trong giai đoạn 2006 - 2010.

Bên cạnh các nghị quyết của Đảng, Quốc hội, riêng Chính phủ đã ban hành tới 237 văn bản bao gồm 8 nghị quyết, 43 nghị định, 134 quyết định, 38 thông tư liên tịch và 14 quyết định của các Bộ, cơ quan ngang Bộ. Với một “rừng” văn bản chính sách như vậy, sự trùng lặp, không đồng nhất dễ xảy ra, gây khó khăn cho công tác thực hiện. Ví dụ, liên quan đến xây dựng nhà ở cho người dân vùng ngập lũ đồng bằng sông Cửu Long có tới 5 quyết định của Thủ tướng Chính phủ. Việc thực hiện xây dựng chương trình nước sạch nông thôn liên quan tới nguồn vốn ở 5 chương trình và quyết định khác nhau.

Đầu tư cho

Đại biểu Nguyễn Thu Anh (Lâm Đồng) 

Bên cạnh đó là sự thiếu vắng những chính sách mang tính đột phá cho sự phát triển như chính sách khoa học công nghệ thúc đẩy thị trường chế biến nông sản để tăng hiệu quả và tính cạnh tranh. Điều này đã dẫn đến sự phát triển nông nghiệp của chúng ta giai đoạn vừa qua mặc dù đã đạt được những thành tựu to lớn nhưng chưa thực sự vững chắc, tính cạnh tranh chưa cao.

Cũng từ sự mất cân đối ngay từ việc ban hành chính sách đã dẫn đến sự mất cân đối trong từng lĩnh vực cụ thể. Ví như, việc thực hiện chính sách đối với vùng dân tộc miền núi, thành tích những năm qua là không thể phủ nhận, nhưng vẫn còn tồn tại những thách thức. Khoảng cách giàu nghèo giữa các vùng tăng lên một cách rõ rệt. Khu vực Tây Bắc, Đông Bắc tỷ lệ nghèo so với mặt bằng chung cả nước gấp 2 và 3 lần, so với khu vực Đông Nam bộ là gấp 20 lần và 13 lần. Đại biểu Quốc hội đã đề nghị Chính phủ rà soát, cơ cấu lại thành những nhóm chính sách chủ yếu, theo các lĩnh vực phát triển, xác định yếu tố phù hợp cho vùng miền, tránh cào bằng, bình quân…

Về nguồn lực đầu tư và phân bổ đầu tư, mặc dù Chính phủ đã rất cố gắng bố trí cân đối nhiều nguồn vốn khác nhau, nhưng mới đáp ứng được 55-60% nhu cầu. Tuy nhiên, nguồn lực trên phân bố chủ yếu vào phần xây dựng cơ sở hạ tầng như và còn rất phân tán. Các nội dung chính sách khác chiếm tỷ trọng rất nhỏ, riêng lĩnh vực quản lý của Bộ NN&PTNT trong 5 năm đầu tư cho thủy lợi đã chiếm tới 79% tổng nguồn thu. Đầu tư cho chương trình giống, công nghệ sinh học, nông nghiệp công nghệ cao, nghiên cứu khoa học còn thấp và điều này lý giải tại sao chưa có bước chuyển mạnh trong sản xuất nông nghiệp theo yêu cầu của Trung ương và đây cũng là điểm cần được điều chỉnh trong thời gian tới.

Trung Nguyễn
 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đầu tư cho "tam nông" mới đáp ứng được 60% vốn