Dự án hệ thống tiêu úng Đông Sơn (HTTUĐS) nhiều năm nay trong tình trạng chậm trễ, dở dang trong khi mùa mưa bão đang gần kề. Nếu không gấp rút thực hiện, hàng nghìn hộ dân sinh sống trong phạm vi ảnh hưởng của Dự án sẽ rơi vào tình cảnh điêu đứng.
Người dân khốn khổ
Dự án HTTUĐS có tổng chiều dài trên 41km. Mục tiêu chính của Dự án tiêu úng cho khoảng 13.356 ha của các huyện Đông Sơn, Thiệu Hóa, Quảng Xương và TP Thanh Hóa.
Dự án có tổng mức đầu tư trên 733 tỷ đồng bằng nguồn vốn trái phiếu Chính phủ do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) quản lý, TP. Thanh Hóa làm chủ đầu tư, Ban QL Dự án Cải thiện môi trường đô thị miền Trung là đơn vị trực tiếp quản lý DA, được khởi công từ tháng 10/2009, chia làm 23 gói thầu xây lắp, dự kiến hoàn thành giai đoạn I vào tháng cuối 2016.
Người dân phải sống chung với lũ
Dự án HTTUĐS có tầm chiến lược và ý nghĩa to lớn đối với sự phát triển kinh tế- xã hội, hệ thống hạ tầng của các huyện Đông Sơn, Thiệu Hóa, Quảng Xương và thành phố Thanh Hóa, góp phần hoàn thiện mạng lưới tiêu thoát nước phục vụ sản xuất và đời sống của nhân dân, cải thiện môi trường của khu vực thành phố Thanh Hóa và các huyện lân cận, tạo cảnh quan kiến trúc đô thị ngày càng hiện đại văn minh và phát triển bền vững.
Ý nghĩa và tầm quan trọng của Dự án vô cùng to lớn, sau hơn 7 năm triển khai, theo lộ trình cuối năm 2016 sẽ kết thúc giai đoạn 1. Tuy nhiên, theo quan sát của PV, các gói thầu không được thực hiện một cách liên tục, đồng bộ, việc nạo vét sông Lê từ KmO – ngã 3 Nấp đi qua cầu Lai Thành, xuống sông Quảng Châu đây là tuyến thoát lũ chính trong đô thị hiện nay đang bị tắc nghẽn, ngăn dòng chảy do thi công. Trong đó nếu sông Thọ Hạc không được khẩn trương nạo vét trước mùa mưa bão đang cận kề sẽ gây ra ngập úng cục bộ cho phường Trường Thi và thành phố Thanh Hóa.
Đoạn sông Thọ Hạc chảy qua phường Trường Thi thuộc gói thầu 21, hiện nay cỏ và các loại rau mọc um tùm giữa lòng sông, hai bên bờ bị bồi lấp có đoạn ra gần giữa sông, nước bị ứ lại tìm đủ hướng để xuôi dòng. Mấy trụ cọc nằm ngổn ngang, không thấy bóng dáng công nhân thi công…
Bà Lê Thị Út (ở số 1, đường Tiền Phương, phường Trường Thi, thành phố Thanh Hóa) than thở: “Cách đây mấy hôm có trận mưa lớn cả nhà lật đật dậy tháo cống, đẩy xe ô tô lên phía trên, còn mấy phòng trọ đều bị ngập nước. Trước kia nhà tôi liên tục bị ngập úng. Gần đây đã sửa chữa, nâng cấp nhà lên thêm 40 phân nhưng vẫn bị nước ngập. Năm 2015, những nhà quanh đây liên tục bị ngập nước, nhất là mùa mưa bão, nước ngập khoảng 7-8 ngày mới rút khiến cuộc sống của chúng tôi vô cùng khổ sở. Dự án đi qua nhà tôi phải bàn giao 116m2, nhưng gia đình vẫn chưa nhận đền bù vì đây là đất đã nộp thuế nhưng khi đền bù họ tính ra đất hoa màu".
Đứng bên cạnh, anh Lê Ngọc Huy bức xúc: “Tôi không biết Dự án họ triển khai thế nào mà gần 10 năm không làm gì, vừa rồi thấy họ đến làm được một ít rồi lại dừng. Những lúc mưa bão chúng tôi rất khổ sở, nước lênh láng, nhà do không được sữa sang vì phải di dời nên dột khắp nơi. Chúng tôi mong Dự án sớm thi công để gia đình di dời đến khu tái định cư (TĐC), chứ sống kiểu này vừa khổ, vừa thấp thỏm lo lắng mỗi khi mùa mưa bão về”.
Dự án dở dang
Việc thi công các gói thầu không liên tục bởi công tác giải phóng mặt bằng gặp rất nhiều khó khăn. Tổng số hộ bị ảnh hưởng bởi Dự án là 2.964 hộ, trong đó số hộ phải di chuyển là 878 hộ, số lô đất bố trí TĐC là 1.200 lô.
Tại báo cáo giám sát, đánh giá thực hiện đầu tư Dự án HTTU ĐS quý I/2016 ngày 20/4/2016 của UBND thành phố Thanh Hóa: số hộ đã nhận đất TĐC 353 hộ/ 878 đạt tỷ lệ 40%; số lô đất TĐC đã cấp 385 lô/1.200 lô đạt tỷ lệ 32 %. Tuy nhiên, rất nhiều hộ chưa làm nhà, chưa bàn giao mặt bằng cho nhà thầu thi công. Đồng thời phần lớn các khu TĐC chưa hoàn chỉnh về cơ sở hạ tầng nên người dân chưa mặn mà đến nơi ở mới, trên thực tế mới có 250 hộ di chuyển ra khỏi mặt bằng để nhà thầu thi công.
Dự án HTTUĐS chậm tiến độ
Hiện đã và đang triển khai thi công 23 gói thầu. Số gói thầu đã hoàn thành 13 gói đạt 56,52% tổng số gói thầu. Trong đó một số gói thầu còn khối lượng công việc rất lớn như: Gói thầu số 17, nạo vét, gia cố (NV,GC) sông Bến Ngự đoạn K0 đến K1+890, khối lượng ước tính thực hiện đạt 35% giá trị. Gói thầu số 19, (NV, GC) sông Bến Ngự đoạn K2+785,3 đến K3+886,1 khối lượng đã thực hiện đạt tỷ lệ 52% giá trị gói thầu. Gói thầu số 21, (NV, GC) sông Thọ Hạc từ K2+623,292 đến K4+270 khối lượng ước tính đạt 32%...
Trước nguy cơ chậm tiến độ Dự án, Bộ NN&PTNT đã có nhiều cuộc họp, nhiều văn bản chỉ đạo để đẩy nhanh tiến độ Dự án.Gần đây nhất ngày 6/6/2016, Cục quản lý xây dựng công trình thuộc Bộ NN&PTNT ra tiếp thông báo số 806/XD-TC gửi UBND thành phố Thanh Hóa về việc đẩy nhanh tiến độ thực hiện, giải ngân Dự án HTTUĐS.
Ngày 3/6/2016 Bộ trưởng NN&PTNT Cao Đức Phát đã chủ trì họp giao ban công tác tháng 5/2016 của Bộ. Về công tác đầu tư xây dựng công trình, Bộ trưởng đã nghiêm khắc phê bình về tiến độ thực hiện và giải ngân tại một số Dự án rất chậm, chỉ đạo yêu cầu phải đẩy nhanh tiến độ, đảm bảo từng Dự án giải ngân đạt tỷ lệ 50% trở lên sau 6 tháng thi công, nếu không đáp ứng Bộ sẽ xem xét xử lý trách nhiệm người đứng đầu chủ đầu tư, điều chuyển vốn sang Dự án khác đồng thời không bố trí vốn cho Dự án năm 2017.
Thực hiện chỉ đạo của Bộ trưởng, Cục yêu cầu chủ đầu tư tập trung cao độ công tác quản lý điều hành, tìm mọi giải pháp để đẩy nhanh tiến độ, giải ngân đối với Dự án HTTUĐS. Theo báo cáo, đến hết tháng 5/2016 khối lượng thực hiện đạt 28 tỷ, giải ngân mới được 10,52 tỷ/33,6 tỷ đồng vốn kế hoạch năm 2016, đạt tỷ lệ 31,3%. Nếu Dự án bị chuyển vốn và không bố trí tiếp 2017 vì không đáp ứng tiến độ, chủ đầu tư phải chịu hoàn toàn trách nhiệm.
Trao đổi với PV, ông Trịnh Văn Bản, Trưởng ban QLDA cải thiện môi trường đô thị miền Trung, tiểu Dự án Thanh Hóa cho biết: "Dự án triển khai một cách dàn trải, khó khăn về thời tiết, thủy triều, sau đó là Nghị quyết 11 thắt chặt đầu tư công. Tổng đầu tư Dự án 733 tỷ đồng, có 25 gói thầu, cùng với đó là một khối lượng công việc rất lớn về GPMB và TĐC. Hiện chúng tôi đã giải ngân được 85% khối lượng công việc. Theo kế hoạch đến cuối 2016 chúng tôi sẽ hoàn thành giai đoạn 1 của Dự án. Rất nhiều nguyên nhân khách quan, chủ quan nên đành phải chấp nhận một số gói thầu dở dang, chờ giai đoạn 2 như gói thầu số 21".
Lý giải về những gói thầu thi công dở dang ông Bản phân trần: "Thời gian thi công Dự án lâu nên số tiền trượt giá đến thời điểm này lên tới 433 tỷ. Đến cuối năm 2016 chúng tôi sẽ giải ngân tới đồng cuối cùng của 733 tỷ số vốn ban đầu, nhưng vẫn thiếu 433 tỷ tiền trượt giá đang chờ ý kiến của Quốc hội, nên một số gói thầu phải chậm tiến độ.
Mặc dù ông Trưởng Ban rất tự tin khẳng định tiến độ không chậm, nhưng qua những số liệu báo cáo giám sát, các văn bản chỉ đạo của Bộ và quan sát thực tế, Dự án hiện đang đứng trước nguy cơ chậm tiến độ. Người dân trong vùng ảnh hưởng còn phải “sống chung với lũ” thời gian dài.