Gần đây, trên các phương tiện thông tin đại chúng, liên tiếp xuất hiện những thông tin về các vụ “cẩu tặc” “câu” trộm chó. Các vụ trộm cắp vặt tường chừng đơn giản, chẳng được mấy người quan tâm nhưng do xảy ra liên miên trong nhiều năm đã gây bức xúc trong dư luận.
Ở xã Thanh Lâm (Mê Linh, Hà Nội), chuyện “câu” chó đã trở thành đề tài nóng bỏng, đặc biệt, sự việc được đẩy nên đỉnh điểm từ đầu tháng 9 trở lại đây làm xáo trộn đời sống nhân dân, tình hình an ninh trật tự ngày càng phức tạp.
Đối tượng Nguyễn Thế Thạch tại cơ quan Công an
“Cẩu tặc” lộng hành
Ngày 5-9 vừa qua, trên địa bàn thôn Phú Hữu xã Thanh Lâm, đã xảy ra vụ hai anh em ruột là Nguyễn Văn Dũng (SN 1980, quê ở Lập Thạch, Vĩnh Phúc) và Nguyễn Thế Thạch (SN 1989), rủ nhau đi ăn trộm chó, bị dân phát hiện. Thạch nhanh chân chạy thoát, còn Dũng bị đánh chết. Sau sự việc, một làng quê vốn thanh bình yên ả, người nông dân chân chất làm ăn bỗng bị rối tung lên, khắp làng trên xóm dưới lúc nào cũng căng như dây đàn. Người ta không còn thiết tha với ruộng đồng, công việc thường nhật nữa, mà chỉ ngày ngày mong ngóng tin tức người thân là Lưu Bá Hoàng, Nguyễn Văn Hiển, Nguyễn Văn Mười và Nguyễn Văn Bản đang bị tạm giữ do tham gia đánh hội đồng tên Dũng.
Khi chúng tôi về xã Thanh Lâm tìm hiểu sự việc, có hàng trăm hộ dân cầm đơn đến bày tỏ bức xúc về nạn trộm chó trên địa bàn. Ông Nguyễn Văn Cố (ở thôn Phú Hữu, Thanh Lâm, Mê Linh, Hà Nội), cho biết: “Đối với nông dân, con chó không chỉ là vật giữ nhà trung thành mà còn là nguồn thu nhập giúp người dân cải thiện kinh tế gia đình. Thế mà, công nuôi bao ngày, loáng một cái là bị kẻ xấu câu trộm nên không ai không bức xúc”. Điều đáng nói, sự việc diễn ra liên miên từ nhiều năm nay, xóm ngõ nào trong xã cũng có nhà nuôi chó bị mất trộm. Gần như tuần nào cũng xảy ra vài vụ, có ngày 3, 4 toán đi săn lùng. Tính ra cả năm, riêng thôn Phú Hữu mất đến vài trăm con.
Sau khi xảy ra sự việc Nguyễn Văn Dũng bị đánh chết trên địa bàn, toàn bộ các hoạt động văn hóa, nghệ thuật dịp tết Trung thu vừa qua nhân dân không còn bụng dạ nào thực hiện. Cụ Lưu Văn Túc, lão thành Cách mạng, kể: “Khoảng 24h ngày 5-9-2011, phát hiện có người câu trộm chó, gia đình tôi liền hô hoán nhờ dân làng đuổi bắt. Lại vừa đúng lúc tan ca đêm của khu công nghiệp gần đó, công nhân đi làm về khá đông và cũng cùng tham gia vây bắt trộm. Trong quá trình các bên giằng co, chống trả lại nhau đã xảy ra sự việc đáng tiếc là 1 trong 2 đối tượng trộm bị chết. Sau vụ việc, dân làng đều chung sức cùng nhau giải quyết sự việc, giúp đỡ đối tượng nghiện đi ăn trộm chó bị chết và giúp đỡ các gia đình có người thân dính dáng tới vụ việc. Chúng tôi vui vì bà con đoàn kết, tương thân tương ái giúp đỡ nhau trong cơn hoạn nạn bao nhiêu thì cũng đau bấy nhiêu, chỉ vì một tên trộm chó nghiện ngập mà con cháu chúng tôi và cả làng phải khổ”.
Dân sợ trộm
Điều lạ là sau sự việc này, tình trạng mất trộm không hề giảm, mà ngược lại có chiều hướng gia tăng, thêm 6 con chó nữa bị bắt, kẻ trộm còn lấy cả xe máy, xe đạp… gây bức xúc cho người dân. Chị Nguyễn Thị Hội, cảnh mẹ góa con côi, gạt nước mắt uất ức nói: “Hôm 16-9-2011 vừa rồi, con gái tôi mở cửa đi làm ca tối, con chó chạy theo sau ra tới cổng là đã bị kẻ gian dùng dây xiết cổ lôi đi. Sự việc diễn ra ngay trước mắt, tôi hét khản cả cổ nhưng bà con lối xóm cũng chẳng ai dám xông ra bắt trộm. Mẹ con tôi chỉ trông vào mấy sào lúa đủ gạo ăn, nuôi con chó mỗi năm cũng thêm chút tiền đóng học cho các cháu. Vậy mà…”.
Ông Đào Trọng Thiệp, giáo viên về hưu, chua xót: “không phải dân làng không muốn giúp, làng tôi vốn rất đoàn kết, mỗi khi trong làng nhà nào có việc gì xảy ra là hàng xóm láng giềng đều xúm lại thăm hỏi, nhưng bây giờ thì cả làng đều sợ trộm rồi. Chúng tôi khiếp sợ vì bọn trộm chống trả rất hung hãn. Chúng dùng dùi cui, hơi cay rồi vôi bột trộn ớt, dây cáp kẹp trì, cát trộn thủy tinh…, có hô hào người dân đuổi bắt được, chống cự lại, chúng làm sao thì dân làng lại càng khốn khổ hơn”.
Nắm bắt được tâm lý “chùn bước” của người dân, “cẩu tặc” càng hoạt động công khai, manh động hơn. Ông Phạm Văn Lý, Trưởng thôn Phú Hữu, mặt mày hốc hác sau hơn nửa tháng xảy ra sự việc trên địa bàn, tâm sự: “Từ hôm đó tới nay không đêm nào tôi được ngủ trước 4 giờ sáng. Làng xóm căng như dây đàn, hằng ngày ngoài việc tuần tra bảo vệ tài sản và nhắc nhở nhân dân nêu cao cảnh giác đề phòng mất trộm ông còn phải tiếp nhận cả đống đơn kiến nghị về việc mất chó, mèo, tài sản khác… và vận động bà con nhân dân bình tĩnh, không tập trung khiếu kiện đông người”.
Theo ông Hà Minh Thuần, Chủ tịch xã Thanh Lâm, các đối tượng trộm cắp chủ yếu là các nơi khác đến chứ dân trong xã thuần nông vốn rất hiền lành, chất phát. Địa bàn xã rộng lại nằm ngay huyết mạch giao thông của huyện, giáp ranh với thị xã của tỉnh Vĩnh Phúc nên chỉ cần câu được chó, các đối tượng rú ga dễ dàng thoát thân sang địa bàn khác. Trong số 4 người bị lực lượng chức năng tạm giữ đều là những nông dân tốt, gương mẫu trong các hoạt động, phong trào tại địa phương. Chỉ vì quá bức xúc với bọm trộm hung hãn mà đã xảy ra sự việc đáng tiếc. Hiện xã đã tăng cường thêm lực lượng tuần tra để ngăn chặn và tuyên truyền vận động nhân dân bình tĩnh, tránh xảy ra những bức xúc khác để đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn.
Thành Mai