Từ sự cố vỡ đập thủy điện Ia Krel 2, trên địa bàn xã Ia Dom, huyện Ðức Cơ, tỉnh Gia Lai đã đặt ra yêu cầu cấp bách về việc đảm bảo an toàn và tăng cường rà soát, quản lý chặt các công trình thủy điện.
Bộ Công Thương hứa sẽ làm hết trách nhiệm
Tại cuộc họp báo thường kỳ Bộ Công Thương diễn ra chiều 4/8, trả lời các câu hỏi của phóng viên liên quan đến “sự cố vỡ đập thủy điện Ia Krel 2” (Gia Lai), Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải khẳng định sự cố xảy ra sáng ngày 1/8 tại công trình thủy điện Ia Krel 2 không phải vỡ đập mà là vỡ đê quai.
Dự án này được xây dựng năm 2009 do UBND tỉnh Gia Lai cấp phép cho chủ đầu tư là Công ty Cổ phần thủy điện Bảo Long Gia Lai xây dựng. Theo quy trình, dự án phải được Bộ Công Thương kiểm tra an toàn, đánh giá hồ đập, thẩm định đủ điều kiện mới cấp phép hoạt động điện lực. Nhưng dự án chưa xong, ngày 12/6/2013 đã xảy ra sự cố vỡ đập. Sau sự cố này, UBND tỉnh Gia Lai đã đồng ý cho doanh nghiệp xây đê quai chắn nước để sửa đập. Ngày 1/8, đê quai này đã bị vỡ, gây thiệt hại về của cải vật chất cho người dân nhưng không có thiệt hại về người.
Công trình thủy điện Ia Krel 2
Chiều 4/8, đích thân Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng đã trực tiếp vào kiểm tra sự cố của công trình thủy điện Ia Krel 2. Trước đó, Bộ Công Thương đã lập một đoàn kiểm tra do Thứ trưởng Lê Dương Quang xuống làm việc trong các ngày 2 và 3/8 và đang làm báo cáo.
“Dù là công trình thủy điện của Bộ hay của địa phương cấp phép, Bộ Công Thương cũng hết sức quan tâm và đặc biệt lưu ý đến các vấn đề liên quan đến đời sống người dân. Chúng tôi hứa sẽ làm hết trách nhiệm vụ, làm nghiêm túc, làm đến cùng theo nguyên tắc vì sự phát triển của ngành điện nhưng cũng phải đảm bảo đời sống của bà con” - Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải khẳng định và cho biết thêm quan điểm của Bộ Công Thương là sẽ đề xuất với Chính phủ, nếu đơn vị nào cố tình làm sai quy định sẽ đề nghị khởi tố.
Ngày 7/8, Bộ Công Thương sẽ tổ chức hội nghị đánh giá về công tác an toàn hồ đập và công trìnhthủy điện với sự tham dự của tất cả các địa phương có hồ, đập thủy điện và các ủy ban của Quốc hội.
Công trình thủy điện Ia Krêl 2, có công suất thiết kế 5 MW, được triển khai xây dựng từ năm 2010 và bắt đầu tích nước từ đầu tháng 5/2013. Ðến thời điểm xảy ra vỡ đập, trong hồ đã tích được khoảng năm triệu mét khối nước, bằng một nửa dung tích tối đa. Sau khi đập vỡ vào năm 2013, nước đổ xuống hạ nguồn đã tạo lũ quét trên dọc suối Ia Krêl đến sông Sê San với chiều dài hơn 10 km, gây thiệt hại hơn 200 ha cao-su và hoa màu của các công ty và người dân trên địa bàn, ước tính thiệt hại ban đầu hàng trăm tỷ đồng.
Sự cố này không phải là trường hợp cá biệt, trong thời gian qua ở nhiều địa phương liên tục xảy ra các vụ việc tương tự: Ngày 7/10/2012, vỡ đập thủy điện Ðakrông 3 (Quảng Trị). Ðây là công trình do Công ty cổ phần Thủy điện Trường Sơn làm chủ đầu tư. Trong quá trình thi công hoàn thiện, kết hợp với việc tích nước lòng hồ để thử tải tổ máy, chỉ một cơn mưa kéo dài, nước tràn về đã làm cho hai khoang tràn bên trên của đập chính nhà máy bị vỡ, tổng thiệt hại ước tính khoảng 20 tỷ đồng.
Ngày 22/11/2012, công trình thủy điện Ðắk Mek 3, dưới chân núi Ngọc Linh, thuộc xã Ðắk Choong, huyện Ðắk Glei, tỉnh Kon Tum bị vỡ đập khiến một người thiệt mạng. Công trình thủy điện Ðắk Mek 3 khởi công đầu năm 2009, dự kiến phát điện đầu năm 2013, công suất 7,5 MW, vốn đầu tư 250 tỷ đồng, do Công ty Nam Việt thiết kế và Công ty Thủy điện Hồng Phát Ðắk Mek thi công. Ðiều đáng quan tâm là, nguyên nhân gây ra vỡ đập của các công trình thủy điện có công suất nhỏ thời gian qua chủ yếu là do thiết kế và thi công. Qua điều tra, kết luận của các cơ quan chuyên môn, cả hai công trình ở đập thủy điện Ia Krel 2 (Gia Lai) và Ðắk Mek 3 (Kon Tum) chỉ vài chiếc xe có trọng tải lớn đi qua đã có thể làm rạn nứt phần trần cống, dẫn đến sụt lún và xảy ra sự cố. Riêng công trình thủy điện Ia Krel 2 (Gia Lai) đang trong quá trình thi công chứ chưa tích nước, nếu không hậu quả xảy ra thật khó lường.
Rà soát, đánh giá lại quy hoạch thủy điện
Theo Ban Chỉ đạo Tây Nguyên, những dự án thủy điện tác động lớn đến môi trường và đời sống của người dân mà không có giải pháp khắc phục thì cần kiên quyết dẹp bỏ.
Ban Chỉ đạo Tây Nguyên cho rằng, việc phát triển thủy điện ở Tây Nguyên những năm qua đã và đang để lại nhiều hệ lụy và vướng mắc, nhất là trong công tác đền bù, tái định cư, tác động xấu đến môi trường. Toàn khu vực Tây Nguyên đang có 287 dự án thủy điện, với tổng công suất gần 7.000 MW. Hiện đã có 84 dự án được đưa vào sử dụng, công suất gần 5.000 MW. Các dự án còn lại đang được xây dựng và lên kế hoạch đầu tư.
Trước thực tế này, Ban Chỉ đạo Tây Nguyên đã phối hợp Bộ Công thương rà soát đánh giá lại quy hoạch phát triển các công trình thủy điện gắn với việc sử dụng đất đai, tài nguyên, giữ gìn môi trường sinh thái và bảo đảm không gian sinh sống của đồng bào ở các vùng dự án, kiên quyết loại bỏ những dự án hiệu quả thấp, ảnh hưởng đến rừng và sản xuất nông nghiệp.
Vào tháng 11/2013, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (TVQH) đã đề nghị khẩn trương nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Nghị định số 72/2007 của Chính phủ về quản lý an toàn đập nhằm bảo đảm an toàn tuyệt đối đối với các đập thuỷ lợi, thuỷ điện vào mùa mưa lũ.
Liên quan đến vấn đề bảo đảm an toàn đập thủy điện, báo cáo của Ủy ban TVQH cho hay Chính phủ đã chỉ đạo, các bộ, ngành, các địa phương tăng cường kiểm tra, đề ra nhiều giải pháp trữ nước và vận hành xả nước, vừa bảo đảm nước cho sinh hoạt, nước cho sản xuất, vừa bảo đảm an toàn các đập thuỷ lợi, thuỷ điện trong mùa mưa lũ. Mặc dù vậy, công tác quản lý an toàn đập còn một số tồn tại, hạn chế. Theo đó, hệ thống văn bản pháp luật quy định về vấn đề này còn bất cập, chưa đồng bộ, chưa đầy đủ; công tác quản lý, kiểm tra, giám sát thực tế chưa được thường xuyên, một số nơi việc thực hiện các quy định để bảo đảm an toàn đập còn hình thức, chiếu lệ; chưa có cơ quan điều phối chung giữa các chủ đập đối với các hồ chứa trên cùng lưu vực khi tham gia xả lũ.
Đồng thời, Ủy ban TVQH đề nghị các bộ, ngành có liên quan tích cực phối hợp với chính quyền địa phương tăng cường kiểm tra, giám sát, có phương án cụ thể phòng, chống lũ lụt, hạn chế thấp nhất thiệt hại xảy ra; nghiên cứu, hoàn thiện các văn bản pháp luật có liên quan, trước hết là khẩn trương nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Nghị định số 72/2007 của Chính phủ về quản lý an toàn đập; quy định về trình tự, thủ tục, nội dung lập, thẩm định và phương án phòng, chống lũ lụt vùng hạ du, bảo đảm an toàn tuyệt đối đối với các đập thuỷ lợi, thuỷ điện vào mùa mưa lũ.