ĐHĐCĐ thường niên năm 2014 của CTCP Chứng khoán Thành Công (TCSC) diễn ra chiều ngày 25/03 với nhiều ý kiến bức xúc của các cổ đông về tình hình và phương hướng hoạt động của công ty.
Theo cổ đông Trần Văn Phóng, HĐQT và Ban điều hành vẫn chưa có được những sáng kiến hoạt động kinh doanh thực sự có hiệu quả. Theo cổ đông này, với mô hình là một công ty chứng khoán mà các hoạt động kinh doanh chính của công ty như môi giới, tư vấn ,… trong năm 2013 chỉ thu về khoảng 540 triệu trên tổng số tài sản của công ty hơn 300 tỷ đồng là quá ít. Doanh thu chính của công ty vẫn phụ thuộc vào khoản tiền gởi ngân hàng (thu về hơn 27 tỷ đồng) điều này chứng tỏ HĐQT và Ban điều hành chưa có được những sáng kiến mới nhằm cải thiện hoạt động kinh doanh chính.
Ngoài cổ đông Phóng, một cổ đông khác cũng không đồng tình với phương thức hoạt động của công ty khi cho rằng phương hướng hiện tại của công ty chỉ là lấy vốn cổ đông bỏ vào ngân hàng và sử dụng tiền lãi của ngân hàng chi trả cho các hoạt động của TCSC. Theo cổ đông này, nếu như hoạt động này vẫn tiếp diễn thì công ty không thể nào có lãi chứ chưa thể đề cập đến định hướng là lên sàn niêm yết. Ông cho rằng cần phải có những chiến lược rõ ràng cho các hoạt động kinh doanh chính của công ty.
Cổ đồng phát biểu ý kiến tại Đại hội |
Còn cổ đông Bùi Thị Mận thì cho rằng, đối với TCSC thì không thể phát triển được hoạt động môi giới và cổ đông này hy vọng công ty phát triển ở hoạt động mua bán sáp nhập doanh nghiệp (M&A) nhưng không thấy công ty tập trung và đưa ra những chiến lược về hoạt động này.
Ông Trần Như Tùng – Phó Chủ tịch HĐQT cho biết sẽ tận dụng các mối quan hệ ở các cổ đông lớn để phát triển mảng M&A. Ông cũng cho biết thêm là cổ đông lớn là Seamico (đến từ Thái Lan) đã và đang hỗ trợ cho công ty, giới thiệu cho công ty các thương vụ mua bán sáp nhập của các công ty nước ngoài, đặc biệt là các công ty Thái Lan.
Được biết, trong năm 2013, TCSC ghi nhận 27.44 tỷ đồng doanh thu và lợi nhuận là 8.41 tỷ đồng, tương ứng lần lượt 94.21% và 121.66% kế hoạch đề ra.
Chiến lược 2014 là tự doanh và M&A
Với nhận định nền kinh tế Việt Nam đang trong giai đoạn phát triển tốt, các giải pháp hỗ trợ thị trường của Chính phủ đã phần nào phát huy tác dụng, thị trường chứng khoán liên tục gia tăng về điểm số và giá trị giao dịch. Vì vậy, năm 2014, công ty đề ra kế hoạch doanh thu đạt 36 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế là 13 tỷ đồng.
Các mảng hoạt động trong năm 2014 là tự doanh chứng khoán, tư vấn về M&A, môi giới và bảo lãnh phát hành. Trong đó, công ty chú trọng phát triển chủ yếu ở lĩnh vực tự doanh với số vốn đầu tư cho mảng này là 75 tỷ đồng. Khác với những năm trước ở mảng tự doanh 2014, công ty cũng thay đổi quy trình, thay vì trình duyệt qua HĐQT thì TCSC sẽ thành lập một đội chuyên biệt mới với tên gọi là Hội đồng đầu tư (HĐĐT), nòng cốt chính là các thành viên trong HĐQT và Ban điều hành. Khối tự doanh sẽ tìm kiếm và trình cho HĐĐT để xem xét.
Bên cạnh đó, năm 2014, TCSC cũng tiếp tục duy trì hoạt động môi giới với mục đích chủ yếu là thu lợi nhuận từ khoản cho vay ký quỹ đến các khách hàng. Năm 2014, TCSC duy trì ngân sách là 72 tỷ đồng cho các sản phẩm ký quỹ.
Về hoạt động M&A, TCSC sẽ tận dụng các mối quan hệ từ các cổ đông lớn như Seamico, Eland Word, … Trong đó, cổ đông lớn là Semico đang hỗ trợ giới thiệu cho TCSC các công ty nước ngoài tại Thái Lan đang có nhu cầu mua bán sáp nhập ở Việt Nam. Bên cạnh đó, cổ đông lớn là công ty Eland Word cũng đang có nhu cầu mở rộng thị phần ở Việt Nam nên khả năng mua bán sáp nhập sẽ thục hiện tại TCSC là khá cao.
Sau khi dành ngân sách cho các hoạt động tự doanh, ký quỹ thì toàn bộ số tiền còn lại sẽ được công ty đem gởi ngân hàng (chiếm 55% tổng tài sản của công ty).
Cơ cấu cổ đông của TCSC được công bố tại Đại hội |
Kết thúc đại hội, cổ đông thông qua các tờ trình về chi trả cổ tức năm 2013 (không chi trả), thù lao HĐQT và BKS 2013, kế hoạch kinh doanh 2014, ban kiểm soát năm 2014, …
Các thành viên trong HĐQT của TCSC |
Duy Hoàng