Ngày 7/10, tại thành phố Rạch Giá, Đoàn ĐBQH tỉnh Kiên Giang tổ chức tiếp xúc cử tri chuyên đề Luật Báo chí, với sự tham dự của lãnh đạo, phóng viên, biên tập viên cơ quan báo, đài tỉnh; các cơ quan thường trú báo, đài tại địa phương và một số sở, ngành.
Sau khi thông báo về nội dung làm việc của kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIII sắp diễn ra, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Kiên Giang ghi nhận những ý kiến của cử tri về khó khăn, vướng mắc, bất cập và kiến nghị sửa đổi cụ thể Luật Báo chí, Quy hoạch phát triển báo chí trong thời gian tới để đảm bảo thực hiện hiệu quả.
Quang cảnh buổi tiếp xúc cử tri.
Hầu hết các ý kiến đóng góp đề nghị cần làm rõ khái niệm “báo chí” và thuật ngữ “tự do báo chí” trong Luật Báo chí; quy định rõ và bổ sung trong Luật Báo chí những loại hình báo chí cụ thể; quản lý, kiểm soát các trang thông tin điện tử, mạng xã hội trên cơ sở có những chế tài, xử lý nghiêm mọi hành vi vi phạm, định hướng thông tin trong dư luận xã hội. Hiện nay có thực trạng cơ quan quản lý Nhà nước lĩnh vực thông tin tuyên truyền hầu như không quản lý, khó kiểm soát thông tin đa chiều, nhạy cảm, thông tin sai lệch, xuyên tạc, bôi nhọ trên mạng xã hội, tác động bất lợi đến đời sống cộng đồng, cuộc sống nhân dân và những chính sách, chủ trương của Đảng, Nhà nước.
Ông Nguyễn Thanh Hùng - Tổng biên tập báo Kiên Giang kiến nghị bổ sung vào Luật Báo chí về đạo đức nghề nghiệp của phóng viên, nhà báo gắn với cơ chế xử lý nghiêm và quy định thành điều, chương cụ thể, không nói chung chung như hiện nay. Quy định rõ về kinh tế báo chí, hình thức liên kết và kiên quyết không cho phép thành lập báo chí tư nhân; ngăn chặn và kiểm soát chặt chẽ tình trạng tư nhân núp bóng các cơ quan báo chí dưới hình thức “xã hội hóa” dẫn đến nhiều hệ lụy, bất cập. Quy hoạch, sắp xếp lại các cơ quan báo chí phải vừa đảm bảo công tác thông tin tuyên truyền phục vụ xây dựng, phát triển đất nước trong tình hình mới và hội nhập quốc tế đồng thời đảm bảo quản lý, kiểm soát chặt chẽ thông tin đăng phát, hạn chế thông tin phản cảm, bi thương tác động tiêu cực, bất lợi cho xã hội, chú trọng thông tin hướng thiện phù hợp với đạo lý truyền thống dân tộc. Luật Báo chí cần quy định rõ chế tài xử phạt đối với người phát ngôn, cơ quan, đơn vị cung cấp thông tin từ chối, né tránh phóng viên, nhà báo những vấn đề được phát ngôn, cung cấp theo quy định. Kiên quyết xử lý phóng viên, nhà báo và cơ quan báo chí thông tin sai sự thật, bẻ cong ngòi bút bóp méo sự thật, gây hoang mang dư luận xã hội.
Ý kiến đóng góp của các cử tri đề nghị bổ sung vào Luật Báo chí về tác nghiệp của phóng viên, nhà báo là thi hành công vụ, thực thi nhiệm vụ được cơ quan, đơn vị phân công; việc cản trở phóng viên, nhà báo tác nghiệp là vi phạm và xử lý theo quy định của pháp luật. Quy định rõ hoạt động của cộng tác viên các cơ quan báo chí, hoạt động của cộng tác viên không thể đánh đồng như một phóng viên, nhà báo thực thụ. Bên cạnh đó, cần có cơ chế ưu đãi, đặc thù và bảo vệ đối với phóng viên, nhà báo, nhất là những phóng viên, nhà báo được phân công, phụ trách lĩnh vực nhạy cảm, nguy hiểm; nâng cao vai trò giám sát, phản biện xã hội của báo chí, cần đưa quy chế phát ngôn vào Luật Báo chí;...