Sáng nay 13/7, UBTVQH tiếp tục cho ý kiến về các dự thảo kế hoạch kinh tế, xã hội, tài chính, đầu tư công… 5 năm 2021 – 2025. Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chủ trì phiên họp.
Đã khắc phục được đầu tư công dàn trải
Thảo luận tại phiên họp, các Ủy viên UBTVQH cơ bản đồng tình với các báo cáo của Chính phủ và các cơ quan thẩm tra của Quốc hội đã được chuẩn bị công phu, chất lượng; các nội dung bám sát Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, các Nghị quyết của Quốc hội Khóa XIV, Kết luận Hội nghị Trung ương 3 Khóa XIII.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đánh giá, đây là kết quả của quá trình phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan của Chính phủ và Quốc hội. Ban Cán sự Đảng Chính phủ đã tiếp thu tối đa ý kiến Đảng đoàn Quốc hội trong quá trình chuẩn bị các báo cáo. Do đó, khi trình Ban Chấp hành Trung ương thì cơ bản đồng thuận, không có ý kiến gì khác biệt lớn về quan điểm, nhận định, đánh giá.
Theo Chủ tịch Quốc hội, đây là bài học kinh nghiệm cần phát huy trong thời gian tới. Các ý kiến trong UBTVQH cũng nhất trí yêu cầu báo cáo của Chính phủ, báo cáo của cơ quan thẩm tra là cần chắt lọc, cô đọng hơn nữa.
Các Ủy viên UBTVQH cũng cho rằng, cần đánh giá sát đúng và nổi bật hơn nữa kết quả, thành tựu của 5 năm vừa qua, nhất là 4 năm đầu kế hoạch và đánh giá thêm năm 2020 chúng ta vượt khó như thế nào? Một số chỉ tiêu 5 năm thấp hơn kỳ vọng là do đại dịch Covid – 19 trong năm 2020.
Về đầu tư công, các ý kiến cho rằng, nên đánh giá thêm việc lần đầu tiên chúng ta vận hành cơ chế đầu tư công trung hạn.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định nhấn mạnh, cơ bản, trong 5 năm vừa qua chúng ta đã khắc phục được tình trạng đầu tư công dàn trải, số lượng dự án giảm hơn một nửa và hiệu quả tốt hơn. Sau khi Luật Đầu tư công được sửa đổi và kết hợp với công tác điều hành, năm 2020 tỷ lệ giải ngân đầu tư công đạt mức cao nhất từ trước đến nay, lên đến 97 – 98%. Rõ ràng, thể chế đầu tư công được khơi thông và tổ chức thực hiện cũng tốt hơn.
Các ủy viên UBTVQH cũng cho rằng, kế hoạch tài chính trung hạn, đã giải quyết tốt vấn đề chi đầu tư phát triển, bảo đảm các nhu cầu chi thường xuyên. Một số chính sách như cải cách tiền lương chưa thực hiện được đúng lộ trình vì hụt thu do tác động của đại dịch Covid – 19. Cơ cấu thu – chi ngân sách rất tích cực. Nhiều địa phương có tỷ lệ thu nội địa rất cao như Hà Nội đạt tới 93%. Chi thường xuyên giảm rất mạnh, có những thời điểm giảm xuống dưới 62%, 60%, một số địa phương làm rất tốt vấn đề này như Hà Nội bảo đảm chi thường xuyên – chi đầu tư phát triển là 50% - 50%, Quảng Ninh là 49% - 51%...
Các ý kiến cho rằng cần phân tích, đánh giá kỹ để lan tỏa ra các địa phương khác. Chúng ta cũng giải quyết tốt nhiệm vụ xử lý nợ xấu, nợ công, bảo đảm an ninh, an toàn tài chính, củng cố được nền tảng vĩ mô, đặc biệt rất thành công trong việc tái cơ cấu nợ. Cần đánh giá kỹ, nhấn mạnh bài học kinh nghiệm trong lĩnh vực này.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh, cần phải hoàn thiện một số nội dung, trong đó, cần đánh giá sát đúng và nổi bật hơn nữa kết quả, thành tựu của 5 năm vừa qua, nhất là 4 năm đầu kế hoạch và đánh giá thêm năm 2020 chúng ta vượt khó như thế nào? Một số chỉ tiêu 5 năm thấp hơn kỳ vọng là do đại dịch Covid – 19 trong năm 2020. Trung ương khẳng định, 5 năm qua, chúng ta đạt thành tựu là toàn diện, quan trọng và nhiều dấu ấn nổi bật.
Theo Chủ tịch Quốc hội, trước đây, chúng ta làm kế hoạch đầu tư công hàng năm, khi chuyển sang kế hoạch đầu tư công trung hạn cũng có những cái khó trong công tác điều hành. Trong bối cảnh đó, chúng ta đồng thời tổng kết sớm và đề nghị Quốc hội sửa đổi Luật Đầu tư công.
Trong 5 năm vừa qua chúng ta đã khắc phục được tình trạng đầu tư công dàn trải, số lượng dự án giảm hơn một nửa, hiệu quả tốt hơn, đặc biệt, sau khi Luật Đầu tư công được sửa đổi và kết hợp với công tác điều hành, năm 2020 tỷ lệ giải ngân đầu tư công đạt mức cao nhất từ trước đến nay, lên đến 97 – 98%. Rõ ràng, thể chế đầu tư công được khơi thông và tổ chức thực hiện cũng tốt hơn, Chủ tịch Quốc hội phân tích.
Ngăn chặn sự suy giảm của nền kinh tế
Chủ tịch Quốc hội đánh giá: Cơ cấu thu – chi ngân sách rất tích cực. Nhiều địa phương có tỷ lệ thu nội địa rất cao như Hà Nội đạt tới 93%. Chi thường xuyên giảm rất mạnh, có những thời điểm giảm xuống dưới 62%, 60%, một số địa phương làm rất tốt vấn đề này như Hà Nội bảo đảm chi thường xuyên – chi đầu tư phát triển là 50% - 50%, Quảng Ninh là 49% - 51%...
Tại sao các địa phương này làm được như vậy? Cả nước vẫn chi thường xuyên vẫn rất cao. Chúng ta phải phân tích, đánh giá kỹ để lan tỏa ra các địa phương khác, Chủ tịch Quốc hội nêu vấn đề.
Chủ tịch Quốc hội đề nghị cần đánh giá kỹ, nhấn mạnh bài học kinh nghiệm trong xử lý nợ xấu, nợ công, bảo đảm an ninh, an toàn tài chính, củng cố được nền tảng vĩ mô, đặc biệt rất thành công trong việc tái cơ cấu nợ.
Về tình hình tới đây, Chủ tịch Quốc hội khẳng định, đánh giá của Đảng ta về bối cảnh tình hình tại Đại hội XIII rất đúng, rất toàn diện, sâu sắc. Có chăng chỉ phân tích, nhận diện sâu sắc thêm những khó khăn do tác động tiêu cực của đại dịch Covid – 19, do khắc phục suy giảm kinh tế theo chu kỳ, do khắc phục hậu quả đại dịch thì sẽ phải nới lỏng chính sách tài khóa, tiền tệ nên áp lực về rủi ro kinh tế vĩ mô, lạm phát… Các quan điểm, mục tiêu Trung ương đã thống nhất, nhấn mạnh các yếu tố nhanh, bền vững, củng cố nền tảng kinh tế vĩ mô vẫn là mục tiêu hàng đầu, bảo đảm an ninh tài chính, an toàn nợ công, không để nợ xấu quay trở lại, đây là thách thức lớn trong bối cảnh nền kinh tế gặp nhiều khó khăn do tác động của dịch bệnh Covid – 19 hiện nay.
Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị đánh giá thêm về chất lượng tăng trưởng, năng suất, sức cạnh tranh, hiệu quả, vấn đề văn hóa, con người, khoa học, công nghệ, tính tự chủ của nền kinh tế; cân đối hơn nữa đánh giá về kinh tế, xã hội, văn hóa, quốc phòng, an ninh, phòng chống tội phạm, tư pháp…
Về các giải pháp, Chủ tịch Quốc hội cho rằng phải bàn kỹ định hướng, phương hướng tổ chức thực hiện như thế nào. Còn về thể chế, trước hết phải thể chế hóa kịp thời các chủ trương, định hướng lớn của Đảng tại Nghị quyết đại hội XIII của Đảng; nhất là những điểm mới như công nghiệp 4.0...