Cuộc đời long đong của nữ phạm nhân đa đoan

Đoàn Nga| 29/02/2016 07:21
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Vất vả từ 1h sáng tới cuối giờ trưa mới kiếm được 100 nghìn đồng nên khi nhìn thấy số ma túy của chồng rơi ra, Thu tiếc của nên quyết định mang đi bán lại cho bạn nghiện của chồng. Quyết định này đã khiến cuộc đời Thu bước vào tăm tối.

Tiếc 700.000, trả giá bằng 6 năm tù giam

Dù trời rét như cắt da cắt thịt, nhưng đến lịch ăn cá nên ngay từ sáng sớm Nguyễn Thị Thu, 45 tuổi (ở Nho Quan, Ninh Bình) - đang thụ án tại trại giam Ninh Khánh, vẫn phải cùng các bạn tù trong đội mang lưới xuống ao bắt cá. Hoàn tất công việc, thay bộ đồ phạm nhân khô ráo nhưng Thu vẫn co ro, hai tay xoa vào nhau như muốn làm tan cơn rét.

Khác với vẻ rụt rè, sợ sệt thường thấy của các phạm nhân, vừa bước vào phòng Thu đã rộn ràng chào hỏi rồi mau mồm bắt chuyện “trời lạnh quá cán bộ nhỉ, thế mà sáng sớm bọn em đã phải xuống ao bắt cá rồi vì hôm nay thực đơn chính là món cá mà”.

45 tuổi đời nhưng Thu có tới 31 năm trong nghề buôn cá. Gia đình Thu có 6 anh chị em thì cả 6 chỉ học hết “xóa mù chữ” là bỏ sách vở, cắp rổ theo cha mẹ ra chợ buôn cá, cái nghề mà từ đời ông cha Thu lấy đó làm kế sinh nhai, thế nên việc bắt, mổ cá đối với Thu dễ như trở bàn tay. Thu khoe, chỉ cần nhìn tăm cá là chị ta có thể phân biệt được đó là loại cá gì, to hay nhỏ.

Gắn bó với nghề cá từ bé, lấy chồng Thu vẫn giữ nghề của gia đình. Công việc vất vả nhưng thu nhập cũng không đáng là bao nên theo lời Thu kể, cô phải chăm chỉ mới đủ sống. Sáng nào cũng vậy, 1h sáng Thu đã phải rời nhà trên chiếc xe máy cà tàng, chở theo nào thùng xốp, thúng và sục cá, bình ắc quy đi lùng khắp làng trên xóm dưới mua mang về chợ bán.

Quần quật từ mờ sáng đến tận trưa muộn mới được về, ốm đau Thu cũng không dám nghỉ vì nghỉ hôm nào cả nhà sẽ “treo niêu hôm đó”. Chồng nghiện ngập nên không giúp được gì cho Thu về kinh tế lại còn luôn rình rập “chôm” tiền của vợ nên mọi gánh nặng đều đè trên vai chị ta.

“Ngày Tết, mọi người quần áo mới xúng xính đi chơi thì em cũng chỉ nghỉ có ngày mồng một, sáng mồng hai em đã ra chợ bán hàng rồi”, Thu tâm sự.

Tuy nhiên, cuộc sống vất vả nhưng êm đềm đó đã biến mất, chỉ vì tiếc của mà Thu đã rơi vào chốn tù đày.

Theo hồ sơ lưu trữ tại trại, một ngày cuối năm 2011, sau buổi chợ về tới nhà, Thu được mẹ chồng báo tin, hôm sau chồng chị ta sẽ đi cai nghiện. Sau bữa cơm, Thu vào dọn dẹp căn phòng của chồng thì thấy một bọc giấy bóng rơi ra, bên trong có 7 gói nhỏ chứa bột màu trắng. Đúng lúc đó, mẹ chồng nói lại rằng có nghe loáng thoáng chồng Thu nhờ đưa gói giấy gì ở giường cho người bạn nên Thu đoán số gói bột này là ma túy.

Cuộc đời long đong của nữ phạm nhân đa đoan

Phạm nhân Nguyễn Thị Thu bộc bạch về cuộc đời truân chuyên của mình

Nghĩ tới những lần phải đi mua ma túy cho chồng sử dụng, mỗi tép mua mất 100 nghìn đồng nên Thu tiếc của, không nỡ vứt đi, 7 tép ma túy tức là 700 nghìn đồng. “Cả buổi chợ mới được trăm ngàn, tự dưng ném cả nắm tiền đi ai mà chả tiếc hả cán bộ. Nếu em không tham, không tiếc mà ném nó xuống ao thì đời em không như thế này”, Thu nói.

Nghĩ tới người bạn nghiện của chồng, chị ta quyết định mang số ma túy đi bán lại cho đỡ “phí hoài”. Thế nhưng, vừa trao số "hàng" cho người bạn thì cảnh sát ập tới bắt giữ. Sau đó Thu bị kết án 6 năm tù rồi về thụ án tại trại giam Ninh Khánh.

Không phải "hồng nhan" vẫn đa đoan, lận đận

Khẽ đưa tay chấm nước mắt Thu bộc bạch: “Hồng nhan bạc phận nhưng em chẳng xinh đẹp gì mà cuộc đời long đong”. Biết kiếm tiền từ năm 14 tuổi nhưng đến tận 24 tuổi, ở cái tuổi mà ở quê người ta đã cho vào hàng “tồn kho” thì Thu lấy chồng. Chồng Thu ở cùng làng, kém chị ta tới 5 tuổi nhưng được cái hiền lành, yêu vợ thương con. Hai đứa con ra đời khiến gia đình Thu thêm ấm áp, hạnh phúc.

Thế nhưng, bất hạnh bỗng chốc ập xuống đầu mẹ con Thu khi chồng chị ta bỗng mắc bệnh gan. Căn bệnh quái ác đã lấy đi sức lực của anh khiến cuộc sống của gia đình khó khăn gấp bội phần, bao nhiêu lo toan dồn hết lên người phụ nữ đa đoan.

Thu lao vào làm việc để kiếm tiền nuôi con, thuốc thang cho chồng. Ngày ngày Thu phóng xe máy, đi mua cá của các hộ dân trong làng rồi mang về thả vào bể để đi chợ bán dần. Những khi có khách đặt hàng hoặc không có gia đình nào tát ao bán cá, Thu phải dậy từ nửa đêm, phóng ra bến bãi ngoài sông Bôi để mua cá của những người chài lưới đem về bán lẻ.

Dù chăm chút thuốc thang cho chồng nhưng anh cũng không ở lâu với mẹ con Thu. Chồng mất khi con trai lớn mới 6 tuổi. “Mẹ góa con côi”, Thu gắng gượng bươn chải, quên hết tình cảm của bản thân để chăm lo cho hai con.

10 năm sau, Thu mới động lòng trước người đàn ông góa vợ. “Anh ấy vợ chết, hai con lớn đều đi làm ăn xa, nhìn thấy một mình cơm nước tội quá nên em thương”, Thu kể lại.

Sau một thời gian qua lại, hai người quyết định “góp gạo thổi cơm chung”. Chồng mới của Thu làm nghề lái xe, phong độ nên Thu khá hài lòng. Những tưởng từ đây cô sẽ có cuộc sống mới hạnh phúc, nhưng số phận đa đoan của người phụ nữ này vẫn chưa dừng lại, 4 tháng sau ngày cưới cô chết lặng khi hay chồng mình là kẻ nghiện ma túy. “Anh ấy bảo em, tại buồn vì vợ chết rồi công việc lái xe rong ruổi đường dài, cô đơn nên bị bạn bè rủ rê mới chơi ma túy. Em khuyên anh ấy cai nghiện nhưng cai nhiều lần lắm rồi vẫn tái nghiện’, Thu bộc bạch.

Chính từ người chồng nghiện ngập này đã đẩy cô vào vòng lao lý. Ngày chồng đi cai nghiện cũng là ngày Thu tra tay vào còng. Là kẻ gián tiếp gây ra tội lỗi cho vợ nhưng chồng Thu vẫn không cai được ma túy, hết vào lại ra, anh ta liên tục tái nghiện.

Khi Thu lên trại Ninh Khánh thụ án được 4 tháng thì nghe tin chồng mình cũng “nhập kho” vì ma túy. Hai vợ chồng cải tạo ở hai trại khác nhau, nỗi hận chồng ngập tràn trong lòng Thu nên khi anh ta viết thư xin lỗi, cô không muốn hồi đáp chỉ nhắn nhủ với mẹ chồng khi bà lên thăm rằng nếu anh ta không thay đổi, không từ bỏ được ma túy thì khi ra trại cô sẽ ly hôn. Mẹ chồng Thu thương con dâu nên cứ hai tháng bà lại lên thăm cô một lần rồi mới quay sang thăm con trai.

May mắn cho Thu, hai đứa con với chồng trước đều rất ngoan ngoãn, dù ở hoàn cảnh đặc biệt nhưng cả hai đều không vì thế mà hư hỏng. “Ngày em bị bắt, con gái em đi thi học sinh giỏi tiếng Anh cấp tỉnh”, Thu hào hứng khoe. Cô cũng hài lòng với hai đứa con riêng của chồng khi chúng đùm bọc thương yêu hai đứa con của cô như em ruột.

“Sau này ra trại em sẽ tiếp tục quay về nghề bán cá, các anh chị ở nhà vẫn giữ chỗ cho em ở chợ”, nói rồi Thu đưa ánh mắt qua ô cửa sổ hướng về quê nhà nơi các con của cô đang ngày ngày ngóng mẹ quay về.  

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cuộc đời long đong của nữ phạm nhân đa đoan