Cuộc đời bất hạnh của người gác tàu tự nguyện

Châu Sơn| 10/10/2015 06:54
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Vừa mới chào đời đã câm, điếc, lớn lên chút nữa thì chân tay dị tật, cong vòng. Bây giờ, mắt anh lại bị lòa. Vậy mà, đến lúc này, người đàn ông ấy vẫn yêu mãnh liệt công việc gác tàu, dù không có một đồng lương nào.

Người đàn ông đó tên là Lê Ngọc Quý (SN 1965, ngụ tổ 124, phường Hòa Hiệp Nam, quận Liên Chiểu, TP. Đà Nẵng). Sinh ra trong gia đình có 3 anh em, Quý là anh cả. Khi vừa mới lọt lòng mẹ, Quý không một tiếng khóc. Mãi đến lúc 3 tuổi, Quý vẫn không biết nói, gia đình đưa đi khám thì mới hay Quý bị câm, điếc bẩm sinh.

Không chỉ câm, điếc, chân của Quý còn bị dị tật, cong vòng. Càng lớn, chân cong càng lộ rõ khiến đi lại khó khăn. Mặc dù nhiều khiếm khuyết nhưng Quý cũng ý thức được trách nhiệm với bản thân, gia đình và đi tìm việc làm. Không ai chịu nhận một người thất học, câm, điếc, dị tật chân vào làm việc. Duy chỉ có một người trong xóm thấy hoàn cảnh đáng thương nhận Quý vào làm bốc xếp ở cơ sở xay xát của mình. Với đồng lương tuy ít ỏi nhưng cũng giúp anh tìm thấy niềm vui và phần nào cải thiện cuộc sống.

Tưởng rằng cuộc sống của Quý sẽ bình lặng trôi qua, không ngờ do làm việc quá sức đã khiến anh bị chấn thương cột sống và phải bỏ việc từ khi mới 30 tuổi. Thế nhưng, bất hạnh vẫn chưa chịu từ bỏ người đàn ông tội nghiệp này. Trong một lần bị nhành cây cào vào mắt, vì không điều trị kịp thời nên mắt trái của anh bị mù vĩnh viễn. Một thời gian sau đó, tổn thương mắt trái tiếp tục gây ảnh hưởng làm con mắt còn lại cũng bị giảm dần thị lực. Chia sẻ với chúng tôi, anh Lê Ngọc Quang (SN 1970, em trai Quý) nghẹn ngào nói: “Tôi chưa từng thấy ai bất hạnh như anh trai của tôi, bất hạnh đến thế chắc là tận cùng rồi”.

Cuộc đời bất hạnh của người gác tàu tự nguyện

 Anh Lê Ngọc Quý với công việc gác chắn đường tàu tự nguyện

Nhà anh Quý ở cạnh một đường ngang dân sinh cắt ngang đường sắt Bắc - Nam tại Km 778+925, cách đường tàu khoảng 30m. Vì khu dân cư đông đúc, đường ngang dân sinh không có gác chắn nên những năm trước thường xảy tai nạn. Có vụ gây chết người, có cả những vụ nạn nhân không chết nhưng bị di chứng phải nằm liệt giường hoặc bị tổn thương thần kinh. Nhà Quý ở gần đó nên những vụ tai nạn như thế, hầu như Quý đều chứng kiến. Năm 1995, Quý bắt đầu công việc gác tàu. Công việc này không ai giao nhưng Quý tự nguyện làm.

Đầu tiên, Quý xin bộ quần áo cũ của một người bảo vệ, sửa lại cầu vai, ve áo trông giống đồng phục của nhân viên gác chắn đường tàu. Sau đó, Quý đến những trạm gác chắn ở gần đấy xem quy trình làm việc của nhân viên. Quý đặc biệt chú ý hành động của nhân viên gác chắn mỗi khi có tàu đến. Quý cũng xem mẫu cờ hiệu vàng, cờ đỏ ở đây rồi về nhà xin vải tự làm cờ và mua còi hiệu. Hằng ngày, Quý ra đứng ngay góc ngã tư đường dân sinh với đường tàu làm “gác chắn sống”. Thấy việc làm của anh nguy hiểm bởi anh bị câm điếc, nhận thức hạn chế, đứng cạnh đường tàu tiềm ẩn nhiều rủi ro nên gia đình, làng xóm ngăn cản. Bằng cách ra hiệu và những tiếng ú ớ trong cổ họng, Quý cho mọi người biết rằng anh thấy việc qua lại đường tàu mà không có gác chắn quá nguy hiểm. Quý còn lấy giấy viết nguệch ngoạc: “Tôi không muốn làm người vô dụng”. Đến mức đó, gia đình đành để Quý tự do làm công việc yêu thích của mình.

Anh Trần Văn Tuấn, người sống cạnh đường tàu cho biết, do không nghe được tiếng còi nên Quý liên tục nhìn về hai đầu đường sắt để quan sát tàu và cảnh báo người qua lại khi có tàu đến. Anh thường đứng gác từ sáng sớm cho đến khuya, có hôm đến 2 giờ sáng, Quý vẫn còn cầm cờ hiệu cho các chuyến tàu chạy qua. Về ban đêm, anh thường cúi sát xuống đường tàu để nhận biết tàu từ xa. Có những hôm mưa lạnh, mọi người thấy tội nghiệp bảo Quý về nghỉ nhưng Quý ra hiệu bảo hãy còn sớm, vẫn còn người qua lại và còn hai chuyến tàu nữa. Có những khi đang ăn cơm, nhìn đồng hồ đoán tàu sắp đến, anh bỏ bát cơm chạy vội ra gác đường. Cạnh nơi giao cắt có một biển báo đã bong tróc, anh Quý lấy đó làm tấm bảng rồi dùng phấn đánh dấu số chuyến tàu qua lại. Sau nhiều năm làm “gác chắn sống” không lương, Quý biết rõ quy luật giờ các đoàn tàu vào, ra và hầu như không bỏ sót chuyến tàu nào.

Gần 20 năm qua, công việc của anh Quý đã giúp cho điểm giao cắt này không còn xảy ra tai nạn. Người dân quanh vùng thương tình hỗ trợ anh khi phần quà, tấm bánh, khi một ít tiền để anh tiêu vặt. Đặc biệt, mỗi khi ai đó cho anh bộ đồng phục bảo vệ cũ, lá cờ hay chiếc còi mới để phục vụ công việc của mình, anh Quý mừng vui ra mặt. Ban ATGT TP. Đà Nẵng biết được hoàn cảnh đặc biệt và việc làm tự nguyện của anh Quý cũng thường xuyên thăm hỏi, tặng quà hỗ trợ cho anh.

Năm 2013, thấy việc làm của anh Quý phát huy hiệu quả, Ban ATGT TP. Đà Nẵng quyết định thành lập một trạm gác tại đây. Do anh Quý không đủ năng lực hành vi để làm việc chính thức nên địa phương ký hợp đồng với anh Lê Ngọc Quang và ông Nguyễn Sa (SN 1958) và trích một phần lương của anh Quang để hỗ trợ cho anh Quý. Ca trực của anh Quang, ông Sa từ 5 giờ đến 19 giờ. Sau thời gian đó, dù không có trách nhiệm, anh Quý lại tiếp tục công việc yêu thích của mình. Anh Quang còn kể, trong thời gian ca trực của anh hoặc ông Sa, thỉnh thoảng anh Quý cũng ra phụ giúp và để “giám sát”, thấy ai lơ là hoặc bỏ gác là anh nhắc nhở ngay, thậm chí anh tỏ rõ thái độ tức giận.

Cho đến bây giờ, dù sức khỏe đã giảm sút, mắt đã lòa dần, anh vẫn hằng đêm làm công việc thầm lặng cạnh đường tàu. Với suy nghĩ tích cực vì cộng đồng và sự nỗ lực vượt qua bất hạnh của bản thân, anh Lê Ngọc Quý là một tấm gương sáng khiến mỗi chúng ta có thêm niềm tin vào những giá trị thầm lặng nhưng lớn lao trong cuộc sống.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cuộc đời bất hạnh của người gác tàu tự nguyện