Cuộc chạy đua về lãi suất của các ông chủ nhà băng

Bảo Lan| 31/03/2016 22:00
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Nhiều chuyên gia kinh tế nhận định, nếu Thông tư 36 thực sự được điều chỉnh, thì các “ông chủ” nhà băng sẽ bước vào một cuộc đua “marathon” mới và theo đó, khả năng điều chỉnh lãi suất cho vay sẽ “nóng” lên.

Mỗi nhà băng có một cách huy động khác nhau

Chỉ vừa hết Quý I/2016, nhưng ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã đưa ra hàng loạt các biện pháp nhằm kiểm soát nguồn vốn và rủi ro cho các tổ chức tín dụng (TCTD), như ban hành Văn bản số 297/NHNN-TTGSNH về việc chấn chỉnh việc thực hiện lãi suất huy động của thống đốc NHNN; Dự thảo sửa đổi Thông tư 36 về việc giảm tỷ lệ cho vay từ 60% xuống 40%.

Riêng trong lĩnh vực BĐS, gói hỗ trợ 30.000 tỷ đồng cũng được NHNN đã chính thức thông báo đến các TCTD ngừng cho vay bắt đầu tư 31/3. Nhiều chuyên gia kinh tế bắt đầu lo ngại và cho rằng, không nên thắt chặt tiền tệ thêm, để bảo đảm hoạt động sản xuất kinh doanh của cộng đồng doanh nghiệp trong nhiều lĩnh vực. Bởi điều đó sẽ khiến cho nguồn vốn vào hoạt động kinh doanh thiếu càng thiếu hơn, khi lãi suất tăng và các điều kiện cho vay sẽ khó hơn nhiều.

Cuộc chạy đua về lãi suất của các ông chủ nhà băng

Các TCTD cần giảm chi phí trong hoạt động huy động vốn, để không tăng mặt bằng lãi suất cho vay

Báo cáo của Tổng cục Thống kê cho thấy, tính đến thời điểm 21/3/2016, vốn huy động của các TCTD đã tăng 2,26%, cùng kỳ năm trước tăng 0,94%. Nhưng trên thực tế, lãi suất huy động hiện nay đã được các TCTD vào cuộc chạy “marathon” theo chiều mũi tên đi lên. Thậm chí, có một số TCTD niêm yết lãi suất huy động ngắn hạn tiệm cận hoặc kịch trần 5,5% mà NHNN quy định, nghĩa là từ 7,5%/năm với tiền gửi 12 tháng, ngay cả với các TCTD nhỏ.

“Lãi suất huy động tăng, sẽ đồng nghĩa với việc lãi suất cho vay sẽ tăng và chúng ta không thể phủ nhận một khi điều kiện cho vay khó hơn, các doanh nghiệp và người có nhu cầu sẽ khó tiếp cận được nguốn vốn, ngay cả khi lãi suất tăng. Đó là một nghịch lý làm giảm kích cầu trong cán cân thương mại mà nền kinh tế đang cần phải tháo gỡ”, chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành đã nhận định.

Nền kinh tế khó khăn, doanh nghiệp thiếu vốn và trong khi Chính phủ đã triển khai nhiều chính sách tiền tệ nhằm hỗ trợ để tạo tính thanh khoản, kích cầu tiêu dùng, thì các TCTD lại mỗi “nhà” một kiểu, làm cho nền kinh tế thiếu vốn lại càng thiếu hơn. TS Trần Du Lịch, Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội bày tỏ lo lắng và ví von: “Đói, vì có gạo trong kho mà không thể thổi thành cơm”.

Phải tạo tính thanh khoản cao

Mỗi TCTD cũng cần phải hoạt động có lãi và dòng tiền phải luôn có sự thanh khoản. Nhưng một thực tế mà chúng ta không thể phủ nhận rằng, càng có nhiều TCTD trong công tác huy động vốn, thì kèm theo đó là các chương trình khuyến mại, tặng quà, ưu tiên lãi suất, chuyển lãi suất tiền gửi qua lãi suất cho vay, tăng dịch vụ hoặc giao dịch khác với cùng khách hàng và người có liên quan của khách hàng.

Rõ ràng, hoạt động tín dụng là hệ thống điều tiết cho toàn nền kinh tế nên dù mức huy động với lãi suất cao hay thấp, người dân vẫn chọn giải pháp gửi vào các TCTD. Trong khi đó, các ngân hàng không cho vay được hoặc cũng ngại cho vay vì nguy cơ nợ xấu cao nên cũng không dám cho vay ra, khiến cho một lượng tiền lớn nằm “bất động trong kho”.

Chuyên gia tài chính Bùi Kiến Thành chia sẻ: “Chúng ta không thể áp dụng nền kinh tế của quốc gia này cho quốc gia khác. Nhưng qua kinh nghiệm cho thấy, để một nền kinh tế phát triển tốt nhất thì tính thanh khoản tín dụng của quốc gia đó phải cao. Bằng việc hỗ trợ tổng thể cho nhiều lĩnh vực và lĩnh vực nào tiềm năng lớn hay doanh nghiệp nào có dự án, chương trình khả thi thì hỗ trợ cho họ để phát triển”.

Trong khi báo cáo về tăng trưởng tín dụng của NHNN mới đây cho thấy, các TCTD kỳ vọng vốn huy động của toàn hệ thống ngân hàng sẽ tăng trưởng bình quân 17,46% tính đến cuối năm 2016 (năm 2015 là 14,35%) và dư nợ tín dụng của toàn hệ thống năm 2016 tăng trưởng bình quân 21,4%, cao hơn nhiều so với mức kỳ vọng 14.57% cho cả năm 2015.

Vì thế, muốn đạt như mục tiêu đề ra, theo TS Trần Du Lịch, các TCTD khi thực hiện các chương trình trong huy động vốn nên tiết giảm tối đa các chi phí quảng cáo, khuyến mại, chăm sóc khách hàng để giảm lãi suất cho vay và tạo tính thanh khoản cho dòng tiền trong chuỗi minh bạch và cho vay đúng quy định. Có như thế mới duy trì và phát huy tốt vai trò của một tổ chức tài chính điều tiết cho toàn bộ nền kinh tế quốc gia.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cuộc chạy đua về lãi suất của các ông chủ nhà băng