Thiếu công khai, minh bạch trong các hoạt động quản lý nhà nước, có sự “xung đột lợi ích” trong thực hiện nhiệm vụ hay mức lương của CBCC quá thấp, không đáp ứng được yêu cầu cuộc sống...cũng là rào cản trong việc ngăn chặn,phòng ngừa tham nhũng hiện nay.
Đó là nội dung báo cáo kết quả khảo sát việc thực hiện các biện pháp phòng ngừa, thu hồi tài sản tham nhũng do Thanh tra Chính phủ (TTCP) công bố ngày 29/7.
Chưa có sự giám sát trong kê khai tài sản
Công khai, minh bạch là một trong những định hướng lớn và cũng là nội dung, yêu cầu cơ bản của các văn bản pháp luật về phòng, chống tham nhũng. Minh bạch hóa quản lý hành chính nhà nước phải bao gồm việc cơ quan nhà nước chủ động thực hiện công khai, minh bạch hóa hoạt động của mình theo quy định của pháp luật; đồng thời đảm bảo quyền của người dân được tiếp cận thông tin của bộ máy Nhà nước trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ, sử dụng quyền lực tài sản công.
Đây là số liệu khảo sát công chức, viên chức và người dân được tiến hành tại 5 tỉnh/thành phố là: Hà Nội, Bắc Giang, Khánh Hòa, Đồng Nai và 16 Bộ, cơ quan ngang bộ tại 58 tỉnh, thành phố thông qua cơ quan thanh tra và một số sở.
Kết quả cho thấy, việc thực hiện chế độ tuyển dụng, sử dụng, đề bạt và hưu trí đối với công chức vẫn còn hạn chế khi 35% người được hỏi cho rằng, chỉ đáp ứng được phần nào. Về phía người dân, có 13,3% người được hỏi cho rằng, chế độ tuyển dụng, bổ nhiệm chức vụ đối với công chức không đáp ứng được tiêu chí công khai, minh bạch, khách quan và đúng pháp luật; bảo đảm tính cạnh tranh trên cơ sở năng lực, thành tích; bố trí người đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ và vị trí việc làm. Số người cho rằng đáp ứng được cũng chỉ chiếm trung bình là 33,4%.
Về chế độ, chính sách trong công tác cán bộ hiện nay, có 54,7% công chức, viên chức cho rằng việc bố trí việc làm theo năng lực, chuyên môn chỉ hợp lý phần nào. Tương tự như vậy, trung bình khoảng 50% người được hỏi đều nhận định tiêu chí, cách thức đánh giá hoàn thành nhiệm vụ, chương trình đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ cũng chỉ hợp lý phần nào. Đặc biệt, qua số liệu khảo sát có thể nhận thấy có tới 23,9% công chức, viên chức cho rằng chế độ đãi ngộ, tiền lương hiện nay là không hợp lý.
Nhiều ý kiến cũng cho rằng, hiện nay, tiền lương và chế độ đãi ngộ cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức vô cùng thấp, lương công chức, viên chức mới ra trường chưa đảm bảo cuộc sống của họ, trong khi họ chưa có điều kiện để đảm nhận việc khó, cũng như phải tiếp tục đầu tư cho học tập nâng cao trình độ.
TS Đinh Văn Minh tại buổi công bố kết quả khảo sát
Bên cạnh đó, việc tuyển dụng, bổ nhiệm công chức, viên chức chưa thực sự khách quan, dẫn đến chất lượng cán bộ thấp, trình độ một bộ phận không nhỏ yếu kém, vào công chức chủ yếu do muốn có công việc ổn định, có những vị trí đem lại nhiều bổng lộc... ảnh hưởng đến chất lượng thực hiện nhiệm vụ, công vụ.
Một vấn đề nữa liên quan đến việc phòng chống tham nhũng là việc kê khai tài sản. Theo kết quả khảo sát, có 81% công chức, viên chức được hỏi đánh giá tích cực về việc thực hiện quy định về kê khai tài sản, thu nhập nhưng chỉ nhận được sự đồng tình của 35,6% người dân khi nhìn nhận vấn đề này.
Về hiệu quả của việc kê khai tài sản, thu nhập nhằm phòng ngừa xung đột lợi ích. Kết quả khảo sát cho thấy: 21,3% công chức, viên chức cho rằng biện pháp này không có tác dụng; 60,6% cho rằng chỉ có tác dụng phần nào và 20,1% có tác dụng. Điều này cũng phù hợp với những báo cáo chính thức của cơ quan có trách nhiệm.
Khảo sát ý kiến người dân cho thấy, tại địa phương nơi cư trú của họ đều có hiện tượng như: Cán bộ chính quyền dùng tiền, tài sản công vào mục đích riêng (28%); người dân phải chi thêm tiền để làm thủ tục xây dựng nhà, mua bán đất hay người dân chi thêm tiền để được quan tâm hơn khi khám bệnh tại bệnh viện công lập (47,6%); chi thêm tiền để xin cho con vào học các trường công lập và lớp chọn (52,6%)...
Phải phòng ngừa “xung đột lợi ích”
Mặc dù kết quả khảo sát như vậy nhưng TS. Đinh Văn Minh, Phó Viện trưởng Viện Khoa học thanh tra (TTCP) nhận định: Khảo sát ý kiến người dân cho thấy, gần 50% người dân cho rằng phải chi thêm tiền hay quà tặng... khi làm những việc liên quan đến thủ tục hành chính công. Song, đa số họ lại hài lòng và cho rằng, đó giống như một nét “văn hóa tặng quà” của người Việt, là một cách để bày tỏ cảm ơn đối với những người đã giúp đỡ mình, hoặc mục đích để người thân của mình được chăm sóc tốt hơn…
Còn vấn đề kê khai tài sản hiện cũng đang rất phức tạp, quản lý khó, nên cần thành lập riêng một cơ quan tiến hành xác minh, quản lý. Tương tự, các quy định về minh bạch hay thu hồi tài sản cũng vậy, cần phải sửa đổi, bổ sung một số luật có liên quan về vấn đề này.
Còn theo ông Nguyễn Khắc Chanh, Chánh Thanh tra tỉnh Nam Định, việc kê khai tài sản mới chỉ giới hạn trong cán bộ, công chức Nhà nước. Vì là danh mục bí mật nên người dân không thể biết được kê khai đó đúng hay sai. Hiện nay không có quy định cơ quan nào phải thẩm định, xác minh việc kê khai tài sản của cán bộ, công chức. Các luật ban hành đầy đủ nhưng thực hiện khó khăn vì bất cập và không sát với thực tiễn.
Do vậy, để việc thực hiện công khai, minh bạch hoạt động quản lý nhà nước có sức lan tỏa rộng và hiệu quả, cần rà soát lại các biện pháp về công khai, minh bạch hoạt động quản lý nhà nước, nhằm loại bỏ tính hình thức và hoàn thiện cơ chế đảm bảo công khai, minh bạch, cho phép người dân tiếp cận một cách đơn giản, rõ ràng và công bằng. Một cơ chế công khai, minh bạch, hiệu quả sẽ tạo cơ sở làm rõ người/cơ quan chịu trách nhiệm trong việc cung cấp thông tin.
Cơ quan quản lý nhà nước cần xây dựng và ban hành bộ tiêu chí phân loại thông tin nhằm tránh việc lợi dụng sơ hở của pháp luật để hạn chế cung cấp thông tin. Bên cạnh đó, cần phòng ngừa “xung đột lợi ích” của cán bộ, công chức trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, công vụ được quy định tại nhiều văn bản pháp luật. “Xung đột lợi ích” có nghĩa là tình huống trong đó một công chức có thế hưởng lợi từ một quyết định đưa ra trong khi thi hành công vụ của mình. Mặc dù pháp luật phòng chống tham nhũng có quy định loại hành vi tham nhũng nhưng lại không có quy định cụ thể làm thế nào để tránh được tình huống mà công chức tự nhận thấy mình đang trong tình trạng xung đột về lợi ích. Do vậy, cần xây dựng hệ thống phòng ngừa để điều chỉnh những xung đột về lợi ích, từ đó sẽ giúp xử lý những thách thức đang nổi lên về lợi ích nhóm.