Công bố Dự thảo chương trình giáo dục phổ thông tổng thể: Môn Ngoại ngữ 1 có thể dạy từ lớp 1

Ngô Chuyên| 12/04/2017 20:25
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Chiều 12/4, Bộ GD-ĐT đã công bố chương trình giáo dục phổ thông tổng thể để lấy ý kiến đóng góp của dư luận xã hội, các nhà khoa học, cán bộ quản lý giáo dục, giáo viên, học sinh trước khi thực hiện chính thức.

Địa phương nào điều kiện có thể dạy ngoại ngữ từ lớp 1

Theo như dự thảo chương trình giáo dục phổ thông hình thành và phát triển cho học sinh những phẩm chất: nhân ái, khoan dung; chuyên cần, tiết kiệm; trách nhiệm, kỷ luật; trung thực, dũng cảm.

Bên cạnh đó giúp học sinh phát triển những năng lực cốt lõi: năng lực tự chủ, năng lực hợp tác, năng lực sáng tạo; năng lực giao tiếp, năng lực tính toán, năng lực tin học, năng lực thẩm mỹ, năng lực thể chất.

Đặc biệt, trong chương trình giáo dục tiểu học giúp học sinh hình thành và phát triển những yếu tố căn bản đặt nền móng cho sự phát triển hài hòa về thể chất và tinh thần, phẩm chất và năng lực. Định hướng chính vào giáo dục về giá trị gia đình, quê hương, cộng đồng và những thói quen, nề nếp cần thiết trong học tập và sinh hoạt.

Công bố Dự thảo chương trình giáo dục phổ thông tổng thể: Môn Ngoại ngữ 1 có thể dạy từ lớp 1

GS Nguyễn Minh Thuyết tại buổi họp báo

Trao đổi tại họp báo, GS Nguyễn Minh Thuyết, Tổng chủ biên chương trình giáo dục phổ thông cho biết: “Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể, nhưng môn học mới trong hệ thống môn học này không chỉ khác về tên gọi mà còn khác cả nội hàm. Sự khác biệt so với chương trình hiện hành là nội dung môn học sẽ gần gũi, thiết thực, tăng tính thực hành, ứng dụng”.

Ngoài ra, GS Thuyết cho biết thêm môn Ngoại ngữ 1 học sinh sẽ bắt đầu học từ năm lớp 3 nhưng địa phương nào có điều kiện, có thể dạy từ lớp 1 và không quá 70 tiết một năm để tránh quá tải cho học sinh. Môn Giáo dục thể chất sẽ được tổ chức thành các câu lạc bộ thể thao. Học sinh có thể tự chọn môn thể thao yêu thích nào để theo học, thay vì phải học tất cả các môn như trước đây.

Hệ thống 4 môn học

Theo như dự thảo, hệ thống các môn học của chương trình giáo dục phổ thông được chia thành các môn học như sau: Môn học bắt buộc, môn học bắt buộc có phân hóa, môn học tự chọn và môn học tự chọn bắt buộc.

Công bố Dự thảo chương trình giáo dục phổ thông tổng thể: Môn Ngoại ngữ 1 có thể dạy từ lớp 1

Trong chương trình giáo dục tiểu học giúp học sinh hình thành và phát triển những yếu tố căn bản đặt nền móng cho sự phát triển hài hòa về thể chất và tinh thần, phẩm chất và năng lực. Ảnh Hải Nam.

Môn học bắt buộc là môn học mà mọi học sinh đều phải học; Môn học bắt buộc có phân hóa: là môn học mà nội dung được thiết kế thành các chủ đề hoặc học phần (môđun), trong đó một số chủ đề hoặc học phần là bắt buộc đối với tất cả học sinh, một số chủ đề hoặc học phần được tự chọn tùy theo nguyện vọng của học sinh và điều kiện đáp ứng của cơ sở giáo dục.

Môn học tự chọn: là môn học không bắt buộc, học sinh tự nguyện lựa chọn, phù hợp với nguyện vọng, sở trường và định hướng nghề nghiệp của học sinh; Môn học tự chọn bắt buộc: là môn học mà học sinh bắt buộc phải lựa chọn trong số các môn học định hướng nghề nghiệp ở lớp 11, lớp 12 theo quy định của chương trình giáo dục phổ thông.

Cụ thể đối với các cấp học như sau:

Cấp tiểu học

Các môn học bắt buộc gồm: Tiếng Việt, Toán, Ngoại ngữ 1, Giáo dục lối sống, Cuộc sống quanh ta, Tìm hiểu xã hội, Tìm hiểu tự nhiên, Tìm hiểu công nghệ.

Các môn học bắt buộc có phân hóa: Thế giới công nghệ, Tìm hiểu tin học, Giáo dục thể chất, Nghệ thuật, Hoạt động trải nghiệm sáng tạo.
Môn học tự chọn: Tiếng dân tộc thiểu số.

Ngoài ra, ở cấp tiểu học còn có hoạt động Tự học có hướng dẫn (tự học trên lớp của học sinh tiểu học học 2 buổi/ngày, có sự hướng dẫn, giúp đỡ của giáo viên).

Trung học cơ sở

Các môn học bắt buộc: Ngữ văn, Toán, Ngoại ngữ 1, Giáo dục công dân, Khoa học tự nhiên, Lịch sử và Địa lý; Các môn học bắt buộc có phân hóa: Tin học, Công nghệ và Hướng nghiệp, Giáo dục thể chất, Nghệ thuật, Hoạt động trải nghiệm sáng tạo; Môn học tự chọn: Tiếng dân tộc thiểu số, Ngoại ngữ 2.

Trung học phổ thông

Lớp 10: Dự thảo chương trình mới xác định lớp 10 là lớp dự hướng nghề nghiệp. Các môn học bao gồm:

Các môn học bắt buộc: Ngữ văn, Toán, Ngoại ngữ 1, Giáo dục kinh tế và pháp luật, Lịch sử, Địa lý, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Thiết kế và Công nghệ, Giáo dục quốc phòng và an ninh; Các môn học bắt buộc có phân hóa: Tin học, Giáo dục thể chất, Hoạt động nghệ thuật, Hoạt động trải nghiệm sáng tạo; Các môn học tự chọn: Tiếng dân tộc thiểu số, Ngoại ngữ 2.

Lớp 11 và lớp 12: Các môn học bắt buộc: Ngữ văn, Toán, Ngoại ngữ 1, Giáo dục thể chất, Giáo dục quốc phòng và an ninh, Hoạt động trải nghiệm sáng tạo.

Các môn học tự chọn bắt buộc: Học sinh chọn 3 môn và 1 chuyên đề học tập trong số các môn Giáo dục kinh tế và pháp luật, Lịch sử, Địa lý, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Khoa học máy tính, Tin học ứng dụng, Thiết kế và Công nghệ, Mỹ thuật,  m nhạc, Chuyên đề học tập. Các môn học tự chọn: Tiếng dân tộc thiểu số, Ngoại ngữ 2.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Công bố Dự thảo chương trình giáo dục phổ thông tổng thể: Môn Ngoại ngữ 1 có thể dạy từ lớp 1