Con phạm tội, lỗi ở cha mẹ

Nam Anh| 19/03/2017 06:59
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Gia đình khó khăn, cha mẹ bận rộn mưu sinh thiếu quan tâm đến những đứa con đang đến tuổi trưởng thành. Chúng nghỉ học, ăn chơi, kết giao với những người bạn xấu, để rồi, chưa đầy 18 tuổi, đã vướng vào vòng lao lý.

Khi con đối mặt với án phạt tù và những năm tháng tuổi thanh xuân trong trại giam, họ mới giật mình ngã ngửa. Hóa ra, sinh một đứa trẻ không dễ, và nuôi nó trưởng thành càng khó gấp bội.

Con trẻ phạm tội...

Điều khiến cho những người tham dự phiên tòa sáng ngày 7/3 đau xót là những bị cáo đứng trước vành móng ngựa là thiếu niên mặt búng ra sữa. Những gương mặt non nớt ấy phút chốc trở thành tội phạm. Có những em khi biết bạn phạm tội, thay vì khuyên bạn đi đầu thú để nhận sự hoan hồng thì lại tiếp tục giúp bạn bỏ trốn, khiến bản thân cũng vướng vòng lao lý.

Sau 2 lần hoãn xử, TAND TP Hà Nội đưa các bị cáo Phùng Đình Ánh (SN 1998, trú tại huyện Chương Mỹ, Hà Nội) cùng đồng phạm là Hoàng Thị Yến (SN 1995, trú tại Hòa Bình), Phùng Thị Huyền Trang (SN 1998, trú tại Hòa Bình) và Bùi Thị Quyên (SN 2000, trú tại Ninh Bình) ra xét xử về tội Giết người. Nạn nhân của các bị cáo tuổi teen này là anh Nguyễn Việt Dũng (SN 1987, trú tại quận Hà Đông, Hà Nội).

Bản cáo trạng của VKSND TP Hà Nội truy tố, khoảng 1h sáng ngày 30/6/2015, anh Dũng đi cùng nhóm bạn đến uống rượu ở hồ Văn Quán (quận Hà Đông) thì gặp nhóm của Yến, Trang, Quyên, Đình Anh cũng đến ngồi uống nước. Thấy thế, anh Dũng cầm chén rượu sang bắt chuyện thì “vấp” phải lời nói khó nghe từ Quyên. Anh Dũng góp ý về việc nói tục của cô bé khiến hai bên to tiếng với nhau. Quyên rút con dao ra thách thức, dọa dẫm anh Dũng.

Con phạm tội, lỗi ở cha mẹ

Các bị cáo ăn năn, hối lỗi tại phiên tòa xét xử

Sau khi được can ngăn, hai bên tiếp tục uống rượu, nói chuyện. Quyên cầm rượu sang mời anh Dũng uống. Khi anh Dũng không đồng ý, Quyên lao vào đánh đấm, xô xát với anh Dũng. Thấy thế, nhóm của Trang, Yến cũng sang “hỗ trợ” bạn. Đình Ánh cầm dao đâm một nhát vào ngực anh Dũng, khiến anh tử vong trên đường cấp cứu. Sau khi gây án, nhóm này đã trốn vào nhà bạn là Lê Anh Tuấn và Ngô Hoàng Anh và được giúp bỏ trốn. Cả Tuấn và Hoàng Anh bị truy tố về tội Che giấu tội phạm.

Tòa hỏi: “Bị hại chỉ sang mời rượu, sao các bị cáo lại có hành vi chửi tục và thách thức đánh nhau?”. Quyên – bị cáo ít tuổi nhất khai, “do uống quá say, bị cáo tức nên không kiềm chế được”. Còn bị cáo Yến thì bảo: “Lúc đó, bị cáo nghĩ anh Dũng có ý đồ xấu nên mới thế”. Bị cáo Ánh cho rằng: “Lúc đầu, bị cáo sang can ngăn vụ xô xát nhưng sau đó, anh Dũng đẩy ngã bị cáo nên bị cáo mới tìm dao đâm...”.

Xét thấy các hành vi của bị cáo đặc biệt nghiêm trọng, song các bị cáo đều thành khẩn khai báo, khi phạm tội đều dưới 18 tuổi, riêng bị cáo Quyên dưới 16 tuổi, Tòa tuyên phạt bị cáo Ánh và Yến 17 năm tù; bị cáo Trang 11 năm tù, bị cáo Quyên 8 năm tù, riêng hai bị cáo Tuấn và Hoàng Anh phạm tội Che giấu tội phạm chịu hình phạt 12 tháng tù và 9 tháng tù.

Bố mẹ xô xát

Những phiên tòa trước, gia đình bị cáo và bị hại đã xô xát với nhau ngoài phòng xử khiến cảnh sát bảo vệ phiên tòa phải can thiệp. Gia đình bị cáo cho rằng, cơ sự xảy ra là do bị hại gây sự trước và con họ không có lỗi.

Lần này, họ cũng khăn gói đến tòa. Trong mắt họ, các con vẫn là những đứa trẻ ngoan ngoãn, biết lo toan cho gia đình. Các con họ biết hoàn cảnh gia đình khó khăn nên xin đi làm thuê kiếm tiền hỗ trợ bố mẹ. Nhưng khi tòa hỏi: "Các vị có biết các con của mình làm gì ở Hà Nội suốt mấy năm qua không?" Tất cả họ đều lắc đầu, cúi mặt.

Sinh ra và lớn lên ở Hòa Bình, mẹ bị ung thư giai đoạn cuối, Trang nghỉ học xuống Hà Nội làm thuê. Xa gia đình, Trang sớm kết giao với nhiều thành phần bất hảo trong xã hội. Đi cùng Trang có Yến, bố mất sớm, cũng xuống Hà Nội làm thuê. Trang và Yến gặp Quyên, cả ba kết thành bộ ba chơi thân với Đình Ánh, Tuấn, Hoàng Anh... Không bị cha mẹ quản thúc nên, nhóm này thường tụ tập đến đêm khuya.

Con bị bắt, phụ huynh mới tả hỏa nhưng ít người trong số đó có thể gặp con tại cơ quan điều tra. Chị Quách Thị Linh, mẹ bị cáo Quyên kể, do hoàn cảnh quá bi đát, bố bệnh nan y, nhà còn có em nhỏ, nên học hết lớp 9, Quyên đã phải nghỉ học đi ra thành phố làm thuê. Từ ngày đi làm, Quyên ít về nhà hẳn. Mỗi lần nhớ con, chị hỏi thì Quyên nói: “Để dành tiền gửi về cho gia đình”.

Chưa đầy 1 năm, chị đã nghe tin con mình bị bắt. Khó khăn quá, chị không có tiền thăm gặp con, ngay cả khi phiên tòa xét xử mở ra, vị luật sư bào chữa cho Quyên được tòa chỉ định cũng động lòng gửi tiền xe cho chị được ra gặp con gái. “Con bé chỉ nói được câu, mẹ ở nhà giữ gìn sức khỏe rồi bị dẫn đi” – chị nghẹn ngào.

Bị cáo Ánh là con thứ hai trong gia đình có hai anh em. Ông Quyền, bố Ánh kể, ông đi làm phụ hồ cả ngày, tối mới về nhà, còn vợ ông đi làm ăn xa, cả năm mới được về nhà một vài lần. Có lẽ vì thế, ông bà không thể biết con học hành thế nào. “Anh trai nó học giỏi, đỗ hai trường đại học. Tôi cứ nghĩ nó cũng noi theo anh mà chăm chỉ học hành, nào ngờ...”.

Hết lớp 9, Ánh nghỉ học, xin đi làm phụ sơn. Cũng từ đó, con chơi với ai, kiếm được bao nhiêu tiền... ông đều không hay biết. Mãi đến khi có tin báo con phạm tội giết người, ông mới hốt hoảng.

Ai sinh con ra cũng mong muốn con sẽ nên người, thành người có ích cho xã hội. Nhưng cũng không ai lường trước được điều gì khi con cái lỡ làm điều sai quấy. Mà bi kịch gia đình thì sẽ dẫn đến bi kịch cho xã hội. Điều này cho thấy, gia đình có một vai trò quan trọng đối với việc giáo dục, hình thành nhân cách cho con cái. Nếu mỗi gia đình đều xây dựng một nền tảng tốt cho con cái thì sẽ hạn chế được những bi kịch cho xã hội.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Con phạm tội, lỗi ở cha mẹ