Cô giáo nhận lương hưu 1,3 triệu đồng: BHXH Việt Nam lên tiếng

Lan Trần| 31/10/2017 22:02
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Đại diện BHXH Việt Nam khẳng định việc trả lương hưu cho bà Trương Thị Lan - một cô giáo mầm non ở Hà Tĩnh là đúng quy định hiện hành, dựa trên mức đóng - hưởng.

Thông tin về bà Trương Thị Lan - một cô giáo mầm non ở Hà Tĩnh công tác 37 năm nhưng khi về hưu chỉ nhận 1,3 triệu đồng khiến dư luận xôn xao những ngày qua. Đây cũng là vấn đề được báo giới quan tâm đặt câu hỏi với BHXH Việt Nam trong Hội nghị trực tuyến cung cấp thông tin định kỳ về BHXH, BHYT tháng 10/2017 diễn ra chiều 31/10 tại Hà Nội.

Cô giáo nhận lương hưu 1,3 triệu đồng: BHXH Việt Nam lên tiếng

Cô giáo mầm non Trương Thị Lan. Ảnh: Người đưa tin

Trả lời câu hỏi của báo giới, bà Đinh Thu Hiền, Phó Ban thực hiện chính sách BHXH (BHXH Việt Nam) cho biết, mặc dù có 37 năm công tác, làm giáo viên mầm non, nhưng trên thực tế bà Trương Thị Lan mới chỉ có 22 năm 8 tháng tham gia đóng BHXH. Thực tế thời gian đóng BHXH của cô giáo Lan chỉ tính từ 1/1/1995 vì trước năm 1995, giáo viên mầm non không thuộc biên chế nhà nước, cho nên thời gian làm việc của các cô trước năm 1995 không được tính là thời gian tham gia BHXH. Đến tận năm 1999, theo quy định của Nghị định 73, giáo viên mầm non mới thuộc đối tượng đóng BHXH bắt buộc.

Cũng do quan tâm đến giáo viên nên năm 2004, BHXH Việt Nam và Bộ GD-ĐT có văn bản xác định giáo viên có thời gian đóng BHXH trước thời điểm có Nghị định số 73 nếu chưa được tham gia đóng BHXH thì có thể truy đóng ngược lại đến tháng 1/1995 để sau này có đủ khoảng thời gian để hưởng chế độ hưu trí.

Do đó, đa số giáo viên mầm non có thời gian làm việc trước năm 1995 thì thời gian đóng BHXH của họ chỉ tính từ tháng 1/1995 trở đi. Nếu tính từ tháng 1/1995 cho đến nay, đa số giáo viên mầm non chỉ có khoảng 20 năm đóng BHXH. Như cô giáo Lan là 22 năm 8 tháng.

Liên quan đến thời gian và mức đóng BHXH của bà Lan, BHXH Hà Tĩnh cũng đã nêu rõ “bà Trương Thị Lan, quá trình công tác có đóng BHXH từ 01/1995 đến tháng 8/2017, với tổng thời gian tham gia BHXH là 22 năm 8 tháng. Mức đóng BHXH: Từ tháng 1/1995 đến 12/2012 là giáo viên hợp đồng, truy đóng và đóng BHXH bắt buộc theo Công văn số 3658/BHXH-BT của BHXH Việt Nam, mức đóng mức tiển lương tối thiểu chung từng thời kỳ. Từ 1/2013 đến tháng 6/2013 mức lương 3,06; từ 7/2013 đến 12/2013 mức lương 2,86; từ tháng 12/2015 mức lương 3,06; từ tháng 1/2016 đến 12/2016 mức lương 3,26; từ tháng 1/2017 đến tháng 8/2017 mức lương 3,46”.

Do bà Lan có cả thời gian đóng BHXH không theo tiền lương do Nhà nước quy định lẫn thời gian đóng theo chế độ tiền lương do Nhà nước quy định nên việc tính mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH để tính lương hưu thực hiện theo quy định tại Khoản 3, Điều 62 Luật BHXH, trong đó thời gian từ tháng 1/1995 đến tháng 12/2012 tính theo mức điều chỉnh tiền lương quy định tại Thông tư số 42/2016/TT-BLĐTBXH ngày 28/12/2016 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội có tổng số tiền đóng BHXH sau khi điều chỉnh là 249.818.200 đồng; Thời gian từ tháng 1/2013 đến tháng 8/2017 tính theo mức lương cơ sở 1.300.000 đồng/tháng có tổng số tiền đóng BHXH là 247.728.260 đồng.

Từ đó mức lương bình quân tiền lương tháng đóng BHXH cả quá trình 22 năm 8 tháng là 1.829.215 đồng. 

Đồng thời, mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH của bà Lan thấp là do 17 năm từ tháng 1/1995 đến tháng 12/2012, bà Lan luôn đóng BHXH trên nền tiền lương rất thấp. Thời gian tham gia BHXH theo chế độ tiền lương do Nhà nước quy định cao hơn một chút (dao động theo hệ số 3,06; 2,86; 3,26 và 3,46) chỉ trong 4 năm 8 tháng nên kết quả tổng tiền lương bình quân cả quá trình đóng BHXH thấp. 

Như vây mức lương hưu hàng tháng của bà Lan: 1.829.215 x 69% = 1.262.158 đồng được bù bằng mức lương cơ sở là: 1.300.000 đồng/ tháng.

“Về trường hợp của cô giáo Lan thì BHXH Hà Tĩnh đã tính toán đúng theo các quy định hiện hành” - bà Hiền nói.

Chia sẻ thêm về trường hợp của cô giáo Trương Thị Lan, ông Phạm Lương Sơn, Phó Tổng giám đốc BHXH Việt Nam cho rằng mặc dù về các quy định thì mức lương đó là đúng, nhưng lương hưu 1,3 triệu đồng cho 37 năm cống hiến thực sự là con số thấp. Ông Sơn nhìn nhận trường hợp cô Lan chỉ là một ví dụ điển hình nhưng đã đặt ra những vấn đề phải suy nghĩ. BHXH Việt Nam với trách nhiệm cũng như quy định về quyền hạn sẽ tham gia tích cực cùng các Bộ, ngành liên quan để làm sao có sự điều chỉnh thích hợp.

Phân tích về trường hợp của cô giáo Trương Thị Lan, tại phiên họp Quốc hội sáng ngày 31/10, Phó Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội Bùi Sỹ Lợi nhìn nhận toàn bộ hệ thống lương bình quân trong quá trình công tác của cô giáo Trương Thị Lan là 1,8 triệu đồng/ tháng, đây là căn cứ để tính lương hưu. Nếu đúng quy định, lấy 69% làm căn cứ để tính lương hưu trên 1,8 triệu thì cô giáo này được hưởng lương hưu là 1.262.158 đồng. Căn cứ theo Nghị quyết năm 2015 của Quốc hội quy định tất cả người lao động tham gia BHXH bắt buộc, khi về hưu, nếu lương hưu thấp hơn mức lương cơ sở thì phải bù cho bằng lương cơ sở. Thế nên nhà nước đã bù thêm cho cô Lan hơn 37.000 đồng nữa mới đủ 1,3 triệu đồng.

"Rõ ràng 1,3 triệu đồng/tháng thì đời sống hết sức khó khăn, nhưng về chính sách thì đã tính đúng" - Phó chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội nhận xét. Do đó, Đại biểu Bùi Sỹ Lợi cho rằng phải nghiên cứu cơ chế, giải thích để những người tham gia BHXH từ hôm nay thấy rằng, muốn lương hưu cao thì phải đóng BHXH ở mức cao. Thứ hai là thời gian đóng phải dài, để làm sao đủ 75% lương bình quân khi nghỉ hưu. Thứ ba là mở rộng đối tượng tham gia BHXH để ai hết tuổi lao động cũng có lương hưu.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cô giáo nhận lương hưu 1,3 triệu đồng: BHXH Việt Nam lên tiếng