Sáng nay 27/10, Quốc hội thảo luận trực tuyến về việc ban hành nghị quyết một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển 4 tỉnh, thành phố: Hải Phòng, Nghệ An, Thanh Hóa, Thừa Thiên Huế.
Cơ hội để phát triển
Qua thảo luận, các đại biểu cơ bản ủng hộ với việc ban hành nghị quyết đặc thù. Đây là các nhóm chính sách bảo đảm được tính đặc thù và được xây dựng dựa trên những phân tích, nghiên cứu và đề xuất rất kỹ của các địa phương, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội cho các địa phương này.
Phát biểu thảo luận, đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa – Đồng Tháp ủng hộ với việc ban hành nghị quyết đặc thù. Vì đây sẽ là cơ hội để cho các địa phương trên đột phá và phát huy được tiềm năng, lợi thế riêng và tạo sức lan tỏa và sức kéo trong khu vực. Những địa phương được lựa chọn thí điểm lần này, các tiêu chí đặc thù đã rất rõ.
Đại biểu cho rằng Nghệ An, Thanh Hóa là hai tỉnh có diện tích và dân số lớn. Do đó, khi tạo ra động lực cho hai tỉnh này phát triển thì sẽ tác động đến một lực lượng về dân số cũng như các điều kiện phát triển cho vùng Bắc Trung Bộ...
Đại biểu Vũ Xuân Hùng- Thanh Hóa cũng tán thành và cho rằng, việc thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù, nhất quán sẽ tạo cơ chế, chính sách cho các địa phương này có thêm tiềm năng, lợi thế, có thêm nguồn lực, tạo đòn bẩy để phát triển kinh tế – xã hội của các địa phương, tạo sự lan tỏa đến các địa phương khác trong vùng.
Theo đại biểu Vũ Xuân Hùng, cả 4 tỉnh, thành phố này đều có nghị quyết riêng của Bộ Chính trị – đây là điều kiện cần và cùng với nghị quyết của Quốc hội về cơ chế, chính sách đặc thù sẽ là điều kiện đủ để phát triển kinh tế – xã hội cho các địa phương này.
Những địa phương này có các lợi thế rõ ràng, như: TP Hải Phòng là địa phương có tốc độ tăng trưởng rất cao những năm qua, cả về thu ngân sách, khu vực đầu tư; thành phố đang phấn đấu trở thành thành phố công nghiệp mới, là động lực tăng trưởng của cả nước, là thành phố kiểu mẫu của cả nước;
Tỉnh Thừa Thiên Huế thì đang xây dựng theo hướng thành phố di sản. Thanh Hóa, Nghệ An đều có lợi thế diện tích lớn, dân số đông, có nhiều tiềm năng, lợi thế...
Do đó, các tỉnh, thành phố này nên được phân bổ những cơ chế, chính sách đặc thù về quy hoạch, thay đổi bộ máy, nhất là nguồn lực, tạo động lực, điều kiện phát triển - đại biểu Vũ Xuân Hùng nêu quan điểm.
Đại biểu Nguyễn Minh Sơn- Tiền Giang kiến nghị Chính phủ nhanh chóng ban hành các Nghị định chi tiết Nghị quyết của Quốc hội đảm bảo hiệu lực thi hành, làm tốt công tác kiểm tra giám sát ở các địa phương; hướng dẫn cơ chế đặc thù điều chỉnh quy hoạch của các tỉnh đảm bảo tính thống nhất liên tục kế thừa; nghiên cứu đột phá sáng tạo trong chính sách đầu tư tổ chức bộ máy, thủ tục hành chính…
Sẽ tạo cơ chế "xin-cho'?
Bên cạnh các ý kiến đồng tình nêu trên, có nhiều ý kiến băn khoăn rằng việc thí điểm những cơ chế, chính sách đặc thù để phát triển 4 tỉnh, thành phố sẽ tạo ra cơ chế “xin-cho”.
Đại biểu Tạ Văn Hạ, đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bạc Liêu nhấn mạnh địa phương phải có bản lĩnh mới dám xin thí điểm cơ chế đặc thù. Do vậy cần có tiêu chí để mang tính đại diện thí điểm chính sách, bởi nếu các tỉnh khác cũng xin cơ chế đặc thù thì tỉnh nào cho và không cho.
Đại biểu Phạm Trong Nhân - Bình Dương cho rằng, nếu dự thảo Nghị quyết này được thông qua sẽ có 7 tỉnh thành được áp dụng cơ chế đặc thù. Vậy các địa phương được xem xét cơ chế đặc thù này đã đi liền với quy hoạch hay chưa? quy hoạch có trước hay cơ chế có trước, cái nào phụ thuộc cái nào? Cơ chế chính sách đặc thù này sẽ nằm ở đâu trong quy hoạch này?
Theo đại biểu, khi ban hành chính sách cần tính đến sự liên kết quy hoạch giữa các tỉnh thành trong cả nước. Khi xác định vai trò của tỉnh thành này là trung tâm của vùng kinh tế và kết nối với các địa phương, tránh sự chồng lấn giữa các địa phương trong liên kết vùng.
Đồng quan điểm, đại biểu Bùi Xuân Thống - Đồng Nai tỏ ra lo ngại khi tạo cơ chế đặc thù liệu có giảm nguồn thu ngân sách Trung ương hay không, và nếu có thì bù đắp từ nguồn nào. Từ nội dung này, đại biểu đặt ra rất nhiều câu hỏi như, việc nâng mức dư nợ cho vay có làm tăng trần nợ công hay không? Các địa phương chưa thực hiện hết dư nợ vay mà được tăng lên thì có hợp lý hay không? Khi xem xét ban hành cơ chế đặc thù này có khả thi và thống nhất giữa các địa phương hay không?
Tranh luận về nội dung này, đại biểu Lê Thanh Vân- Cà Mau cho rằng mỗi tỉnh có một lợi thế, tiềm năng khác nhau.
Tuy nhiên, chỉ trừ Luật Thủ đô với những cơ chế riêng cho Hà Nội thì 62 tỉnh, thành phố còn lại đều chung một nền tảng pháp lý. Việc tạo hành lang riêng cho mỗi địa phương là để kích hoạt được lợi thế, tiềm năng của từng tỉnh, thành đó.
Mặt khác, hiện tại vì nền tảng pháp lý chưa có nên cần phải thí điểm mô hình để từ đó phân loại các địa phương và cá biệt hóa chính sách cho từng nhóm. Còn về cơ sở của việc thí điểm, đại biểu cho rằng đã có cơ sở chính trị. Đó là nghị quyết của Bộ Chính trị dành cho từng địa phương, Hiến pháp, Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật cho phép Quốc hội ban hành nghị quyết để thực thi các chính sách thí điểm.
Ngoài ra, theo đại biểu Lê Thanh Vân, thực tế cho thấy nhiều địa phương chưa được tháo gỡ về mặt cơ chế. Do đó, Chính phủ và Quốc hội dự kiến thí điểm ở 3 mức độ là trao quyền cho các địa phương, trao quyền về phí, lệ phí và điều chỉnh tỷ lệ phân chia, đại biểu nhấn mạnh.