Cứ đến dịp 30/4 và 27/7 hàng năm, ông Phan Ngọc Mậu (SN 1952), Giám đốc Công ty dâu tằm tơ Tân Lộc cùng anh chị em công nhân lại tổ chức tưởng niệm và thắp những nén hương thơm tri ân các đồng đội tại đài tưởng niệm trong khuôn viên DN.
Cận kề ngày thống nhất đất nước năm nay, vị giám đốc có tiếng về chống tiêu cực ôn lại những kỷ niệm trong thời chiến và những tâm tư, trăn trở giữa thời bình…
Xông xáo thời chiến
Ông Phan Ngọc Mậu là con trai trong một gia đình giàu truyền thống cách mạng, bố mẹ, cô chú đều tham gia kháng chiến chống Pháp. Năm mới 14 tuổi, ông gia nhập Đội thiếu niên cảm tử của Huyện ủy huyện Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định, bắt đầu cuộc đời hoạt động cách mạng. Từ 1962-1967, ông Mậu được giao nhiệm vụ làm giao liên, cùng đồng đội trải qua một số trận đánh, trong đó, đơn vị ông Mậu tham gia trận đồi 28 của Mỹ. Sau đó, ông Mậu chuyển vào Sài Gòn tham gia Tổng hội sinh viên học sinh Sài Gòn - Gia Định. Thời điểm này, ông là sinh viên Đại học Y khoa Sài Gòn, đây cũng là thời gian phong trào học sinh - sinh viên lên cao trào. Ông Mậu hăng say tham gia đấu tranh trên đường phố Sài Gòn, những phong trào được sự ủng hộ của nhiều thành phần, nhiều giới trong xã hội, từ tăng ni, Phật tử, công đoàn, đội ngũ dân biểu đối lập… Trong những năm 1969-1970, ông Mậu là thành viên của Đội Biệt động Sài Gòn, hoạt động bí mật dưới sự chỉ huy của ông Phạm Chánh Trực. Ông được giao nhiệm vụ thu thập tình hình, cung cấp thông tin cho Biệt động Sài Gòn lên các kế hoạch diệt ác, phá kìm.
Ông Mậu trên khu đất phát hiện192 bộ hài cốt liệt sỹ
Năm 1971, ông Mậu tham gia chống bầu cử độc diễn của Tổng thống Việt Nam Cộng hòa Nguyễn Văn Thiệu. Trong đêm rạng sáng ngày bầu cử, Tổng hội sinh viên phân công cho sinh viên đi từng đường phố có phiếu bầu, dùng viết lông viết lên các áp phích dòng chữ “Liên doanh dân chủ” thành “Liên doanh dân chửi”. Sáng hôm sau, báo chí nước ngoài loan tin đến cả thế giới, gây rung chuyển dư luận. Người dân nhận thức được sự giả dối nên không đi bầu khiến ông Thiệu nổi giận, ra lệnh cho Tổng nha Cảnh sát lùng bắt những sinh viên tham gia chiến dịch chống bầu cử, danh sách truy nã lên đến hàng trăm người. Do bị cảnh sát truy bắt những người tham gia nên ông phải chuyển lên Đà Lạt, tham gia hoạt động nội thành dưới sự lãnh đạo của Thành ủy Đà Lạt. Đến năm 1974, ông có dấu hiệu bị lộ nên chuyển về tham gia bí mật nội thành Thị ủy La Gi (trước thuộc tỉnh Bình Tuy, nay là tỉnh Bình Thuận), tham gia giải phóng Bình Tuy. Sau đó, ông Mậu tham gia chính quyền lâm thời, làm Bí thư Huyện đoàn Hàm Tân, Thường vụ Tỉnh đoàn tỉnh Thuận Hải.
Sau đó, ông được cử đi Liên Xô học, cuối năm 1985, ông về làm Phó Chủ tịch Thường trực huyện Hàm Tân. Đến năm 1990, ông được bổ nhiệm làm Giám đốc Công ty Dâu tằm tơ Tân Lộc và chuyển về huyện Xuân Lộc (cũ), sau này tách ra thành thị xã Long Khánh.
Vì công lý giữa thời bình
Trong thời gian làm giám đốc, một kỷ niệm khiến ông Mậu luôn bị ám ảnh là việc phát hiện những hài cốt đồng đội suýt bị bỏ sót. Đã hơn 20 năm trôi qua nhưng ông vẫn nhớ như in, đó là ngày Chủ nhật (29/5/1992), trong lúc các công nhân đang đào móng để xây nhà kho trong khuôn viên công ty, họ phát hiện nhiều túi nylon đựng xương người. Nghe cấp báo, ông Mậu liền xuống hiện trường, quan sát những chiếc túi, ông nhận ra hài cốt đồng đội, liền báo cho UBND huyện Long Khánh. Ngay sau đó, ông cho tạm dừng thi công và tổ chức tìm kiếm hài cốt liệt sỹ. Từ ngày phát hiện đến khi chấm dứt việc tìm kiếm vào cuối năm 1992, tổng cộng có 192 bộ hài cốt liệt sỹ được tìm thấy và quy tập về Nghĩa trang liệt sỹ Long Khánh.
Quá trình tìm kiếm mộ liệt sỹ, ông Mậu mới biết, khu đất công ty đặt trụ sở từng được dùng làm nghĩa địa liệt sỹ tạm sau khi chiến dịch Hồ Chí Minh kết thúc. Năm 1978 - 1979, tỉnh Đồng Nai giao ngành thương binh và địa phương tổ chức cải táng, đưa hài cốt liệt sỹ về an nghỉ tại Nghĩa trang liệt sỹ Long Khánh. Ông Mậu nghẹn ngào nhớ lại: “Bảy Hùm được giao làm Đội trưởng, thực hiện việc cải táng. Tuy nhiên, y đã gây tội ác khi dùng thủ đoạn gian dối, chỉ di chuyển tấm bia, còn hài cốt vẫn để nguyên chỗ cũ. Những liệt sỹ này khi chuyển đến nghĩa trang trở thành “vô danh”. Vụ án nhanh chóng được đưa ra ánh sáng, Bảy Hùm phải trả giá bằng mức án cao nhất, nhiều đối tượng đồng phạm cũng nhận mức án nghiêm khắc”.
Công ty Tân Lộc dựng đài tưởng niệm liệt sỹ trong khuôn viên
Người cựu chiến binh tiếp tục chặng đường đi tìm công lý cho tập thể công nhân viên Công ty Tân Lộc. Vào năm 2008, công ty bất ngờ nhận được hai Quyết định hành chính số 699 và 2852 của UBND tỉnh Đồng Nai thu hồi hơn 29.000m2 đất. Do hai Quyết định không bồi thường, không giải quyết việc di dời công ty đi nơi khác nên ông Mậu cùng Ban Giám đốc đã khiếu nại, sau đó khởi kiện hành chính. Sự thật đã được làm rõ qua bản án số 08/2013/HCST, ngày 8/8/2013 của TAND tỉnh Đồng Nai, hai Quyết định thu hồi đất vì trái quy định pháp luật đã được Tòa tuyên hủy. Ngày 25/10/2013, đại diện UBND tỉnh đã rút kháng cáo nên Tòa phúc thẩm TANDTC tại TP Hồ Chí Minh tuyên đình chỉ xét xử phúc thẩm, Bản án số 08/2013/HCST của TAND tỉnh Đồng Nai có hiệu lực pháp luật.
Những gian nan trong việc tìm công bằng chưa dừng lại, tháng 11/2013, Công ty Tân Lộc gửi hồ sơ đề nghị UBND tỉnh Đồng Nai cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ) 29.740m2 theo bản án đã tuyên. UBND tỉnh Đồng Nai có văn bản chỉ đạo, giao các ngành chức năng tham mưu UBND tỉnh xử lý trước ngày 20/12/2013. Vụ việc vẫn bị “ngâm” nên UBND tỉnh Đồng Nai tiếp tục có văn bản yêu cầu Sở Tài nguyên - Môi trường khẩn trương kiểm tra lại việc thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, báo cáo kết quả trước ngày 27/1/2014. Vụ việc lại rơi vào im lặng, Công ty Tân Lộc có đơn lần thứ ba (ngày 21/2/2014) gửi UBND tỉnh, Tỉnh ủy Đồng Nai cùng các cơ quan Trung ương yêu cầu giải quyết.
Nhiều cơ quan Trung ương đã có văn bản chuyển đơn của Công ty Tân Lộc cho UBND tỉnh Đồng Nai xem xét, giải quyết. Trong đó có văn bản của Chánh Thanh tra Bộ Tài nguyên - Môi trường đề nghị UBND tỉnh Đồng Nai giải quyết theo quy định của pháp luật.