Từ nhỏ, anh đã mơ ước lớn lên sẽ làm thầy giáo, hàng ngày đứng trên bục giảng để truyền dạy kiến thức cho đám học trò, ấy nhưng chả biết duyên phận thế nào lại chuyển sang công tác Tòa án.
Để từ đó đến giờ, suốt hơn 10 năm có lẻ, anh gắn đời mình với mảnh đất Lý Sơn đầy nắng và gió. Anh là Vũ Ngọc Thông (SN 1969), Thẩm phán TAND huyện Lý Sơn, Quảng Ngãi.
Vượt biển tìm con chữ
Chiều muộn, trong quán cà phê phía sau trụ sở Tòa án huyện, anh Thông đã trải lòng với tôi về chuyện đời, chuyện nghề, về những thăng trầm, buồn vui mà mình đã trải qua. Ở anh Thông, điều làm tôi ấn tượng nhiều nhất là đôi mắt. Trũng sâu và phủ đầy lo toan. Có lẽ, công việc của một cán bộ Tòa án, suốt ngày đối mặt với những mảnh đời lầm lỡ, những con người trót sa chân vào vũng tối, nên khiến anh trăn trở, cả nghĩ cả lo toan? Chẳng thế, gương mặt anh hình như luôn trĩu nặng ưu tư.
Sinh ra và lớn lên ở Lý Sơn, từ nhỏ anh Thông đã được nghe người già kể lại nhiều câu chuyện về hòn đảo nằm phía Đông của tỉnh Quảng Ngãi này. Theo truyền thuyết của dân tộc Kor, đảo Lý Sơn là một phần của vùng núi Trà Bồng trôi dạt về phía Biển Đông sau trận giao tranh dữ dội của Thần Nước và người anh hùng Doang Đác Tố, chủ làng Tali Talok.
Sử liệu cũng chứng minh rằng, đến tận cuối thế kỷ 16, Lý Sơn vẫn còn hoang vu. Mãi đầu thế kỷ 17, đời vua Lê Kính Tông mới có người từ đất liền đến khai phá. Cho đến nay, dân số trên đảo đã lên tới trên 22.000 người. Nghề chính là nông nghiệp và đánh bắt hải sản. Trong đó đặc biệt phải kể đến giống hành tía và tỏi Lý Sơn được trồng trên cát trắng đã tạo được thương hiệu trên cả nước. Tuy vậy, cuộc sống của người dân trên đảo vẫn thiếu thốn trăm bề.
Nói như thế để thấy được cái hành trình tìm đến con chữ của một "cư dân xứ đảo chính hiệu" như anh Thông nó gian nan và khổ ải đến nhường nào. "Bà con ở đây đời nối đời bám biển mưu sinh, áo cơm ghì sát đất nên chuyện học hành của con trẻ thường hay giang dở. Tôi là lớp học sinh đầu tiên của trường THPT Lý Sơn hồi đó. Lớp có hơn 20 người thì sau khi tốt nghiệp chỉ có vài ba người theo học tiếp lên đại học và cao đẳng...", anh Thông tâm sự.
Sau khi tốt nghiệp cấp 3, anh Thông vào theo học luật tại TP Hồ Chí Minh. Cái chuyện anh một mình vác ba lô vượt biển đi học đại học gây xôn xao khắp đảo suốt một thời gian dài. Học xong đại học, năm 1995, anh Thông về công tác tại Tòa án tỉnh Quảng Ngãi. Cũng trong khoảng thời gian này anh lập gia đình và chuyển về sinh sống ở Tư Nghĩa, một huyện nằm giáp ranh với TP Quảng Ngãi. 9 năm sau, khi vừa được bổ nhiệm Thẩm phán, anh xin về công tác tại TAND huyện Lý Sơn.
Ngày đó, cơ sở vật chất của Tòa án huyện vẫn còn nghèo nàn, thiếu thốn. Trụ sở chỉ là căn nhà cấp 4 mượn tạm của Hợp tác xã An Hải, xập xệ, bé nhỏ, mong manh. Trong cái không gian chừng vài mươi mét vuông ấy, anh Thông cùng với đồng nghiệp của mình phải sắp đặt sao cho vừa có Hội trường xét xử, vừa có phòng làm việc. Trụ sở đã vậy, nhà ở cũng không, tất thảy mấy anh chị em trong cơ quan đều phải đi tá túc nhà dân, anh Thông cũng vậy. Hơn 10 năm công tác tại đây, cũng ngần ấy năm anh phải nương nhờ nhà anh em, cô dì, chú bác.
"Ngày đó khổ lắm, cứ trước mỗi mùa mưa bão, anh em trong cơ quan lại hè nhau trèo lên chằng buộc lại mái để đề phòng gió giật. Tính toán chu toàn là vậy mà trận mưa nào cơ quan cũng ướt từ trong ra ngoài, nước rỏ tong tỏng khắp nơi. Phải mãi tới tháng 8/2012, tức là sau gần 20 năm thành lập, Tòa án huyện mới được cấp trên đầu tư, cấp kinh phí xây dựng trụ sở mới ở xã An Vĩnh, gần trung tâm huyện, anh Thông kể.
Gắn đời mình với đảo
Kể từ khi về công tác tại TAND huyện Lý Sơn, niềm ước mơ được phụng sự quê hương từ thuở nhỏ của anh Thông coi như toại nguyện. Nhưng ngặt nỗi, cũng từ đó anh Thông nhiều lần phải chứng kiến những người bà con hàng xóm mến thương của mình sa vào lao lý chỉ vì sự thiếu hiểu biết về pháp luật. “Làm sao để “xóa mù pháp luật”, nâng cao nhận thức cho người dân, để bớt đi những sai lầm không đáng có?”, câu hỏi đó luôn dội vào anh đay đả.
Anh Thông nhớ lại, vụ án đầu tiên mà anh thụ lý là vụ vi phạm chế độ một vợ một chồng. Đó là trường hợp của anh Võ Thế L, trú ở xã An Hải, huyện Lý Sơn. L đã có vợ với 4 người con, còn người phụ nữ dan díu với anh ta là Phạm Thị H, góa bụa, cũng người cùng xã. T Bỏ ngoài tai những điều ong tiếng ve, những khuyên răn của các bậc sinh thành, L với H vẫn ngang nhiên "già nhân ngãi, non vợ chồng", ngay tại Lý Sơn, phơi giữa bàn dân thiên hạ, chả thèm giấu giếm, che đậy gì. Đến tận khi vợ L đâm đơn ra tòa, L bị tòa triệu tập rồi đưa ra xét xử thì mọi chuyện mới được vãn hồi. Cũng kể từ đó, qua những phiên tòa, đặc biệt là những phiên tòa lưu động, ý thức cũng như những kiến thức cơ bản về pháp luật mới dần hình thành trong đầu của người dân xứ đảo.
Anh Thông bảo: “Lý Sơn là huyện đảo, xa xôi cách trở, giao thông đi lại khó khăn, dân cư chủ yếu làm nghề biển, quanh năm đánh bạn với sóng nước nên trình độ nhận thức về pháp luật của họ còn rất nhiều hạn chế. Nhiều khi mâu thuẫn phát sinh từ những lý do hết sức đơn thuần. Nếu mình tìm cho được nguyên nhân chủ yếu phát sinh mâu thuẫn ấy để kịp thời vận động, thuyết phục thì khả năng hòa giải thành sẽ rất cao”.
Thẩm phán Vũ Ngọc Thông (bên phải) và tác giả
Cũng vì cái phương châm làm việc “gần dân, hiểu dân” ấy nên mỗi khi tiếp nhận hồ sơ vụ việc, anh Thông luôn chủ động đi sâu, đi sát xuống địa bàn để nắm được tâm tư, nguyện vọng của các đối tượng liên quan tìm hiểu rõ nguyên nhân để kịp thời đưa ra hướng xử lý. “Ở Lý Sơn, các vụ án dân sự, hôn nhân và gia đình thường phức tạp, nó đòi hỏi không chỉ giải quyết công bằng hay thấu đáo mà phải hợp lý, hợp tình. Nhất là do ảnh hưởng sâu đậm bản sắc văn hóa cộng đồng làng xã nên người ta rất xem trọng chữ Tình. Vậy nên, trong các vụ án này, nhiều khi cái “tình” cũng phải giải quyết cho ổn thỏa, nếu không những dư âm hay ảnh hưởng về sau này sẽ rất lớn. Đôi khi, tôi thấy mình giống như một hòa giải viên”, anh Thông kể.
Cứ thế, năm này qua năm khác, thấm thoắt anh Thông đã sinh sống và công tác ở Lý Sơn được hơn 10 năm có lẻ. Trong ngần ấy năm, cũng không phải không có cơ hội cho anh quay lại đất liền. Nhưng cơ hội đến, rồi đi như gió thoảng, anh cũng không mấy bận lòng và nuối tiếc. Anh bảo: "Lý Sơn, là quê hương, là nơi nơi tôi sinh ra, chập chững những bước chân đầu tiên. Tôi muốn dùng chút sức lực của mình để cống hiến cho mảnh đất này...".
Anh Thông bảo, trong ngần ấy năm công tác, điều làm anh day dứt nhất là có quá ít thời gian dành cho gia đình, vợ con. Vợ anh, một giáo viên tiểu học đã phải hy sinh rất nhiều để chồng toàn tâm toàn ý ra đảo công tác. Suốt từ khi lấy nhau, vì nhiệm vụ anh đi biền biệt, vài tuần, vài tháng mới trở về. Mọi công việc gia đình, chăm sóc nuôi dạy con cái, chị đều chu toàn mọi nhẽ. Kể cả mấy lần bụng mang dạ chửa rồi “vượt cạn”, chị cũng vò võ một mình. Nhiều khi gia đình gặp khó khăn, con cái, bố mẹ ốm đau, một tay chị chăm lo vun vén. Dù vất vả như thế, nhưng chị vẫn âm thầm chịu đựng.
"Để có được như ngày hôm nay, tôi “nợ” vợ rất nhiều", nỗi day dứt ấy cứ đay đả hắt mãi vào anh Thông như sóng biển. Và đó có lẽ cũng là một nốt trầm hiếm hoi trong cuộc đời anh, cuộc đời của một người Thẩm phán đã dành nhiều công sức cho sự phát triển chung của TAND huyện Lý Sơn.