Chuyện về cậu bé có trái tim tiếp tục đập 21 năm sau khi qua đời

Theo Vietnamplus.vn| 10/05/2017 14:51
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Theo BBC, vào đêm 29/9/1994, cậu bé Nicholas Green, 7 tuổi, đã bị bắn chết trong một kỳ nghỉ gia đình ở miền Nam đất nước ​Italy.

(Nguồn: BBC)

(Nguồn: BBC)

“Lần đầu tiên tôi cảm nhận được nguy hiểm là khi một chiếc xe tối màu đi lên ngay sát phía sau chúng tôi và giữ khoảng cách đó một lúc,” Reg Green, bố của Nicholas, hiện 88 tuổi, kể lại những gì xảy ra trong cái đêm con trai ông bị những kẻ lạ mặt bắn vô cớ ở miền Nam Italy. “Không lâu sau, chiếc xe bắt đầu vượt lên. Tôi cảm thấy thoải mái hơn vì nghĩ rằng rốt cục cũng không có chuyện gì cả.”

Nhưng thay vì vượt lên trên, chiếc xe lại đi song song với xe ông. Reg và Maggie, mẹ của Nicholas, nghe thấy những tiếng la hét lớn, đầy giận dữ. Họ nghĩ rằng những người đàn ông trong xe muốn họ dừng lại.

“Tôi đã nghĩ nếu dừng lại, chúng tôi sẽ hoàn toàn bị họ kiểm soát. Vậy nên tôi đã tăng tốc. Họ cũng làm vậy, 2 chiếc xe chạy đua với nhau trong đêm. Một viên đạn làm vỡ cửa kính sau. Maggie quay lại và thấy cả hai đứa trẻ có vẻ đều đang ngủ say.”

Thực ra, Nicholas đã bị bắn vào đầu, còn em gái Eleanor của cậu bé vẫn đang ngủ yên. Vài giây sau, cửa kính ở ghế lái cũng bị đập vỡ và chiếc xe nọ biến mất.

“Tôi dừng xe và bước ra. Đèn trong xe sáng lên nhưng Nicholas không động đậy. Tôi nhìn kỹ hơn và thấy lưỡi thằng bé hơi đưa ra và có vết nôn trên cằm nó,” ông kể lại.

“Đó là lần đầu tiên chúng tôi nhận ra điều gì đó tồi tệ đã xảy ra. Cú sốc khi nhìn thấy thằng bé như vậy là khoảnh khắc u ám nhất trong đời tôi.”

Kỳ nghỉ của một gia đình Mỹ biến thành cơn ác mộng. Nicholas đã qua đời trong bệnh viện vài ngày sau đó sau khi hôn mê. Nhưng trước đó, cha mẹ cậu bé đã đưa ra một quyết định làm thay đổi cuộc đời của 7 gia đình trên khắp nước Italy - họ đã quyết định hiến tặng nội tạng của Nicholas.

Những người được Nicholas hiến tạng. (Nguồn: BBC)

Những người được Nicholas hiến tạng. (Nguồn: BBC)

Cái chết của Nicholas là một bi kịch đối với cha mẹ cậu bé, nhưng việc họ quyết định hiến tặng nội tạng của con trai đã khiến tỷ lệ hiến tạng ở ​Italy tăng gấp 3 lần trong 10 năm - một kết quả được gọi bằng cái tên “Hiệu ứng Nicholas."

Cuốn sách của ông Reg Green kể về câu chuyện này, mang tên “Hiệu ứng Nicholas,” là nền tảng cho bộ phim “Món quà của Nicholas” (“Nicholas’ Gift”) sản xuất năm 1998 với sự tham gia của Jamie Lee Curtis và Alan Bates.

“Ở thời điểm đó, những người nhận tạng chỉ là điều gì đó rất trừu tượng. Bạn không thể biết được họ là loại người gì. Điều đó giống như đem tiền đi làm từ thiện nhưng bạn không hiểu số tiền đó sẽ giúp ích bằng cách nào. Bốn tháng sau, chúng tôi được mời quay trở lại và gặp tất cả họ ở Sicili, nơi có 4 người nhận tạng đang sống,” ông Green cho biết.

Ông cũng cho biết tội phạm ở ​Italy hiếm khi giết hại trẻ em, vì điều đó khiến cảnh sát rất quyết tâm bắt giữ kẻ phạm tội. Đó là những gì đã xảy ra trong trường hợp của Nicholas. Một cuộc điều tra triệt để của cảnh sát đã dẫn tới việc bắt giữ và kết tội 2 người đàn ông, Francesco Mesiano và Michele Iannello.

Hiện vẫn chưa rõ những người này là kẻ cướp hay những kẻ ám sát đã tấn công nhầm xe, nhưng việc một trong số 2 tên đã thuê một trong số những luật sư hàng đầu Italy đã khiến ông Green nghi ngờ rằng chúng có liên hệ với mafia.

“Việc giết hại một cậu bé 7 tuổi người Mỹ ở một quốc gia nơi những cái chết đầy bạo lực là điều bình thường đã khiến​ Italy lao vào một cuộc tìm kiếm chính tâm hồn họ,” tờ Times viết. Ông Green cho rằng việc một đứa trẻ vô tội bị bắn khi đang đi nghỉ ở ​Italy khiến nhiều người ​Italy cảm thấy xấu hổ và khiến họ tiếp nhận ý tưởng hiến tạng như một cách bù đắp.

“Công việc chúng tôi đã làm để gợi nhớ cho họ rằng rất nhiều điều tốt đẹp có thể được thực hiện sau bi kịch này đã có một tác động kinh ngạc mà chúng tôi không thể đoán trước được. Một quốc gia gần như ít hiến tạng nhất châu Âu đã có thể ngay lập tức vươn gần tới vị trí dẫn đầu. Chưa có quốc gia nào khác từng tăng gấp 3 số người hiến tạng.”

Nicolas cùng bố và em. (Nguồn: BBC)

Nicolas cùng bố và em. (Nguồn: BBC)

Năm 1993, 1 năm trước khi Nicholas bị bắn, đã có 6,2 trên 1 triệu người hiến tạng, trong khi đến năm 2006, con số này đã đạt tới 20 trên 1 triệu. Trong thời kỳ đó, vào năm 1999, Italy đã chuyển sang hệ thống đăng ký ngược, tức là khi chết đi, mọi người đều được coi là sẵn sàng hiến tạng trừ phi trước đó họ đã đăng ký rút tên ra khỏi hệ thống.

Pháp, Hy Lạp, Bồ Đào Nha và Tây Ban Nha cũng sử dụng hệ thống rút tên này, còn Mỹ và Anh (ngoại trừ xứ Wales) vẫn tiếp tục sử dụng hệ thống đăng ký thông thường.

“Nicholas là một cậu bé tốt bụng luôn tìm kiếm những điều tốt đẹp nhất trong mọi sự việc, do vậy khi ở cạnh Nicholas, bạn luôn muốn là ‘phiên bản’ tốt nhất của bản thân,” cha cậu bé giải thích.

“Tôi hiểu rằng mới 7 tuổi thì thằng bé có lẽ không thể hiểu được, nhưng tôi biết rằng khi nó lớn lên, đây sẽ là điều nó muốn chúng tôi làm - không còn nghi ngờ gì nữa.

“Nếu phải chọn giữa việc tỏ ra giận dữ với những người đã làm điều này và việc muốn giúp đỡ người khác như ưu tiên hàng đầu, thằng bé chắc chắn sẽ chọn cách giúp đỡ ai đó.”

Ông Green từng là một nhà báo trong nhiều năm trước khi chuyển tới Mỹ sống. Ông cho biết cậu con trai Nicholas đã dạy cho ông nhiều điều về sự chịu đựng. “Tôi luôn nôn nóng và khi mọi việc đi sai hướng, tôi cảm thấy tức giận,” ông nói. “Nicholas mang lại cảm giác bình thản và sự tha thứ khiến bạn muốn làm theo thằng bé.”

Ông Green không thể tưởng tượng nổi cảm giác khi ông đứng đối diện với những người đã được cứu mạng bởi nội tạng của Nicholas.

“Khi cánh cửa mở ra, 6 người họ bước vào, tôi đã bị choáng ngợp bởi cảm xúc,” ông cho biết và nói thêm rằng đã có 1 người vắng mặt vì bệnh tật.

“Có người mỉm cười, có người rưng rưng nước mắt, có người rụt rè, nhưng họ đều đang sống. Hầu hết những người này đều đã từng đứng đối diện với tử thần. Đó là lần đầu tiên bạn biết được điều đó có ý nghĩa to lớn đến đâu.

“Bên cạnh đó là cảm giác về nỗi đau của cha mẹ và ông bà của họ nếu họ không được cho tạng. Bạn cảm giác rằng còn rất nhiều người khác nữa mà cuộc sống của họ hẳn đã tồi tệ hơn rất nhiều nếu chúng ta không giúp đỡ họ.”

Ông Green và vợ là bà Maggie kết hôn vào tháng 4/1986. Họ đã không để cho Eleanor phải lớn lên một mình, khi có thêm 1 cặp sinh đôi là Laura và Martin, sẽ tròn 21 tuổi vào tháng 5 này.

Cái chết của con trai ông Green đã tác động như thế nào tới cuộc sống của ông? “Có một nỗi buồn chưa từng có ở đó trước đây. Tôi không còn cảm thấy hạnh phúc hoàn toàn nữa,” Green nói. “Ngay cả khi hạnh phúc nhất, tôi vẫn nghĩ: ‘Giá mà Nicholas có ở đây thì chẳng phải sẽ còn vui hơn sao?'"

Nhưng l’effetto Nicholas ​- Hiệu ứng Nicholas ​- là tia hy vọng cuối đường hầm. “Tôi cảm thấy mỗi khi có một bài báo, một chương trình truyền hình hay phát thanh, sẽ có một khán thính giả nào đó phải đưa ra quyết định này. Nếu họ chưa từng nghe tới hay nghĩ tới hiến tạng, có nhiều khả năng họ sẽ nói ‘không’.”

Ông Green trở lại ​Italy 2 lần mỗi năm để nâng cao nhận thức về hiến tạng. Trong lần gần đây nhất, ông đã gặp Maria Pia Pedala, người đã hôn mê do suy gan vào ngày Nicholas chết, nhưng đã nhanh chóng phục hồi sau khi được ghép gan của cậu bé. Pedala đã kết hôn sau đó 2 năm, và 2 năm sau đó cô đã sinh một bé trai -được đặt tên là Nicholas ​- và tiếp đó 2 năm là một bé gái tên là Alessia.

Ba mẹ con đã đi từ Sicily, nơi mà theo lời ông Green việc hiến tạng gần như hoàn toàn xa lạ vào năm 1994, để tham gia cùng ông trong một chương trình truyền hình ở Milan.

Ông Green còn cho biết người nhận tim của Nicholas, Andrea Mongiardo, dù đã qua đời vào đầu năm nay nhưng đã giữ trái tim đó đập trong thời gian dài gấp 3 lần bản thân Nicholas.

Nhưng ông cho rằng di sản của con trai mình vượt xa việc hiến tạng cho 7 người. Ông cho biết tỷ lệ hiến tạng đã tăng mạnh sau cái chết của Nicholas, do vậy nếu không có Nicholas, hàng nghìn người đang sống khỏe mạnh ngày nay có thể đã phải từ giã cõi đời này./.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chuyện về cậu bé có trái tim tiếp tục đập 21 năm sau khi qua đời