Trong nhà có một người mù đã là bất hạnh, ấy vậy ở Hòa Bình có một gia đình, sinh được 3 người con thì cả 3 đứa đều sống trong cảnh mù lòa. Căn bệnh lạ không chỉ dừng lại ở đời con mà đau đớn thay còn đeo bám đến đời cháu.
Căn bệnh lạ
Ngôi nhà cấp bốn của ông Nguyễn Văn Bình nằm khuất nẻo cuối xóm Vành, xã Mông Hóa, huyện Kỳ Sơn, Hòa Bình. Bên trong có tất cả 7 thành viên, nhưng duy nhất chỉ có hai người mắt sáng, các con, các cháu ông đều mang đã bị mù từ nhỏ.
Tròn 23 tuổi, anh Nguyễn Văn Bình (sinh năm 1962) kết duyên với chị Nguyễn Thị Vinh (sinh năm 1965), người cùng xã, lấy nhau được một năm, chị Vinh sinh người con gái đầu lòng là Nguyễn Thị Linh (sinh năm 1986). Đứa con ra đời, mẹ tròn con vuông, khỏe mạnh, hồng hào, vợ chồng anh Bình mừng lắm, nhưng niềm vui ngắn chẳng tày gang, sau khi sinh được hơn một năm, Linh có biểu hiện mắt mờ đục, không thể phân biệt được mọi thứ xung quanh.
Vợ chồng anh Bình lo lắng, chạy chữa thuốc thang, đưa con đi hết bệnh viện tuyến dưới rồi lại chuyển lên bệnh viện tuyến trên nhưng vẫn không tìm lại ánh sáng cho con.
Rồi chị Vinh lần lượt đẻ thêm hai đứa con nữa, đặt tên con là Nguyễn Văn Liêm (sinh năm 1987) và Nguyễn Thị Ba (sinh năm 1989). Lúc mới sinh, các con chị bình thường như bao đứa trẻ khác, nhưng chỉ một năm sau, Liêm và Ba cũng có biểu hiện giống như người chị cả, đôi mắt dại đi, mờ đục rồi không nhìn thấy gì.
Anh Bình kể, cả 3 đứa con ông lúc mới sinh ra đều lành lặn, bình thường như bao đứa trẻ khác nhưng được hơn một năm, mắt từng đứa đờ đẫn, mờ đục rồi không nhìn thấy ánh sáng. Mọi sinh hoạt chỉ là quờ quạng, dò dẫm và có người kèm cặp.
Mắc căn bệnh lạ, các con anh Bình sinh ra lần lượt đều không nhìn thấy sánh sáng
Ngày đó, cứ nghe đâu có người chữa bệnh về mắt, ông lại đưa con đến khám, nhưng các bác sỹ đều bó tay trước căn bệnh lạ. Năm Linh lên 3 tuổi, gia đình bán đàn lợn nái, đưa con xuống Viện mắt Trung ương để chữa bệnh. Tại đây, các bác sỹ kết luận, Linh bị khô giác mạc, điều trị một thời gian dài nhưng hai mắt của Linh vẫn không hồi phục.
Trong lần đưa Liêm xuống Viện mắt Trung ương điều trị, lại một lần nữa, gia đình ông Bình đau đớn khi các bác sỹ cho biết, Liêm bị tiêu hủy võng mạc sau đáy mắt, khả năng nhìn thấy ánh sáng gần như là không thể.
Bế tắc, cùng cực, ông Bình vẫn gắng gượng đưa người con thứ 3 là Nguyễn Thị Ba đi khám với hi vọng “còn nước còn tát” nhưng hy vọng bao nhiều thì ông Bình tuyệt vọng bấy nhiêu. Bác sỹ bảo Ba bị tiêu hủy võng mạc, một chứng bệnh rất hiếm gặp, khả năng mù vĩnh viễn.
Ba lần đưa con xuống bệnh viện là những lần ông Bình đau đớn như có gai cào vào ruột. Đau xót, đắng cay muôn phần, ông đành chấp nhận đưa con về sống chung với bệnh.
“Ba chị em nó, đứa lớn nhất học chưa hết lớp một, hai đứa em bị bệnh nặng hơn không thể đến trường. Hằng ngày chỉ quanh quẩn trong nhà, ngoài sân, các con cũng không biết phân biệt đâu là con gà, con lợn. Bảo là con gà thì biết là con gà chứ không biết chúng hình dáng ra sao”. Chị Vinh mếu máo.
Nỗi đau nhân đôi
Cả 3 người con của anh Bình đều mất khả năng nhìn thấy ánh sáng khi ở tuổi còn rất nhỏ, mọi sinh hoạt dù là nhỏ nhất đều một tay chị Vinh hướng dẫn kèm cặp. Mặc dù đôi mắt không nhìn thấy gì, nhưng đổi lại các con ông đều xinh xắn.
Anh Bình chua xót kể, một ngày của tháng 11 năm 2004, Ba theo bố mẹ lên nương làm rẫy. Đôi mắt không nhìn thấy gì, Ba dò dẫm, quờ quạng rồi đi lạc, không biết đường trở về.
Khi mặt trời xế bóng, không thấy con đâu, vợ chồng ông Bình hốt hoảng đi tìm, thấy Ba đầu tóc rũ rượi ngồi bệt dưới một gốc cây, linh tính mách bảo của người cha cho biết có chuyện chẳng lành, nhưng gặng hỏi thì Ba không nói gì.
Hơn 20 năm qua, những người con trong gia đình anh Bình sống cuộc sống ngày cũng như đêm
Điều tội tệ nhất đã xảy ra khi khoảng 2 tháng sau, mọi người trong nhà phát hiện Ba có biểu hiện khác thường, bụng ngày càng phình ra. Nghĩ con bị bệnh gia đình đưa đi khám và sửng sốt khi biết rằng Ba đã có thai.
Sự việc vỡ lẽ, gia đình gặng hỏi nguồn gốc của cái thai đó, Ba chỉ khóc rồi kể lại đầu đuôi sự việc bị một người người đàn ông dẫn đường rồi giờ trò đồi bại.
Mỗi lần gặng hỏi về người đàn ông, Ba lại khóc, nước mắt giàn giụa. Vừa thương, vừa xót con nên chị Vinh cũng chẳng dám hỏi thêm một lời nào nữa và càng không dám bới móc ra vì: “Sợ xấu mặt với bàn dân thiên hạ”. Cả gia đình chỉ biết “ngậm bồ hòn làm ngọt” mà động viên con cố gắng giữ lấy giọt máu đào.
Ngày Ba trở dạ, cả gia đình hồi hộp, lo lắng, thấp thỏm chờ đợi đứa cháu ra đời. Và rồi, Ba sinh được một bé trai kháu khỉnh, lành lặn nặng hơn 3kg, vợ chồng ông Bình mừng rơi nước mắt đặt tên cháu là Nguyễn Văn Thương, với mong muốn tình thương sẽ giúp cháu vượt qua mặc cảm. Thế nhưng, đằng sau niềm vui là nỗi buồn nặng trĩu khi chỉ sau đó 2 năm, cháu Thương lại mù lòa như mẹ nó và các cô, các chú.
Gia đình nghèo nhất xã
Từ khi các con mang trong mình căn bệnh lạ, gia đình anh Bình lâm vào tình cảnh khó khăn chồng chất. Ngôi nhà ông giờ đây trống hoác, không còn một thứ gì đáng giá đồng tiền, mọi tài sản đều “đội nón ra đi”.
Nỗi đau không lời trong gia đình 4 người mù
Là gia đình thuộc diện hộ nghèo trong xóm, toàn bộ kinh tế chỉ trông mong vào 3 sào ruộng, hết mùa lúa lại xen canh trồng cây ngô, cây mía, nhưng vẫn không thoát được cái nghèo. “Gia đình tôi bên nội bên ngoại không ai mắc bệnh lạ này, nhưng những đứa con, đứa cháu nhà tôi lớn lên lần lượt đều không nhìn thấy ánh sáng. Thương các con lắm nhưng không biết làm cách nào để tìm lại ánh sáng cho con, cho cháu…”. Anh Bình ôm đầu rầu rĩ.
Anh Bình cho biết, tham gia nhập ngũ năm 1982, là bộ đội phục vụ trong Trường sỹ quan Lục Quân 1. Sau 4 năm hoạt động, anh bị lên hạch ở bắp đùi, sau đó được đơn vị cho về quê hương và lập gia đình.
Hằng ngày, vợ chồng ông Bình oằn lưng đi làm phụ hồ, làm thuê làm mướn, cóp nhặt từng đồng tiền, vừa để trả nợ, vừa nuôi các con.
Anh Bình bảo chừng nào còn sức thì vẫn hy vọng các con tìm được ánh sáng nhưng đã không biết bao nhiều lần ngược xuôi, đưa con đi khám, các con ông bệnh vẫn hoàn bệnh.
Ông Nguyễn Đặc Dung, Chủ tịch xã Mông Hóa cho biết, gia đình anh Bình thuộc diện nghèo nhất xã, có hoàn cảnh hết sức éo le. Anh Bình có 3 người con đều bị mù bẩm sinh, trong đó, người con gái út sinh được một bé trai cũng bị mù. Ngoài ra, gia đình anh còn một mẹ già 91 tuổi, nằm liệt giường đã nhiều năm nay.
Thông qua chính sách hỗ trợ người nghèo, gia đình anh Bình được Ngân hàng chính sách xã hội cho vay vốn để phát triển kinh tế. Tôi mong muốn các nhà hảo tâm, các bác sỹ tìm ra căn nguyên bệnh để giúp các cháu tìm lại ánh sáng.
Bác sỹ Nguyễn Vũ Thiện, Giám đốc điều hành Bệnh viện mắt Việt Nhật cho biết: “Bệnh tiêu hủy võng mạc là một bệnh hiếm gặp có thể do gen di truyền hoặc hệ thống nội tiết tố trong cơ thể con người. Người mắc bệnh này chức năng bài tiết bên trong mắt bị tiêu hủy dần dẫn đến mù lòa. Ở Việt Nam, tiêu hủy giác mạc có thể thay thế được, tuy nhiên đối với bệnh tiêu hủy võng mạc thường xảy ra từ lúc hình thành bào thai, khả năng điều trị khỏi là rất khó”. |