Sau diễn biến gia tăng trở lại của chỉ số CPI trong tháng 4/2014, các chuyên gia cho rằng CPI tháng 5/2014 cũng sẽ tiếp tục tăng nhưng chỉ ở mức thấp. Và điều này là hợp lý để giúp nền kinh tế đi vào ổn định và tăng trưởng bền vững.
Ông Phan Dũng Khánh - Giám đốc Tư vấn đầu tư CTCK Maybank Kim Eng (MBKE) dự báo “Chỉ số CPI trong tháng 5 sẽ đi quanh mức tăng của tháng 4, cụ thể gia tăng khoảng 0.1-0.2% so với tháng 4”.
Ông cũng dự báo, trong rổ tính CPI, các nhóm ngành như Nguyên vật liệu, Xây dựng, Năng lượng và Thực phẩm sẽ là nhân tố ảnh hưởng đáng kể đến chỉ số CPI trong tháng 5 do nhu cầu tiêu dùng hiện tại đang được đẩy mạnh.
Sức mua chung của thị trường sẽ tiếp tục gia tăng nhưng tương đối chậm. Điều này là hợp lý vì CPI chỉ mới tăng trở lại trong tháng 4 và dự báo tháng 5 gia tăng. Ông cho rằng mức tăng của CPI chỉ có ý nghĩa khi duy trì tính ổn định (tăng trong một giai đoạn nhất định, cụ thể là duy trì tăng trong các tháng 4, 5 và 6) nhằm giúp nền kinh tế tăng trưởng ổn định và có tính bền vững. Tuy nhiên đà tăng của CPI chỉ nên ở mức vừa phải, nếu tăng quá mạnh sẽ đưa nền kinh tế vào tình trạng lạm phát.
Về tác động đến thị trường chứng khoán, ông tiếp tục cho rằng CPI sẽ không có ảnh hưởng, vấn đề ảnh hưởng đến TTCK hiện tại chủ yếu từ tâm lý nhà đầu tư. Điều này đã làm thị trường suy giảm mạnh trong thời gian gần đây.
Ông khuyến nghị nhà đầu tư hiện tại nên hạn chế sử dụng margin. Đối với nhà đầu tư trung và dài hạn thì có thể xem xét giải ngân mua vào do TTCK trong trung và dài hạn vẫn cho dấu hiệu tích cực.
“CPI tháng 5 sẽ tăng từ 0.3% đến 0.5% so với tháng 4 do biến động từ kỳ nghỉ lễ kéo dài” là ý kiến dự báo của ông Nguyễn Ngọc Trường Chinh – Tổng giám đốc CTCK Sen Vàng.
Theo ông, chỉ số CPI tháng 5 sẽ không biến động mạnh so với tháng 4. Nếu có bất ngờ chỉ là do ảnh hưởng từ biển Đông. Tác động mạnh nhất đến chỉ số này trong tháng 5 sẽ đến từ yếu tố tiêu dùng do biến động từ giá gas, xăng dầu. Tuy nhiên, nhóm này cũng sẽ không có đột biến. Bên cạnh đó, việc giá vàng biến động cũng phần nào tác động đến chỉ số nhưng chỉ ở mức độ thấp.
Việc CPI gia tăng tháng thứ hai liên tiếp sẽ có tác động tích cực đến nền kinh tế nói chung. Cụ thể, tiêu dùng được kích thích nhờ đó sức mua thị trường gia tăng và sản suất kinh doanh sẽ cho dấu hiệu tích cực. Thị trường chứng khoán sẽ được hưởng lợi phần nào từ các yếu tố này.
Đối với thị trường chứng khoán thời điểm hiện tại, ông khuyến nghị nhà đầu tư có thể giải ngân nhưng không nên sử dụng margin, ưu tiên giải ngân vào các cổ phiếu có thanh khoản tốt và kết quả kinh doanh quý 1/2014 khả quan.
Bà Nguyễn Mai Phương – Giám đốc nghiên cứu MSBS: “Tiếp tục xu hướng tháng 4, CPI tháng 5 gia tăng nhưng rất nhẹ”. Bà cũng cho rằng, các nhóm ngành cơ bản như Nhà ở, Điện, Nước, Chất đốt và Vật liệu xây dựng,… vẫn xoay quanh nhịp tăng như các tháng trước và không có sự thay đổi đặc biệt.
Nhận xét về chỉ số CPI tháng 4, bà cho biết mặc dù chỉ tăng rất nhẹ nhưng mức tăng này đáng ghi nhận khi so sánh với mức âm của tháng 3. Quá trình tạo đáy và tăng của CPI sẽ chậm vì nhu cầu có độ trễ, do đó con số tăng nhẹ của tháng 4 không đáng ngạc nhiên và nó vẫn nằm trong chuỗi hồi phục chậm.
Với tác động đến thị trường chứng khoán, theo bà việc CPI tăng thấp không còn là thông tin bất ngờ và không ảnh hưởng nhiều đến VN-Index. Thị trường sau khi tăng nóng hơn tốc độ phục hồi kinh tế đã tất yếu phải điều chỉnh, tuy nhiên, đợt điều chỉnh này lại tiếp tục quá đà khi kết hợp với thông tin về diễn biến biển Đông. Những phiên bán tháo đã qua đi và trong 1 vài tuần tới, thị trường sẽ tìm điểm giao dịch cân bằng quanh mức 540 điểm (+/- 5) nếu như những căng thẳng tại biển Đông chỉ dừng ở mức như hiện nay.
Ông Nguyễn Hải Đăng – Trưởng phòng phân tích CTCK Saigonbank Berjaya (SBBS) cho rằng “Chỉ số CPI tháng 5 tăng nhẹ so với tháng 4 và ở mức 0.35%. Tính chung trong 5 tháng đầu năm tăng 1.23%”.
Ông cho biết, do trùng với kỳ nghỉ lễ kéo dài nên những mặt hàng như Giao thông, Giải trí, Du lịch hay các mặt hàng có liên quan sẽ tăng mạnh nhất. Bên cạnh đó, sau thời gian đầu năm giảm thì chỉ số giá các mặt hàng Lương thực thực phẩm cũng có xu hướng gia tăng lại.
Ông cũng đưa ra so sánh biến động cụ thể ở một số nhóm ngành trong rổ tính CPI như sau:
Duy Hoàng