Chuyện buồn của người tù cuối cùng ở đảo Phú Quốc

Việt Văn - Mai Liễu| 23/01/2015 08:36
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Đó là ông Hoàng Văn Lược (SN 1942 ở xã Nguyệt Đức, Thuận Thành, Bắc Ninh) là tù binh cuối cùng ở đảo Phú Quốc được Mỹ trao trả vào năm 1973. Trong tù, ông bị kẻ thù tra tấn dã man, thậm bí bị bẩy cả 7 chiếc răng nhưng ông vẫn chiến đấu kiên cường.

 

Chuyện buồn của người tù cuối cùng ở đảo Phú Quốc

Ông Hoàng Văn Lược và những huân huy chương còn giữ lại được

Bị bẩy 7 chiếc răng

Bây giờ, ông Lược và vợ đang làm đồ vàng mã, những tệp giấy bản đã được nhuộn màu vàng, đỏ cũng được ông sắp xếp theo thứ tự rất gọn gàng. Ông bảo, hai vợ chồng làm thêm để có đồng ra đồng vào. Chiến tranh lùi xa lâu rồi, có những chi tiết tôi quên, một phần vì tuổi tác, một phần bị địch tra tấn dã man, nên ít nhiều cũng ảnh hưởng. Tuy nhiên, những mốc quan trọng thì ông không bao giờ có thể quên.

Tháng 2/1964, ông Lược lên đường nhập ngũ và chiến đấu ở chiến trường miền Trung, thuộc D12, E54, F320 (Sư đoàn 3, Quân khu 1 hiện nay). Sau đó về đại đội pháo binh 120 và từng tham gia nhiều trận đánh. “Tôi tận mắt chứng kiến cảnh máy bay Mỹ dội xuống thứ khói trắng xóa. Lúc đó, không ai biết là chất gì, sau này mới biết đó là chất độc hóa học”, ông Lược nhớ lại.

Tháng 7/1965, ông Lược được điều động vào Bình Định. Tại dốc An Toàn, An Lão, quân địch tấn công liên tiếp, nhiều chiến sĩ hy sinh. Anh em đơn vị tưởng ông Lược đã hy sinh nên gửi giấy báo tử về cho gia đình. Sau này khi đất nước hòa bình, ông Lược đã mang giấy báo tử trả lại. “Tôi được cử đi tập huấn công binh, nhưng trên đường bị lính Mỹ phục kích. Sau khi bắt được tôi, chúng dùng khóa xích chân, tay rồi lấy dùi cui thi nhau đập lên đầu tôi cho tới khi ngất đi”, ông Lược kể.

Khi không khai thác được gì, chúng chở ông lược đến sân bay Gò Hội ở Quảng Ngãi. Tại đây, cứ mỗi lần tra hỏi, chúng lại bẩy một cái răng tù nhân. Tất cả chúng bẩy của ông Lược 7 chiếc.

Bất lực với người tù kiên cường, lính Mỹ đưa ông Lược ra đảo Phú Quốc. Tại đây, ông Lược gặp được đồng đội là chiến sĩ Trương Tấn Sang, bây giờ là Chủ tịch nước. Kể xong, ông Lược đưa ra một tấm ảnh ông cùng đồng đội năm xưa chụp ảnh lưu niệm với Chủ tịch nước Trương Tấn Sang tại Bắc Ninh năm 2011.

Chuyện buồn của người tù cuối cùng ở đảo Phú Quốc

Cựu tù binh Phú Quốc chụp ảnh cùng Chủ tịch nước Trương Tấn Sang

Nước mắt đồng đội

Đại tá Nguyễn Văn Tạo, nguyên chiến sĩ Sư đoàn 3 Sao Vàng là đồng đội chiến đấu cùng với ông Hoàng Văn Lược đã tham gia trận đánh ở Bình Định. Sau đó ông Lược bị bắt và bị tù đày ở đảo Phú Quốc. Đồng thời ông Lược cũng là tù nhân cuối cùng được Mỹ trao trả vào năm 1973.

Tuy nhiên, khi chúng tôi thông báo cho ông Tạo thông tin về việc ông Lược là thương binh nhưng cho đến nay chưa được hưởng bất kỳ một chế độ nào thì nét mặt ông Tạo trở nên nghiêm nghị hơn. Ông Tạo đưa tay lên lau vội hàng nước mắt, nói: “Hôm nay tôi mới biết ông Lược như vậy, tôi thấy mình có phần lỗi trong đó. Sự thật, tôi và ông Lược, ông Quỳnh, ông Bắc, cả bốn chúng tôi đều ở Sư đoàn 3 Sao Vàng. Trong trận đánh ở miền Trung, ông Lược bị thương nặng và phải điều trị chứ không hy sinh”.

Ông Nguyễn Văn Tạo cho biết: “Ông Hoàng Văn Lược từng bị tù đày ở đảo Phú Quốc trong nhiều năm, ông bị tra tấn dã man, bị chúng bẩy  nhổ 7 chiếc răng. Ông Lược từng có giấy báo tử, sau này khi ông được trao trả tù binh cũng là người cuổi cùng được trao trả tù binh năm 1973. Năm 1975, ông ấy đã đem giấy báo tử trả lại Cục chính sách bộ quốc phòng tại nhà số 3 Ông Ích Khiêm – Hà Nội”.

Theo ông Tạo, sau trận đánh ở miền Trung ông cùng ông Lược được điều đi chiến đấu ở Bình Định. Tại đây, ông Lược bị giặc bắt và đưa ra đảo Phú Quốc. “Cả ba chúng tôi đều là quân của ông Lược. Hiện nay, chúng tôi đã nghỉ hưu và có có chế độ, sao ông ấy lại khổ như vậy. Chúng tôi cứ nghĩ ông Lược được hưởng từ lâu rồi”, ông Tạo cho hay.

Chuyện buồn của người tù cuối cùng ở đảo Phú Quốc

Ông Nguyễn Văn Tạo nguyên Đại tá, buồn bã khi biết ông Lược không được công nhận thương binh

Chúng tôi tới gặp ông Nguyễn Tiến Quỳnh, bạn cùng chiến đấu với ông Lược, ông Quỳnh khẳng định: “Ông Lược là thương binh thật, là bạn chiến đấu của chúng tôi và thậm chí đơn vị đã báo tử. Chúng tôi nghĩ ông ấy đã hy sinh, sau khi Mỹ trao trả tù binh năm 1973, ông Lược đã đem giấy báo tử trả lại nhưng không hiểu vì sao mà ông ấy lại chưa được hưởng chế độ gì”.

Không được hưởng chế độ, sức khỏe lại yếu do thời gian Mỹ giam cầm đã tra tấn ông một cách quá dã man nên hiện giờ ông Hoàng Văn Lược phải làm nghề vàng mã để mưu sinh.

Thật giả lẫn lộn

Để tìm hiểu thêm, chúng tôi đã lên đường tới Sư đoàn 3 Sao Vàng ở Lạng Giang (Bắc Giang). Thượng tá Lê Văn Bền - Phòng Chính trị đã cho cán bộ tìm kiếm hồ sơ về ông Hoàng Văn Lược nhưng không có.

Chúng tôi đã có buổi làm việc với Sở Lao động – Thương binh & Xã hội tỉnh Bắc Ninh, lãnh đạo Sở này cho biết, huân chương giải phóng, hiện ông Lược còn giữ là giấy tờ giả.

Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Tạo nguyên Đại tá Tổng cục chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam là đồng đội của ông Hoàng Văn Lược và ông Nguyễn Tiến Quỳnh, ở Thuận Thành (Bắc Ninh) đều công nhận ông Hoàng Văn Lược là đồng đội. Thế nhưng, chính quyền tỉnh Bắc Ninh lại không nắm được ông Lược là ai?

Ông Lược ngậm ngùi: “Tôi đã nhiều lần trình bày lên chính quyền xã và huyện đề làm chế độ, nhưng cán bộ chính sách trả lời chưa có đợt. Thôi thì cứ chờ đợi và tôi đã chờ đợi hơn 40 năm qua”. Chúng tôi thì nghĩ, đây lại là đoạn kết buồn của một cựu chiến binh.  

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chuyện buồn của người tù cuối cùng ở đảo Phú Quốc