Khối ngoại và khối tự doanh đã trở lại mua ròng khá mạnh trong tuần qua. Tuy nhiên, tâm lý giới đầu tư nhìn chung vẫn còn dè chừng trước các diễn biến vĩ mô mới xuất hiện.
I. THỊ TRƯỜNG CHỨNG KHOÁN VIỆT NAM TUẦN 31.03 – 04.04.2014
Giao dịch: Áp lực chốt lời tiếp tục duy trì. Cả hai chỉ số thị trường tiếp tục giảm điểm trong tuần này. Cụ thể, VN-Index giảm nhẹ 0.21% xuống 593.04 điểm, trong khi HNX-Index giảm mạnh hơn với 3.64% xuống 86.76 điểm, còn VS 100 giảm 1.1% giữ ở mức 99.85 điểm và VN30 giảm 1.3% xuống 667.33điểm.
Các nhóm Market cũng đều giảm điểm, dẫn đầu là VS-Micro Cap giảm 5.51%, tiếp theo là VS-Small Cap giảm 4.62%, VS-Mid Cap giảm 3.62% và VS-Large Cap giảm nhẹ nhất với 1.89%.
Tâm lý thận trọng của giới đầu tư tăng cao hơn trong tuần này, qua việc thanh khoản tiếp tục sụt giảm mạnh. Trên sàn HOSE, khối lượng giao dịch khớp lệnh giảm 34.5%, đạt tổng cộng 618 triệu đơn vị. Khối lượng giao dịch trên sàn HNX cũng giảm 31.1%, đạt 400 triệu đơn vị.
Hoạt động chốt lời tiếp tục diện ra trong những phiên giao dịch đầu tuần. Áp lực bán ra gia tăng mạnh ở hầu hết các nhóm cổ phiếu, mạnh nhất là ở các nhóm cổ phiếu đầu cơ như Bất động sản, Xây dựng và Khai khoáng vốn đã tăng khá mạnh trong giai đoạn trước đó.
Với tâm lý lạc quan còn hiện diện, giới đầu tư bắt bắt đáy trong phiên ngày 02/04 tuy nhiên đã gặp thất bại do thị trường đón nhận thông tin không mấy tích cực. Theo đó, NHNN dự kiến sẽ ban hành một văn bản trong tháng 4 có phạm vi điều chỉnh toàn diện các hoạt động của các ngân hàng thương mại, để thay thế Thông tư 13/2010/TT-NHNN về các tỷ lệ an toàn trong hoạt động của các tổ chức tín dụng. Giới đầu tư lo ngại những điều chỉnh hoạt động của ngân hàng có thể gây ảnh hưởng tiêu cực tới doanh nghiệp cũng như siết dòng tiền vốn vay vào TTCK.
Thị trường khởi sắc trở lại trong phiên ngày Thứ Năm khi xuất hiện thông tin về gói hỗ trợ 70 ngàn tỷ đồng cho thị trường bất động sản sẽ được triển khai trong thời gian sắp tới, và điểm đặc biệt là NHNN sẽ cầm trịch gói hỗ trợ này. Chính vì thế, mà các nhóm cổ phiếu được hưởng lợi như Bất động sản, Xây dựng và Vật liệu xây dựng đã bật tăng mạnh trở lại. Tuy nhiên, giới đầu tư tỏ ra khá thận trọng thể hiện qua thanh khoản thị trường sụt giảm mạnh.
Phiên giao dịch cuối tuần, sắc xanh vẫn tiếp tục duy trì nhưng chủ yếu nhờ sự tích cực ở một số cổ phiếu chủ chốt như GAS, PVD, HPG .., trong khi đó giao dịch ở các nhóm cổ phiếu đầu cơ vẫn diễn ra khá trầm lắng.
Nhà đầu tư nước ngoài: Mua ròng 318 tỷ đồng (đã loại trừ giao dịch đột biến ở VIC). Khối ngoại trở lại mua ròng mạnh trong tuần qua, và vẫn tập trung ở nhóm cổ phiếu bluechip như thường lệ. Mặc dù chưa tạo tác động mạnh mẽ lên xu hướng thị trường nhưng đã phần nào giúp giảm bớt tâm lý lo ngại của giới đầu tư.
Trên sàn HOSE, khối ngoại mua ròng tổng cộng 1,717 tỷ đồng, tập trung mạnh nhất ở VIC (1,427 tỷ đồng) chủ yếu thông qua giao dịch thoả thuận; tiếp theo là ở KDC (91.9 tỷ đồng), HAG (45.3 tỷ), ITA (28 tỷ đồng) và BID (26.8 tỷ). Giao dịch bán ròng mạnh nhất diễn ra ở DPM với 98.5 tỷ đồng, HPG (29 tỷ đồng), MSN (21 tỷ đồng). Nếu loại bỏ giao dịch đột biến ở VIC thì khối ngoại mua ròng 290 tỷ đồng trên HOSE.
Trên sàn HNX, khối ngoại cũng mua ròng với gần 28 tỷ đồng, tập trung chủ yếu ở PVS (23.8 tỷ đồng), PGS (16 tỷ đồng), VND (7.4 tỷ). Trong khi đó, họ mua ròng mạnh nhất ở SHB với 26 tỷ đồng và KLS với 7.3 tỷ đồng.
Khối tự doanh CTCK: Mua ròng hơn 73.1 tỷ đồng. Tính đến phiên giao dịch Thứ Năm (03/04), khối tự doanh các CTCK mua ròng tổng cộng gần 4 triệu đơn vị, tương ứng với 73 tỷ đồng.
Hoạt động mua bán tuần qua của các CTCK đều tập trung ở nhóm cổ phiếu bluechip khi trung bình lệnh mua và bán đạt lần lượt 21,000 – 23,000 đồng/cp.
Việc mua ròng được khối tự doanh thực hiện ở hầu hết các phiên trong tuần. Phiên bán ròng duy nhất diễn ra vào ngày 31/03 với 1.2 triệu đơn vị, tương ứng giá trị 12 tỷ đồng
Cổ phiếu đáng chú ý: Số ngành giảm điểm áp đảo trong tuần qua với 21/24 ngành. Bảo hiểm dẫn đầu đà giảm với 8.68%, tiếp theo là DV Chuyên môn - KHCN giảm 8.13%, Thiết bị Điện-ĐTVT giảm 5.67%.
Các nhóm cổ phiếu nóng cũng giảm điểm khá mạnh trong tuần. Theo đó, Xây dựng giảm 5.06%, Chứng khoán giảm 3.49%, Bất động sản mất 2.71%, Khai khoáng mất 2.06% và Ngân hàng giảm 1.27%.
Cổ phiếu tăng điểm mạnh đáng chú ý trên HOSE là PXM tăng 20.69%. Trên sàn HNX, cổ phiếu tăng điểm đáng chú ý là APG tăng 12.7%.
PXM tăng 20.69%. PXM tăng mạnh trong tuần qua khi không có thông tin nào mới liên quan đến tình hình hoạt động được công bố. Nhiều khả năng PXM được dòng tiền đầu cơ hướng tới. Tuy nhiên, cần chú ý rằng hoạt động chốt lời đã diễn ra ở cổ phiếu này khi PXM đã giảm sàn trở lại trong phiên giao dịch cuối tuần.
Kế hoạch năm 2014 dự kiến của PXM cũng không mấy khả quan khi đặt kế hoạch doanh thu đạt 116 tỷ đồng nhưng lợi nhuận ở mức 0 đồng.
APG tăng 12.7%. APG tăng mạnh trong tuần qua nhiều khả năng xuất phát từ thông tin tích cực. Theo đó, Ông Nguyễn Hồ Hưng - Chủ tịch HĐQT của APG đã đăng ký mua 1.5 triệu cp từ ngày 07/04 đến 06/05.
Cổ phiếu giảm điểm mạnh đáng chú ý trên HOSE là TNT giảm 18.6%, PXL giảm 13.56%, PTK giảm 13.16%. Trên HNX là PSG giảm 22.22%.
TNT giảm 18.6% và PXL giảm 13.56%. TNT và PXL giảm mạnh trong tuần qua khi không có thông tin mới liên quan đến hoạt động của công ty. Nhiều khả năng việc các cổ phiếu này giảm mạnh xuất phát từ xu hướng chốt lời tăng mạnh đặc biệt là ở nhóm cổ phiếu đầu cơ trong tuần qua.
PTK giảm 13.16%. PTK giảm mạnh trong tuần qua khi không có thông tin mới liên quan đến hoạt động của công ty. Nhiều khả năng việc PTK giảm mạnh xuất phát từ xu hướng chốt lời gia tăng trong tuần qua.
PTK đang dự kiến phát hành ra công chúng 21.6 triệu cổ phiếu, tương ứng với 100% vốn hiện nay.
PSG giảm 22.22%. PSG giảm mạnh trong tuần qua có thể xuất phát từ (1) xu hướng chốt lời gia tăng ở cổ phiếu này, (2) thông tin không mấy tích cực khi Ông Phan Chí Trung - Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc đăng ký bán 200,000 cp từ ngày 03/04 đến 02/05.
I. THỐNG KÊ THỊ TRƯỜNG CHỨNG KHOÁN TUẦN QUA
(Nguồn dữ liệu: VietstockFinance)
Trịnh Thị Thu Hoa (Phòng Nghiên cứu Vietstock)