Thông tin liên quan đến kết quả hoạt động của các doanh nghiệp nhiều khả năng sẽ là yếu tố có tác động mạnh và trở thành trụ đỡ của thị trường trong trường hợp xấu.
Tháng 3/2014: Khối ngoại tháo hàng, bán ròng hơn 2,100 tỷ đồng
(1) HNX-Index tiếp tục bứt phá. Tính tổng cộng trong tháng 3/2014, VN-Index chỉ tăng nhẹ 0.87% và kết thúc tháng ở mức 591.57 điểm, trong khi HNX-Index tiếp tục tăng mạnh hơn với 7.6% lên mức 89.44 điểm.
Các chỉ số Market Cap tiếp tục tăng điểm. Theo đó, chỉ số VS-Micro Cap dẫn đầu đà tăng với 8.65%, VS-Mid Cap tăng 5.4%, VS-Small Cap tăng 4.06% và VS-Large Cap tăng 1.74%.
(2) Giao dịch sôi động, thanh khoản duy trì mức cao. Hoạt động giao dịch trên cả hai sàn duy trì sự sôi động. Khối lượng giao dịch khớp lệnh trung bình tháng 3 trên HOSE đạt gần 162.9 triệu đơn vị/phiên, tăng 11.9% so với tháng 02. Trên HNX, khối lượng giao dịch khớp lệnh trung bình đạt 104.6 triệu đơn vị/phiên, tăng đến 20.6% so với tháng trước.
(3) Giao dịch chứng khoán trong tháng 3 chịu ảnh hưởng của các yếu tố:
Dòng tiền đầu cơ tiếp tục hoạt động sôi động. Dòng tiền đầu cơ tập trung chủ yếu ở các cổ phiếu thuộc nhóm Chứng khoán, Bất động sản, Xây dựng, Khai khoáng , với hàng loạt mã cổ phiếu như HCM, SSI, KLS, VND, AGR, APS, ASM, TDC,ITA IJC, NTL, VHG, HAR, VTO, VIP,... tăng điểm mạnh mẽ.
Bluechip tiếp tục là điểm tựa cho xu hướng tăng điểm của thị trường. Giao dịch ở nhóm cổ phiếu bluechip có phần trầm lắng trong tháng 3 khi đà tăng ở nhóm này không thực sự mạnh mẽ. Tuy vậy, đà tăng dù ít ở nhóm cổ phiếu này tiếp tục là bệ đỡ cho dòng tiền đầu cơ nổi sóng mạnh mẽ trong tháng.
Giao dịch ở nhóm cổ phiếu bluechip trong tháng 3 bị ảnh hưởng không nhỏ từ xu hướng chốt lời gia tăng ở nhóm cổ phiếu này và áp lực bán ròng gia tăng của khối ngoại.
Hoạt động tái cơ cấu danh mục của các quỹ ETF. Hoạt động này tiếp tục thu hút sự chú ý của giới đầu tư trong nước và đã ít nhiều ảnh hưởng lên giao dịch thị trường, đặc biệt là giao dịch các cổ phiếu bluechip trước và sau thời điểm công bố danh mục. Nhưng nhìn chung giao dịch của các quỹ ETF đã không có ảnh hưởng quá mạnh mẽ về mặt chỉ số thị trường.
Hoạt động chốt lời tăng mạnh. Hoạt động chốt lời tăng mạnh về cuối tháng khi thị trường tiến về đỉnh cũ. Trái ngược với đợt chột lời mạnh diễn ra trong tháng 02, áp lực chốt lời đã tăng mạnh và lan rộng trên toàn thị trường, ngay cả các cổ phiếu bluechip cũng bị xả hàng khá mạnh. Bên cạnh đó, việc khối ngoại duy trì xu hướng bán ròng cũng đã ảnh hưởng không nhỏ đến tâm lý của giới đầu tư
Khối ngoại tháo hàng, bán ròng tổng cộng hơn 2,100 tỷ đồng trong tháng 3. Khối ngoại quay đầu bán ròng mạnh trong tháng 3, với giá trị gần 1,640 tỷ đồng trên HOSE và 467 tỷ đồng trên HNX. Như vậy, tổng cộng khối ngoại đã bán ròng đến 2,107 tỷ đồng trên TTCK Việt Nam trong tháng 3.
Lực bán của khối ngoại tập trung vào nhóm cổ phiếu bluechip trên cả hai sàn. Nổi bật nhất đó là HPG, DPR, PVD, DPM, KBC, HAG, BVH, PVS, SHB, VND, KLS... Lực bán mạnh và liên tục đã khiến giới đầu tư tỏ ra thận trọng hơn rất nhiều trong việc mở rộng giao dịch.
Tháng 4/2014: Những nhóm ngành được kỳ vọng
Chúng tôi cho rằng các yếu tố sau đây sẽ chi phối xu hướng của TTCK trong tháng 4/2014.
(1) Kết quả kinh doanh quý 1/2014. Tháng 4, những thông tin liên quan đến kết quả hoạt động của các doanh nghiệp nhiều khả năng sẽ là yếu tố có tác động mạnh và trở thành trụ đỡ của thị trường trong trường hợp xấu. Những ngành có thể sẽ khởi sắc trong quý 1:
(i) Yếu tố mùa vụ Tết âm lịch mang đến cho giới đầu tư sự hy vọng về một kết quả khả quan ở một số ngành như dịch vụ giải trí, thực phẩm đồ uống, vận tải... hay một số nhóm cổ phiếu thường có kết quả tốt vào quý 01 điển hình như cao su.
(ii) Sự chú ý của dòng tiền cũng có thể nhắm vào nhóm cổ phiếu đang có dư nợ vay lớn, với kỳ vọng lãi suất cho vay giảm mạnh trong thời gian qua sẽ giúp giám bớt áp lực chi phí tài chính và cải thiện kết quả hoạt động.
(iii) Nhóm cổ phiếu bluechip cũng sẽ là tâm điểm của thị trường khi đây luôn là nhóm cổ phiếu có sức cạnh tranh và tiềm lực phát triển mạnh.
(iv) Nhóm cổ phiếu Chứng khoán được kỳ vọng sẽ có sự đột biến nhờ diễn biến tích cực của TTCK trong thời gian qua. Bên cạnh đó là xu hướng M&A diễn ra tích cực ở nhóm cổ phiếu này cũng tạo kỳ vọng về giao dịch sôi động.
(2) Nâng room khối ngoại vẫn sẽ là yếu tố được chờ đợi. Những đồn đoán xung quanh việc nâng room sở hữu cho các nhà đầu nước ngoài vẫn đang được thảo luận khá nhiều trên thị trường. Thông tin thảo luận mới nhất là khả năng việc nới room này sẽ thông qua trong tháng 4 này.
Như nhận định trước đây, yếu tố này khó có thể ảnh hưởng mạnh lên thị trường trong ngắn hạn, tuy nhiên về dài hạn thì đây vẫn là yếu tố khá tích cực.
(3) Cú hích từ mùa đại hội cổ đông. Đại hội cổ đông của các công ty đã chính thức bước vào mùa tổ chức và đã phần nào ảnh hưởng lên giao dịch của một số cổ phiếu. Do đó, đây vẫn là thông tin được giới đầu tư chú ý trong tháng 4.
Những yếu tố như chia cổ tức, kế hoạch lợi nhuận năm 2014, chuyển nhượng tài sản, phát hành cổ phiếu cùng một số thương vụ thâu tóm – sáp nhập sẽ là tâm điểm của thị trường.
(4) Lo ngại khi NHNN dự kiến ban hành thông tư mới chỉnh sửa Thông tư 13. Thông tin trên báo chí cho thấy NHNN dự kiến sẽ ban hành một văn bản trong tháng 4 có phạm vi điều chỉnh toàn diện các hoạt động của các ngân hàng thương mại, và thay thế Thông tư 13/2010/TT-NHNN về các tỷ lệ an toàn trong hoạt động của các tổ chức tín dụng.
Điều này khiến giới đầu tư lo ngại những điều chỉnh trong hoạt động của các ngân hàng có thể gây ảnh hưởng tiêu cực tới các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp đang có các khoản vay lớn như bất động sản, vận tải biển…, hay việc cho vay đối với hoạt động đầu tư chứng khoán cũng sẽ bị siết lại.
(5) Khối ngoại đang trở lại mua ròng. Trái ngược với hoạt động xả hàng của giới đầu tư trong nước, khối ngoại đã trở lại gom ròng trong những phiên giao dịch đầu tháng 4. Tuy vẫn chưa tạo được tác động mạnh mẽ lên thị trường nhưng nếu xu hướng này được duy trì thì sẽ là yếu tố có thể tạo bước ngoặt thay đổi xu hướng thị trường bi quan hiện tại.
Phân tích kỹ thuật: VN-Index – Nguy cơ đảo ngược xu hướng đang tăng lên. VN-Index đã bứt phá gần như liên tục trong 2 tuần đầu tháng. Tuy nhiên, trong khoảng 2 tuần cuối tháng 3, đà tăng trưởng mạnh này đã chững lại và các mẫu hình nến đỏ dài xuất hiện ngày càng nhiều hơn cho thấy tâm lý nhà đầu tư đang bi quan và thận trọng trong ngắn hạn.
Xu hướng tăng trưởng ngắn hạn đang có nguy cơ đảo ngược khi mà hai đường +DI, –DI của Directional Movement System liên tục thu hẹp khoảng cách và đã cho tín hiệu bán trong phiên ngày 01/04/2013. Bên cạnh đó, sau khi cho tín hiệu bán mạnh, chỉ báo MACD tiếp tục giảm trong các phiên gần đây nên sự thận trọng và bi quan sẽ càng tăng cao trong thời gian tới.
Một điểm đáng chú ý nữa là thanh khoản đang có xu hướng yếu đi. Khối lượng khớp lệnh trong khoảng 4 – 5 phiên gần đây hầu như đều duy trì bên dưới mức trung bình 20 phiên gần nhất (tương đương 165 triệu đơn vị/phiên).
Nhóm MA dài hạn (tương đương vùng 545 – 575 điểm) chuẩn bị được test lại. Nhóm này sẽ đóng vai trò hỗ trợ mạnh trong thời gian tới. Nếu nhóm này vẫn tiếp tục trụ vững thì xu hướng tăng trưởng dài hạn sẽ được duy trì.
HNX-Index – Chững lại khi test ngưỡng Fibonacci Retracement 423.6%. HNX-Index đã không thể phá vỡ vùng 92 – 94 điểm (tương đương Fibonacci Retracement 423.6%) trong đợt bứt phá vừa qua. Hiện tại HNX-Index đang điều chỉnh mạnh trở lại.
Nếu đà giảm này không dừng lại trong các phiên tới thì nhóm MA ngắn hạn (tương đương vùng 86 – 89 điểm) sẽ bị phá vỡ hoàn toàn. Điều này có thể đánh dấu sự đảo ngược của xu hướng tăng trưởng ngắn hạn.
Nếu kịch bản phá vỡ xảy ra thì khả năng thoái lùi về ngưỡng Fibonacci Retracement 261.8% (tương đương vùng 79 – 80 điểm) là rất lớn khi mà chỉ báo Stochastic Oscillator đã cho bán trở lại và rơi khỏi vùng overbought.
Nguyễn Đức Cường & Nguyễn Quang Minh