Trước mong muốn của Đại tướng Singsuk Singpai, Phó Chủ tịch thứ nhất Thượng viện Thái Lan cùng Đoàn công tác nước bạn, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã chia sẻ về đường lối, chủ trương; cũng như trao đổi kinh nghiệm của Việt Nam trong phòng, chống tham nhũng.
Chiều 28/9, tại Nhà Quốc hội, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã tiếp Đại tướng Singsuk Singpai, Phó Chủ tịch thứ nhất Thượng viện Thái Lan, cùng Đoàn Ủy ban Thường trực Thượng viện về các Tổ chức độc lập theo Hiến pháp Vương quốc Thái Lan đang có chuyến thăm, làm việc để tìm hiểu về công tác phòng, chống và kiểm soát tham nhũng tại Việt Nam.
Tại cuộc tiếp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ hoan nghênh Phó Chủ tịch thứ nhất Thượng viện Thái Lan và Đoàn sang thăm, làm việc tại Việt Nam. Chuyến thăm không chỉ đánh dấu việc trao đổi đoàn trở lại giữa hai nước sau thời gian bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19, mà còn có ý nghĩa quan trọng khi hai nước vừa kỷ niệm 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao và đang chuẩn bị kỷ niệm 10 năm thiết lập quan hệ Đối tác Chiến lược tăng cường vào năm 2023. Trong bối cảnh đó, Chủ tịch Quốc hội tin tưởng, chuyến thăm sẽ góp phần củng cố quan hệ giữa hai Quốc hội, thúc đẩy quan hệ Đối tác Chiến lược tăng cường Việt Nam - Thái Lan.
Chúc mừng những thành công của Thái Lan trong công tác kiểm soát dịch bệnh, triển khai các sáng kiến phát triển kinh tế, du lịch, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, Việt Nam và Thái Lan nói chung, cơ quan lập pháp hai nước nói riêng đã có mối quan hệ rất tốt đẹp, mật thiết và lâu đời. Hợp tác kinh tế giữa hai nước diễn ra sôi động và ngày càng đi vào chiều sâu. Thái Lan hiện là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam trong ASEAN và là nhà đầu tư lớn thứ 2 trong ASEAN.
Phó Chủ tịch thứ nhất Thượng viện Thái Lan Singsuk Singpai cảm ơn Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã dành thời gian tiếp và chia sẻ nhiều thông tin với Đoàn; cho biết các phương tiện thông tin đại chúng của Thái Lan đã đưa rất nhiều tin tức về thành tựu của Việt Nam, trong đó có thành tựu về phòng, chống tham nhũng. Đặc biệt, bối cảnh cả thế giới phải đối mặt với đại dịch Covid-19, kinh tế của đa số các nước đều “dậm chân tại chỗ”, nhưng Việt Nam vẫn đạt tốc độ tăng trưởng GDP cao, duy trì đà tăng trưởng xuất khẩu, cũng như rất thành công trong thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI).
Chia sẻ với Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ về các mục tiêu phát triển của Thái Lan trong thời gian tới, Phó Chủ tịch thứ nhất Thượng viện Thái Lan nhấn mạnh, Thái Lan rất hoan nghênh và mong muốn cả Việt Nam và Thái Lan đều đạt được những mục tiêu phát triển của mình.
Tại cuộc tiếp, Phó Chủ tịch thứ nhất Thượng viện Thái Lan đã trao thư của Chủ tịch Quốc hội Thái Lan mời Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ sang tham dự Diễn đàn Nghị viện châu Á - Thái Bình Dương lần thứ 30 (APPF- 30) tại Thái Lan vào tháng 10 tới.
Chủ tịch Quốc hội cảm ơn Thái Lan đã có thư mời tham dự APPF; khẳng định, Việt Nam hoàn toàn ủng hộ và sẽ hỗ trợ hết sức mình để Thái Lan tổ chức thành công sự kiện quan trọng này. Đồng thời cho biết đã có cuộc hội đàm trực tuyến rất thành công với Chủ tịch Quốc hội Thái Lan Chuan Leekpai vào tháng 8.2021. Qua cuộc hội đàm đã định hình khung khổ để cơ quan lập pháp hai nước tiếp tục tăng cường hợp tác trong thời gian tới.
Thông tin về cơ cấu, tổ chức của Ủy ban Thường trực Thượng viện về các Tổ chức độc lập theo Hiến pháp Vương quốc Thái Lan, Phó Chủ tịch thứ nhất Thượng viện Thái Lan cho biết, Ủy ban này phụ trách 5 tổ chức độc lập, gồm: Ủy ban Phòng, chống tham nhũng; Ủy ban Bầu cử quốc gia; Ủy ban Kiểm toán nhà nước; Thanh tra Chính phủ và Cơ quan Phụ trách vấn đề nhân quyền.
Phó Chủ tịch thứ nhất Thượng viện Thái Lan cho biết, Ủy ban Thường trực Thượng viện về các Tổ chức độc lập theo Hiến pháp Vương quốc Thái Lan đánh giá rất cao hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng của Việt Nam. Cụ thể, năm 2021, chỉ số cảm nhận tham nhũng của Việt Nam theo đánh giá của Tổ chức Minh bạch quốc tế đã tăng 3 điểm (từ 36 điểm năm 2020 lên 39 điểm) và từ xếp hạng thứ 104 đã tăng lên thứ 87 trong 180 nước trên thế giới. Vì thế, trong chuyến thăm lần này, Đoàn rất mong muốn tìm hiểu về đường lối, chủ trương của Việt Nam trong phòng, chống tham nhũng; trao đổi kinh nghiệm về phòng, chống tham nhũng với các cơ quan hữu quan của Việt Nam.
Trao đổi về vấn đề này, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu rõ, Đảng và Nhà nước Việt Nam xác định đây là nhiệm vụ trọng tâm. Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực do đích thân đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đứng đầu. Với vai trò của mình, Quốc hội đã ban hành Luật Phòng, chống tham nhũng để tạo khuôn khổ pháp lý cho công tác này. Tất các các quyết sách của Quốc hội đều chú trọng phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, song hành với thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.
Đặc biệt trong công tác lập pháp, Quốc hội Việt Nam luôn yêu cầu và đặt mục tiêu tạo lập khung khổ pháp lý để "không dám, không thể và không muốn" tham nhũng, tiêu cực. Trong hoạt động giám sát tối cao, chất vấn và trả lời chất vấn, Quốc hội cũng thường xuyên yêu cầu các chức danh do Quốc hội bầu, phê chuẩn phải giải trình trách nhiệm về lĩnh vực phụ trách và công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí. Một đồng chí Phó Chủ tịch Quốc hội cũng trực tiếp tham gia làm Phó trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
Cùng với việc đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, xử lý nghiêm minh cán bộ sai phạm, Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, môi trường đầu tư kinh doanh của Việt Nam tiếp tục phát triển tốt, thu hút ngày càng nhiều nhà đầu tư nước ngoài đến làm ăn, kinh doanh, số lượng doanh nghiệ trong nước thành lập mới ngày càng tăng.
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, Chủ tịch Quốc hội cũng cho rằng, Việt Nam vẫn đang tiếp tục học hỏi kinh nghiệm của các nước để nâng cao hiệu quả đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực song hành với công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Nêu thực tế nhiều khi thiệt hại do lãng phí còn lớn hơn cả thiệt hại do tham nhũng, Chủ tịch Quốc hội chia sẻ, Quốc hội Việt Nam đang tiến hành giám sát tối cao việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong 5 năm qua cả về quản lý, sử dụng các nguồn nhân lực, vật lực, tài lực, cả trong khu vực công và khu vực tư để báo cáo Quốc hội tại Kỳ họp thứ Tư tới. Quốc hội Việt Nam cũng đang tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng các hoạt động lập pháp, giám sát, quyết định các vấn đề quan trọng quốc gia để đóng góp hiệu quả hơn nữa vào công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực và thực hành tiết kiệm chống lãng phí. Theo Chủ tịch Quốc hội, đây là lĩnh vực mà Quốc hội hai nước có thể tăng cường hợp tác trong thời gian tới.
Nhân dịp này, thay mặt Quốc hội Việt Nam, Chủ tịch Quốc hội cảm ơn Thượng viện, Quốc hội Thái Lan đã quan tâm hỗ trợ cộng đồng người Việt tại Thái Lan, tăng cường hợp tác lao động giữa giữa hai nước; đồng thời gửi lời mời Chủ tịch Thượng viện và Chủ tịch Quốc hội Thái Lan sớm sang thăm chính thức Việt Nam.
Phó Chủ tịch thứ nhất Thượng viện Thái Lan và các thành viên Đoàn trân trọng cảm ơn Chủ tịch Quốc hội đã chia sẻ nhiều thông tin về vai trò, vị trí, chức năng, nhiệm vụ của Quốc hội trong hệ thống chính trị và tổ chức bộ máy Nhà nước của Việt Nam, đặc biệt là vai trò của Quốc hội trong công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí. Bày tỏ mong muốn quan hệ hợp tác giữa hai nước và nhân dân hai nước ngày càng phát triển bền vững hơn, Phó Chủ tịch thứ nhất Thượng viện Thái Lan cũng đề nghị hai Nhóm nghị sĩ hữu nghị của Quốc hội/nghị viện hai nước tiếp tục tăng cường các chuyến thăm, gặp gỡ, trao đổi kinh nghiệm hoạt động.