Chủ tịch nước: Xét xử nghiêm minh các vụ án lớn, thu hồi tài sản bị chiếm đoạt

Trọng Bằng| 29/12/2017 14:25
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Chủ động phối hợp chặt chẽ với các cơ quan có liên quan, đẩy nhanh tiến độ điều tra, truy tố, xét xử nghiêm minh các vụ án tham nhũng, kinh tế lớn và thu hồi tài sản của Nhà nước bị chiếm đoạt", Chủ tịch nước nhấn mạnh.

Chủ tịch nước: Xét xử nghiêm minh các vụ án lớn, thu hồi tài sản bị chiếm đoạt

Chủ tịch nước Trần Đại Quang phát biểu tại Hội nghị

Sáng nay (29/12), VKSNDTC đã tổ chức Hội nghị triển khai công tác của ngành KSND năm 2018. Chủ tịch nước Trần Đại Quang, Trưởng ban Chỉ đạo cải cách tư pháp Trung ương tới dự và phát biểu chỉ đạo hội nghị.

Dự hội nghị có: Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, thành viên Thường trực Ban Bí thư, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương Trần Quốc Vượng; Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Nội chính Trung ương Phan Đình Trạc; đại biểu lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương, địa phương.

Năm 2017, tình hình tội phạm vẫn diễn biến phức tạp, cơ quan chức năng đã phát hiện, khởi tố 69.481 vụ án hình sự. Viện Kiểm sát các cấp đã kiểm sát chặt chẽ 100% các quyết định giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố, các vụ án hình sự ngay từ khi khởi tố vụ án và trong suốt quá trình điều tra. Thông qua thực hiện chức năng, nhiệm vụ, Viện Kiểm sát các cấp đã yêu cầu khởi tố 565 vụ; kiểm sát chặt chẽ hồ sơ, trực tiếp lấy lời khai trước khi phê chuẩn các lệnh, quyết định đối với 31.618 người bị tạm giữ; ban hành 56.812 yêu cầu điều tra vụ án. Các trường hợp xảy ra oan, sai giảm đáng kể. Năm 2017, chỉ còn 3 bị cáo tòa án cấp sơ thẩm tuyên không phạm tội có trách nhiệm của Viện Kiểm sát (giảm 70%)…

Thực hiện nghiêm chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, VKSNDTC phối hợp chặt chẽ với Bộ Công an, TANDTC tập trung chỉ đạo điều tra, truy tố, đưa ra xét xử nghiêm minh nhiều vụ tham nhũng, kinh tế lớn, như vụ Hà Văn Thắm, vụ Phạm Công Danh, vụ Giang Kim Đạt... Đẩy mạnh tiến độ điều tra giai đoạn II một số vụ án tham nhũng, kinh tế đặc biệt nghiêm trọng để sớm đưa ra xét xử trong thời gian tới. Kết quả điều tra, truy tố và xét xử các vụ án tham nhũng, kinh tế thời gian qua được dư luận đồng tình ủng hộ, tạo hiệu ứng tích cực trong công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng của Đảng, Nhà nước.

Ngành KSND đã hoàn thành tốt chức năng, nhiệm vụ theo quy định của Hiến pháp và pháp luật, đạt và vượt các chỉ tiêu, nhiệm vụ trong các nghị quyết của Quốc hội. Toàn ngành Kiểm sát tập trung thực hiện nhiều biện pháp nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát việc giải quyết các vụ án hình sự và công tác điều tra tội phạm thuộc thẩm quyền; nâng cao chất lượng công tác kiểm sát các hoạt động tư pháp khác; tập trung triển khai quán triệt và thi hành các đạo luật mới về tư pháp; chú trọng thực hiện công tác xây dựng Đảng, xây dựng ngành.

Phát biểu tại hội nghị, Chủ tịch nước Trần Đại Quang ghi nhận và đánh giá cao những kết quả, thành tích mà ngành KSND đã đạt được trong năm 2017 đã góp phần quan trọng vào cuộc đấu tranh phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật, bảo vệ pháp chế xã hội chủ nghĩa, quyền con người, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức và công dân, giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội, xây dựng nền tư pháp trong sạch, vững mạnh, dân chủ, nghiêm minh, phục vụ thắng lợi sự nghiệp xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội, tăng cường quốc phòng, an ninh và hội nhập quốc tế của đất nước.

Đồng thời, Chủ tịch nước Trần Đại Quang cũng nêu rõ, năm 2018 là năm bản lề, có ý nghĩa quan trọng trong việc đẩy mạnh thực hiện và phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016 - 2020. Đây cũng là năm các cơ quan tư pháp, trong đó có ngành KSND triển khai thi hành các đạo luật mới về tư pháp, các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về cải cách tư pháp, phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật, giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội, góp phần tạo môi trường thuận lợi để phát triển đất nước.

Trên tinh thần đó, Chủ tịch nước đề nghị ngành KSND cần tập trung thực hiện tốt một số nhiệm vụ trọng tâm, sau đây:

Thứ nhất, tiếp tục quán triệt, thực hiện có hiệu quả các chủ trương, đường lối, của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về lĩnh vực tư pháp; chủ động nghiên cứu, đề xuất với Đảng, Nhà nước, cấp ủy, chính quyền các cấp các chủ trương, giải pháp đấu tranh phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật, đặc biệt là tội phạm tham nhũng, chức vụ, tội phạm kinh tế. Tập trung đổi mới các mặt công tác gắn với trách nhiệm của người đứng đầu trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành và thực thi nhiệm vụ. Đề cao tinh thần “thượng tôn pháp luật”, tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa, bảo đảm công lý phải được thực thi, góp phần xây dựng một xã hội trật tự, kỷ cương, văn minh.

Thứ 2, đề cao trách nhiệm, nâng cao chất lượng thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp; thực thi đúng, đầy đủ, hiệu quả nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm theo quy định của Hiến pháp và pháp luật. Tập trung đấu tranh phòng, chống tội phạm, nhất là các loại tội phạm mới. Chủ động phối hợp chặt chẽ với các cơ quan có liên quan, đẩy nhanh tiến độ điều tra, truy tố, xét xử nghiêm minh các vụ án tham nhũng, kinh tế lớn và thu hồi tài sản của Nhà nước bị chiếm đoạt. Nâng cao chất lượng tranh tụng của Kiểm sát viên tại phiên tòa và kiểm sát việc giải quyết các vụ án hành chính, các vụ việc dân sự. Tăng cường năng lực, bảo đảm Cơ quan điều tra Viện KSNDTC thực sự là công cụ hữu hiệu ngăn chặn các hành vi xâm phạm hoạt động tư pháp và tội phạm tham nhũng, chức vụ trong hoạt động tư pháp, đồng thời nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác kiểm sát hoạt động tư pháp, bảo đảm thực hiên nghiêm pháp luật, xử lý đúng người, đúng tội, đúng pháp luật.

Thứ 3, tiếp tục hoàn thiện và thực hiện tốt cơ chế phối hợp chặt chẽ giữa ngành KSND với Ban Nội chính Trung ương, Bộ Công an, TANDTC, Bộ Tư pháp, Thanh tra Chính phủ và các bộ, ban, ngành, địa phương trong đấu tranh phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật và công tác xây dựng thể chế.

Phối hợp với TANDTC nghiên cứu, đề xuất với Đảng, Nhà nước cơ chế, chính sách đặc thù cho các cơ quan tư pháp. Tập trung nghiên cứu, xây dựng các văn bản hướng dẫn thi hành Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi), Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015; tăng cường tập huấn, hướng dẫn thi hành luật, bảo đảm đội ngũ công chức, Kiểm sát viên của Ngành áp dụng đúng quy định pháp luật và nghiệp vụ của Ngành trong thực thi công vụ.

Thứ 4, mở rộng hợp tác quốc tế; đẩy mạnh xây dựng và thực hiện đầy đủ các hiệp định tương trợ tư pháp về hình sự; nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế trong đấu tranh phòng, chống tội phạm, nhất là tội phạm có tổ chức, tội phạm xuyên quốc gia, tội phạm sử dụng công nghệ cao, tội phạm khủng bố, tội phạm ma túy và tội phạm mua bán người.

Thứ 5, chăm lo xây dựng tổ chức Đảng trong sạch, vững mạnh, xây dựng ngành KSND vững mạnh toàn diện, xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức “Công minh, chính trực, khách quan, thận trọng, khiêm tốn” như lời Bác Hồ kính yêu đã dạy. Mỗi cán bộ, công chức, viên chức ngành KSND phải là tấm gương trong việc chấp hành chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, thực sự là chỗ dựa của công lý.

Tiếp tục quán triệt sâu sắc và triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết Hội nghị lần thứ Tư Ban chấp hành Trung ương Đảng (Khóa XII) về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng, ngăn chặn, đầy lùi sự suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ gắn với Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị (Khóa XII) về đẩy mạnh học tập và làm theo tấm gương, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Chủ động sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả theo tinh thần Nghị quyết Hội nghị lần thứ Sáu Ban chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII) “ Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả” và Nghị quyết số 39-NQ/TW của Bộ Chính trị (Khóa XII) về tinh giảm biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chủ tịch nước: Xét xử nghiêm minh các vụ án lớn, thu hồi tài sản bị chiếm đoạt