Ngày 15/3, tại Tehran (Iran), Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã dự và phát biểu khai mạc Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam – Iran do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Cơ quan Xúc tiến đầu tư Iran (TPO) tổ chức.
Tham dự Diễn đàn, về phía Iran có Bộ trưởng Thương mại, Công nghiệp và Mỏ Iran Nematzadeh và hơn 200 doanh nghiệp, tập đoàn hoạt động trong các lĩnh vực như xây dựng, nông nghiệp, cơ khí, năng lượng, sản xuất thực phẩm…. Hơn 30 doanh nghiệp Việt Nam, trong đó có đại diện Tập đoàn Viễn thông quân đội Viettel, Tổng công ty Cổ phần đầu tư quốc tế Viettel, Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam PVN, Tổng Công ty Lương thực miền Bắc (VINAFOOD 1) và miền Nam (VINAFOOD 2)… cùng dự diễn đàn.
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang phát biểu tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam - Iran. Ảnh: TTXVN
Phát biểu tại diễn đàn, Bộ trưởng Công nghiệp Mỏ, Thương Mại Iran nhấn mạnh Việt Nam có mối quan hệ với Iran từ rất sớm, nhưng do ảnh hưởng bởi cấm vận, nên hợp tác thương mại chưa phát huy hết tiềm năng. Chuyến thăm của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cùng đoàn doanh nghiệp tháp tùng đến Tehran được phía Iran đánh giá là kịp thời và đúng lúc, chắc chắn sẽ cải thiện nhiều hơn cơ hội đầu tư kinh doanh của cả hai bên. Iran là quốc gia có số dân hơn 80 triệu, thu nhập trung bình duy trì ở mức khá giàu trên thế giới, giữ được ổn định về chính trị trong khu vực Trung Đông; đang mong muốn đẩy mạnh hợp tác với Việt Nam - quốc gia 90 triệu dân, thành viên Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN). Do vậy, nếu vượt qua được trở ngại về thanh toán và vận tải đang tồn tại, kim ngạch thương mại hai nước sẽ có chuyển biến vượt bậc.
Đánh giá cao những ý kiến nêu ra tại diễn đàn, Chủ tịch nước nhấn mạnh vào những tiềm năng chưa được khai thác hết giữa Việt Nam và Iran trong hợp tác kinh tế, cho rằng hai nước cần phải có sức bật, đòn bẩy mới và quyết tâm chính trị từ lãnh đạo hai nhà nước, đặc biệt từ chính ý chí và hành động của doanh nghiệp. Chủ tịch nước cho biết, trước mắt, bên cạnh việc kết nối nhu cầu hàng hóa, hai bên cần tập trung tìm giải pháp cho các vấn đề tài chính, ngân hàng để hỗ trợ các doanh nghiệp làm ăn buôn bán với các đối tác của mỗi bên.
Chia sẻ những thành tựu quan trọng trong quá trình phát triển kinh tế mà Việt Nam đã đạt được sau 30 năm đổi mới, Chủ tịch mong muốn trong chính sách hướng Đông của Iran, Việt Nam sẽ là điểm đến đầu tiên, đề nghị các bộ ngành, theo dõi đưa ra chính sách, khuyến khích doanh nghiệp Iran đầu tư vào Việt Nam.
Lãnh đạo các bộ ngành, doanh nghiệp của Iran nhất trí sẽ cùng các cơ quan đại diện Việt Nam và các cơ quan hữu quan theo dõi, nghiên cứu và đưa ra các giải pháp ưu đãi cho doanh nghiệp, tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại.
Cũng nhân dịp này, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã chứng kiến lễ ký Ý định thư về hợp tác liên doanh hóa dầu giữa PVN và Tập đoàn Ghadir và Bản ghi nhớ Hợp tác giữa Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và Ngân hàng Trung ương Iran .
Cùng ngày, trong khuôn khổ chuyến thăm cấp nhà nước tới Iran, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã tiếp Chủ tịch Hội Hữu nghị Iran – Việt Nam Kamal Sajjadi.
Tại cuộc tiếp, Chủ tịch nước đã thông báo cho Chủ tịch Hội Hữu nghị Iran – Việt Nam những kết quả nổi bật đạt được trong các cuộc tiếp xúc với các nhà lãnh đạo cấp cao Iran. Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cũng đánh giá cao những nỗ lực của Hội Hữu nghị Iran - Việt Nam và cá nhân Chủ tịch Sajjadi trong việc thúc đẩy quan hệ hợp tác và hữu nghị truyền thống hai nước.
Chủ tịch nước nhấn mạnh: Về chính sách đối ngoại, Việt Nam coi trọng quan hệ hợp tác với Iran. Trong quá khứ hai nước đã từng ủng hộ nhau trong đấu tranh giành độc lập dân tộc, hôm nay lại cùng nhau vươn lên để xây dựng, phát triển đất nước. Những tình cảm quý báu cần phải được duy trì, tiếp nối và củng cố vững chắc hơn, làm nền tảng để thúc đẩy hợp tác trong các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, giáo dục và nhân văn, tương xứng với sự tin cậy cao về chính trị.
Ông Sajjadi cùng các thành viên Hội Hữu nghị thông báo với Chủ tịch nước một số hoạt động của tổ chức gần đây: ký kết Bản ghi nhớ về hợp tác thương mại, văn hóa, xuất bản các ấn phẩm về con người và văn hóa Việt Nam; phát hành bản dịch Truyện Kiều bằng tiếng Iran; tổ chức trao đổi giảng viên, sinh viên giữa các trường đại học, kết nghĩa giữa các địa phương Iran và Việt Nam. Ông Sajjadi bày tỏ tin tưởng, sự thành công của Việt Nam trong quá khứ cũng như hiện tại là một kinh nghiệm quý báu mà Iran mong muốn được chia sẻ. Khẳng định Hội Hữu nghị Iran – Việt Nam sẽ phối hợp tích cực với phía Việt Nam đẩy mạnh các hoạt động giao lưu văn hóa, ông Sajjadi cho biết Hội cũng sẽ cũng nghiên cứu, đề xuất các sáng kiến tư vấn cho doanh nghiệp hai nước tháo gỡ các khó khăn trong giao dịch thương mại, ngân hàng.