Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Giúp dân, học dân để giúp mình thêm liêm khiết, thêm công bằng”

Phương Nam| 09/09/2015 08:25
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Tại Hội nghị Tư pháp toàn quốc tháng 2 năm 1948, Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư và căn dặn: “Các bạn là những người phụ trách thi hành pháp luật. Lẽ tất nhiên các bạn phải nêu cao cái gương “phụng công, thủ pháp, chí công, vô tư” cho nhân dân noi theo”.

Một ngày sau khi đọc Tuyên ngôn độc lập khẳng định quyền con người và quyền của các dân tộc, tại phiên họp đầu tiên của Chính phủ (ngày 3/9/1945), trong 6 nhiệm vụ cấp bách, Chủ tịch Hồ Chí Minh đề ra nhiệm vụ thứ ba là “chúng ta phải có ngay một hiến pháp dân chủ; phải tổ chức càng sớm càng hay cuộc Tổng tuyển cử với chế độ phổ thông đầu phiếu” để sớm có một Nhà nước hợp hiến do nhân dân bầu ra. Ngày 17/9/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh ấn định thể lệ Tổng tuyển cử. Ngày 20/9/1945, Người ký Sắc lệnh số 34/SL thành lập uỷ ban dự thảo hiến pháp của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà để chuẩn bị đệ trình Quốc hội thông qua.

Trước đó, ngày 13/9/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt Chính phủ lâm thời đã ban hành Sắc lệnh số 33-c thiết lập các Tòa án quân sự, tiền thân của hệ thống Tòa án nhân dân hiện nay. Hơn hai tháng sau khi tuyên bố độc lập, ngày 23/11/1945, Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh 64-SL về việc thành lập Ban Thanh tra đặc biệt và một Toà án đặc biệt có nhiệm vụ giám sát và xét xử các sai phạm của các nhân viên từ trong các uỷ ban nhân dân các cấp đến cơ quan cao nhất của chính quyền (các Bộ)...

Như vậy, ngay từ những ngày mới giành được chính quyền (1945), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đặc biệt chú trọng đến công tác Tòa án. Người coi Tòa án là cơ quan trọng tâm của ngành tư pháp, tư pháp là một hệ thống trọng yếu của chính quyền. Khi mới thành lập, ngành Tòa án gặp rất nhiều khó khăn, thiếu thốn. Tuy nhiên, dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, Tòa án nhân dân đã nhanh chóng thực hiện tốt nhiệm vụ xét xử, trừng trị nghiêm khắc các phần tử phản động, dập tắt âm mưu nổi loạn, cướp chính quyền của địch, góp phần cùng các lực lượng khác bảo vệ Đảng, bảo vệ chính quyền, bảo vệ nhân dân.

Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Giúp dân, học dân để giúp mình thêm liêm khiết, thêm công bằng”

Ngay từ những ngày đầu lập nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã rất quan tâm đến công tác Tòa án

Sau Cách mạng Tháng Tám, Chủ tịch Hồ Chí Minh bận trăm công nghìn việc do phải lãnh đạo toàn quốc tiến hành cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp, nhưng Người luôn chăm lo, quan tâm đến mọi hoạt động của Tòa án.

Tháng 2/1948, Hội nghị tư pháp toàn quốc được triệu tập, nhưng Chủ tịch Hồ Chí Minh không đến dự Hội nghị được. Bác đã gửi một bức thư đến Hội nghị, ân cần căn dặn: “Các bạn là những người phụ trách thi hành pháp luật. Lẽ tất nhiên các bạn phải nêu cao gương "Phụng công, thủ pháp, chí công, vô tư" cho nhân dân noi theo”. Đã là người cán bộ Tòa án, thì phải "Phụng công", là phải biết trách nhiệm của mình được Nhà nước và nhân dân giao cho quyền thực thi pháp luật, làm việc để phụng sự đất nước, phụng sự nhân dân. Là người cầm cân nảy mực, cán bộ Tòa án phải "Thủ pháp" là lẽ đương nhiên và cần phải thực thi pháp luật cho rõ ràng, minh bạch, khách quan, cho "Chí công, vô tư" theo đúng quy định của pháp luật; “Chí công” là rất mực công bằng, công tâm; “vô tư” là không được có lòng riêng, thiên tư đối với người, với việc. “Khi làm bất cứ việc gì cũng đừng nghĩ đến mình trước, khi hưởng thụ thì mình nên đi sau”, “lo trước thiên hạ, vui sau thiên hạ”. Muốn chí công vô tư thì phải chiến thắng được chủ nghĩa cá nhân.

Bác coi việc phát triển tư pháp là cơ sở để xã hội phát triển. Người từng nói tư pháp có tốt thì xã hội mới tốt, xã hội tốt người dân mới có được hệ thống pháp luật bảo vệ nhân dân, có được ánh sáng Đảng dìu dắt. Song song với tinh thần kiên quyết đấu tranh xử lý tội phạm, đấu tranh chống những hành vi xâm hại đến danh dự, uy tín của Đảng, của Nhà nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng thể hiện truyền thống khoan dung, nhân đạo của dân tộc. Bác nhắc nhở cán bộ tư pháp về phương châm xử lý cán bộ vi phạm pháp luật: "Không được vì công mà quên lỗi; không được vì lỗi mà quên công".

Trong bài phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị Tư pháp toàn quốc năm 1950, Người nhấn mạnh đến vai trò, ý nghĩa của pháp luật: “… Pháp luật của ta hiện nay bảo vệ quyền lợi cho hàng triệu người lao động…Pháp luật của ta là pháp luật thật sự dân chủ, vì nó bảo vệ quyền tự do, dân chủ rộng rãi cho nhân dân lao động....Người nào sử dụng quyền tự do quá mức của mình mà phạm đến tự do của người khác là phạm pháp”, Người căn dặn: “...Phải cố gắng làm cho luật pháp dân chủ ngày càng nhiều hơn, tốt hơn.…Phải gần dân, hiểu dân, giúp dân, học dân. Giúp dân, học dân để giúp mình thêm liêm khiết, thêm công bằng. Thêm nữa là phải luôn luôn cố gắng học tập lý luận, học tập đường lối chính sách của Chính phủ …”.

Người hết sức quan tâm tới việc xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật, làm cơ sở để mọi người dân và cán bộ tôn trọng, thực hiện. Trong suốt thời gian giữ cương vị Chủ tịch nước, Người đã hai lần đứng đầu Uỷ ban soạn thảo Hiến pháp năm 1946 và năm 1959; đã ký lệnh công bố 16 luật, 613 sắc lệnh và nhiều văn bản dưới luật khác. Chủ tịch Hồ Chí Minh là người có công lớn nhất trong sự nghiệp lập hiến và lập pháp. Nhưng điều quan trọng hơn là Người tập trung chỉ đạo đưa pháp luật vào cuộc sống, làm cho pháp luật có hiệu lực trong thực tế, tạo cơ chế bảo đảm cho pháp luật được thi hành.

Cũng tại Hội nghị này, Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn: “Trong công tác xử án phải công bằng, liêm khiết, trong sạch. Như thế cũng chưa đủ. Không thể chỉ hạn chế hoạt động của mình trong khung Tòa án. Phải “Gần dân, hiểu dân, giúp dân, học dân”. Giúp dân, học dân để giúp mình thêm liêm khiết, thêm công bằng”. Thêm nữa là phải luôn luôn cố gắng học tập lý luận, học tập đường lối, chính sách của Chính phủ. Theo Bác, người cán bộ Tòa án cũng là con người nên không thể tránh được những thiếu sót. Muốn làm tốt công tác xử án thì ngoài phải liêm khiết, trong sạch thì người cán bộ Tòa án phải hiểu được tâm tư, nguyện vọng, khúc mắc của người dân, qua đó sẽ giúp dân, cảm hóa dân và học ở dân những đức tính tốt đẹp, những kinh nghiệm nhằm giúp cho công tác xét xử tốt hơn.

Chủ tịch Hồ Chí Minh là một tấm gương đấu tranh không mệt mỏi chống lại cái ác, cái xấu trong xã hội, trong mỗi con người, chống lại những biểu hiện tiêu cực, nhất là căn bệnh tham ô, lãng phí, quan liêu trong bộ máy tổ chức của Đảng, Nhà nước để các cơ quan Đảng, cơ quan nhà nước thật sự trong sạch, đại diện cho nhân dân.  Hồ Chí Minh có thái độ rõ ràng, công minh trước công và tội của từng cá nhân. Người viết nhiều bài báo giáo dục, cảnh tỉnh cán bộ, Đảng viên không được phép làm “quan cách mạng”, phòng tránh những cám dỗ đời thường để không bị gục ngã trước những “viên đạn bọc đường”. Người đã trực tiếp chỉ đạo xét xử những vụ án lớn; phân tích thấu tình đạt lý những nguyên nhân dẫn đến lỗi lầm của cán bộ, Đảng viên, trong đó có Đảng viên có chức, có quyền. Người chỉ ra hậu quả kinh tế, chính trị, xã hội, đạo đức mà các hành vi phạm tội gây ra, qua đó củng cố niềm tin của nhân dân vào luật pháp, vào sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng và bản chất tốt đẹp của chế độ ta.

Thấm nhuần lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh, trải qua các giai đoạn lịch sử, những quy định về Tòa án nhân dân nhiều lần được cải cách, sửa đổi đã dần hoàn thiện và nâng cao vị trí, vai trò của Tòa án nhân dân. Trong quá trình 70 năm xây dựng và phát triển, hệ thống Tòa án nhân dân đã có những đóng góp to lớn vào sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, bảo vệ Đảng, bảo vệ chế độ và cuộc sống bình yên của nhân dân. Thông qua hoạt động xét xử, Tòa án nhân dân đã góp phần đấu tranh phòng, chống tội phạm, giữ gìn an ninh chính trị, trật tự và an toàn xã hội, bảo vệ công lý, tuyên truyền phổ biến pháp luật cho nhân dân; xứng đáng với niềm tin của Chủ tịch Hồ Chí Minh, của Đảng, Nhà nước và nhân dân.

Trong suốt chiều dài hình thành và phát triển, hệ thống Tòa án nhân dân luôn nhận được sự quan tâm, định hướng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, của Đảng, của nhân dân; những lời dạy của Bác đối với Tòa án nhân dân đến ngày nay vẫn còn nguyên giá trị lý luận, thực tiễn, luôn có tính thời sự và đã trở thành những tư tưởng chỉ đạo mang ý nghĩa chiến lược cho hoạt động của hệ thống Tòa án nhân dân.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Giúp dân, học dân để giúp mình thêm liêm khiết, thêm công bằng”