Chủ động, tích cực hơn nữa, góp phần hoàn thiện thể chế, luật pháp

Phạm Kha| 07/01/2016 18:12
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Ngày 7/1, tại tỉnh Lâm Đồng, Ủy ban Pháp luật của Quốc hội đã tổng kết nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII (2011 – 2016). Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu dự và phát biểu chỉ đạo.

Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đánh giá cao kết quả hoạt động của Ủy ban Pháp luật của Quốc hội trong nhiệm kỳ qua; đồng thời yêu cầu Ủy ban Pháp luật của Quốc hội tiếp tục phát huy vai trò, đóng góp quan trọng vào việc hoàn thiện thể chế, hoàn thiện hệ thống pháp luật, đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước và hội nhập quốc tế. 

Chủ động, tích cực hơn nữa, góp phần hoàn thiện thể chế, luật pháp

Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu phát biểu tại phiên họp. Ảnh: TTXVN

Phó Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh: Từ nay đến năm 2020, Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cần tập trung làm tốt vai trò, chức trách, nhiệm vụ được giao, chủ động, tích cực giúp Quốc hội trong việc hoàn thiện hệ thống pháp luật, hoàn thiện thể chế - một trong ba đột phá chiến lược. Năm 2016 và nhiệm kỳ tới, Ủy ban Pháp luật của Quốc hội phải xác định rõ những dự án luật nào cần đưa vào chương trình công tác, để thể chế hóa Nghị quyết Đại hội XII của Đảng và cụ thể hóa nội dung, tinh thần Hiến pháp 2013. Để phục vụ cuộc bầu cử sắp tới, Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cần hỗ trợ ban hành các văn bản, quy định ngay trong tháng Một này. 

Nhiệm kỳ vừa qua, Ủy ban Pháp luật của Quốc hội đã hoàn thành khối lượng công việc rất lớn. Cụ thể, Ủy ban đã góp phần soạn thảo, sửa đổi Hiến pháp; chủ trì thẩm tra 66 dự án luật, pháp lệnh, nghị quyết; chủ trì chỉnh lý, hoàn thiện 37 dự án luật, pháp lệnh, nghị quyết; tham gia thẩm tra, chỉnh lý, hoàn thiện 90 dự án luật, pháp lệnh, nghị quyết khác… Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cũng đã phối hợp, hợp tác, học tập kinh nghiệm của nghị viện các nước; rút kinh nghiệm để thẩm tra, chỉnh lý, hoàn thiện nhiều dự án luật quan trọng khi Việt Nam tham gia các cộng đồng kinh tế, khu vực kinh tế trên thế giới. 

Ủy ban Pháp luật của Quốc hội đã triển khai có hiệu quả chương trình xây dựng pháp luật, công tác giám sát, xuất phát từ yêu cầu phát triển kinh tế, xã hội của đất nước, đảm bảo tính khả thi, góp phần triển khai thi hành Hiến pháp và pháp luật vào cuộc sống. 

Các thành viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội khóa XIII cũng đã chỉ rõ những tồn tại, những phần việc chưa triển khai được hay còn hạn chế trong nhiệm kỳ vừa qua. Nhiều ý kiến cho rằng, trong quá trình xây dựng các dự án luật, pháp lệnh... các Ủy ban của Quốc hội còn phụ thuộc vào các bộ, ngành, dẫn đến nhiều hạn chế. Các ý kiến cho rằng cần chú trọng xây dựng bộ máy cho các Ủy ban của Quốc hội; nâng cao tỷ lệ cán bộ chuyên trách; nên có thành viên chuyên trách tại các địa phương để hoạt động của các Ủy ban của Quốc hội nói chung và Ủy ban Pháp luật của Quốc hội nói riêng, đạt được hiệu quả cao hơn.

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chủ động, tích cực hơn nữa, góp phần hoàn thiện thể chế, luật pháp