Sau 7 ngày làm việc khẩn trương, nghiêm túc, dân chủ và trách nhiệm, sáng nay (11/10), Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng Khóa XII đã hoàn thành toàn bộ nội dung chương trình đề ra.
Tạo chuyển biến trong thực hiện 3 đột phá chiến lược
Liên quan phát triển kinh tế-xã hội, Ban Chấp hành Trung ương xác định, năm 2018, cần tiếp tục bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, nâng cao chất lượng tăng trưởng, cải thiện đời sống nhân dân, bảo đảm an sinh xã hội và phúc lợi xã hội. Tạo chuyển biến rõ rệt trong việc thực hiện ba đột phá chiến lược, đổi mới mô hình tăng trưởng gắn với cơ cấu lại nền kinh tế, nâng cao năng suất lao động và sức cạnh tranh của nền kinh tế. Phát triển văn hóa, thực hành dân chủ và công bằng xã hội. Ứng phó có hiệu quả với biến đổi khí hậu, chủ động phòng, chống thiên tai, tăng cường quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm. Đẩy mạnh cải cách hành chính, sắp xếp tổ chức bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Tiếp tục đẩy mạnh cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí; bảo đảm quốc phòng, an ninh quốc gia; giữ vững môi trường hòa bình, ổn định; chủ động, tích cực hội nhập quốc tế.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu tại lễ bế mạc Hội nghị
Để có thể hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh, cần tiếp tục phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân, tinh thần năng động, sáng tạo, quyết liệt trong lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện. Tập trung ưu tiên xây dựng, hoàn thiện thể chế, tăng cường kỷ cương, kỷ luật để cải thiện mạnh mẽ hơn môi trường đầu tư kinh doanh. Đẩy mạnh cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước, các đơn vị sự nghiệp công lập; phát triển kinh tế tư nhân thực sự trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế.
Đổi mới mạnh mẽ việc chăm sóc, nâng cao sức khoẻ nhân dân
Ban Chấp hành Trung ương khẳng định bảo vệ, chăm sóc, nâng cao sức khỏe là trách nhiệm của mỗi người dân, từng gia đình, cả hệ thống chính trị và toàn xã hội; đòi hỏi sự tham gia tích cực của các cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị-xã hội, trong đó ngành y tế và các ngành có liên quan là lực lượng nòng cốt. Cần phát huy vai trò chủ đạo của các bệnh viện và cơ sở y tế công lập trong việc tổ chức cung cấp dịch vụ y tế, bảo đảm các dịch vụ cơ bản cho đông đảo nhân dân, đồng thời khuyến khích cung cấp dịch vụ theo yêu cầu. Tập trung ưu tiên đầu tư từ ngân sách và có cơ chế, chính sách phù hợp huy động, sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực xã hội để phát triển y tế và các dịch vụ liên quan đến bảo vệ, chăm sóc, nâng cao sức khỏe nhân dân...
Ban Chấp hành Trung ương thống nhất cần tiếp tục đẩy mạnh đổi mới, nâng cao chất lượng phục vụ, phát triển nền y học Việt Nam khoa học, dân tộc, đại chúng; xây dựng nền y tế công bằng, hiệu quả, chất lượng và hội nhập. Phát triển cân đối, đồng bộ giữa y tế phổ cập và y tế chuyên sâu, giữa dân y và quân y, gắn kết y học cổ truyền với y học hiện đại. Thực hiện phòng bệnh hơn chữa bệnh; y tế dự phòng là then chốt; y tế cơ sở thực sự là nền tảng. Đổi mới mạnh mẽ, nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống các cơ sở y tế hiện có của Nhà nước, bao gồm cả dân, quân y, gắn với khuyến khích hợp tác công - tư, phát triển lành mạnh y tế ngoài công lập...
Chuyển từ kế hoạch hóa gia đình sang dân số và phát triển
Ban Chấp hành Trung ương khẳng định chuyển trọng tâm chính sách dân số từ kế hoạch hóa gia đình sang dân số và phát triển; chú trọng toàn diện các mặt quy mô, cơ cấu, phân bố, chất lượng dân số và đặt trong mối quan hệ gắn bó hữu cơ với phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh quốc gia. Coi công tác dân số và phát triển là nhiệm vụ của toàn dân; đầu tư cho công tác dân số là đầu tư cho phát triển bền vững; Nhà nước ưu tiên bố trí ngân sách, đồng thời đẩy mạnh xã hội hóa; tranh thủ sự hợp tác, hỗ trợ của quốc tế, bảo đảm nguồn lực cho công tác dân số.
Đẩy mạnh cuộc vận động mỗi cặp vợ chồng nên có hai con, bảo đảm quyền và trách nhiệm trong việc sinh và nuôi dạy con tốt để duy trì mức sinh thay thế trên phạm vi cả nước với quy mô dân số hợp lý (khoảng 104 triệu người vào năm 2030). Tập trung ưu tiên vận động sinh ít con hơn ở vùng có mức sinh cao; duy trì kết quả ở những nơi đã đạt mức sinh thay thế; sinh đủ 2 con ở những nơi có mức sinh thấp. Ngăn ngừa tư tưởng, tâm lý không hạn chế số lần sinh con. Hoàn thiện luật pháp, cơ chế, chính sách; phát triển mạng lưới và nâng cao chất lượng dịch vụ về dân số. Kiện toàn tổ chức bộ máy, nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ dân số, đáp ứng yêu cầu của thời kỳ mới.
Tinh gọn bộ máy, nâng cao hiệu quả hoạt động
Ban Chấp hành Trung ương đặc biệt nhấn mạnh ý nghĩa, tầm quan trọng của vấn đề này và yêu cầu trong thời gian tới, toàn hệ thống chính trị phải chủ động, tích cực vào cuộc, coi đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả là một nhiệm vụ cơ bản và cấp bách, có ý nghĩa quan trọng hàng đầu, được đặt trong tổng thể nhiệm vụ xây dựng, chỉnh đốn Đảng, đổi mới hệ thống chính trị đồng bộ với đổi mới kinh tế, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế.
Theo đó, cần khẩn trương nghiên cứu, xây dựng mô hình tổ chức tổng thể của hệ thống chính trị phù hợp với yêu cầu, điều kiện cụ thể của nước ta trong giai đoạn mới; trên cơ sở đó xác định những công việc cần thiết và có thể triển khai thực hiện ngay. Rà soát, quy định chặt chẽ hơn về biên chế, số lượng cán bộ, công chức, viên chức; chú ý quy định số lượng cấp phó tối đa của mỗi tổ chức phù hợp với đặc điểm của từng cấp, từng ngành, từng địa phương; có chính sách phù hợp để giảm phạm vi, đối tượng bổ nhiệm cấp "hàm".
Xây dựng cơ chế cạnh tranh, công khai, minh bạch trong tuyển dụng, bổ nhiệm, đề bạt cán bộ để thu hút người thực sự có đức, có tài vào làm việc trong các tổ chức của hệ thống chính trị. Rà soát, sắp xếp, kiện toàn, tinh gọn các đầu mối bên trong của các tổ chức thuộc hệ thống chính trị theo nguyên tắc một tổ chức có thể đảm nhiệm nhiều việc; một việc chỉ do một tổ chức chủ trì và chịu trách nhiệm chính, gắn với việc cơ cấu lại và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ công chức, viên chức; giảm tỷ lệ người phục vụ, nhất là khối văn phòng. Tăng cường phân cấp, phân quyền hợp lý giữa cấp trên với cấp dưới, giữa Trung ương và địa phương...
Nâng cao chất lượng dịch vụ sự nghiệp công
Ban Chấp hành Trung ương đặc biệt nhấn mạnh sự cần thiết, cấp bách phải đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng dịch vụ và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập; coi đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm ưu tiên hàng đầu trong thời gian tới. Nhà nước phải chăm lo bảo đảm cung cấp dịch vụ sự nghiệp công cơ bản, thiết yếu; nâng cao khả năng tiếp cận dịch vụ sự nghiệp công cho mọi tầng lớp nhân dân trên cơ sở tăng cường đầu tư từ ngân sách nhà nước; giữ vững, phát huy tốt hơn nữa vai trò chủ đạo, vị trí then chốt, bản chất tốt đẹp, ưu việt, hoạt động không vì mục tiêu lợi nhuận của các đơn vị sự nghiệp công lập. Đẩy mạnh xã hội hóa, nhất là trong các ngành, lĩnh vực mà khu vực ngoài công lập làm được và làm tốt; huy động và sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực cho đầu tư phát triển lành mạnh thị trường dịch vụ sự nghiệp công; bảo đảm công bằng, bình đẳng giữa các đơn vị sự nghiệp công lập và ngoài công lập.
Khẩn trương nghiên cứu sửa đổi, bổ sung pháp luật về công chức, viên chức; rà soát, hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan để khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi cho việc tinh giản biên chế; đẩy mạnh việc phân cấp, giao quyền tự chủ cho các đơn vị sự nghiệp công lập theo hướng phân định rõ việc quản lý nhà nước với quản trị đơn vị sự nghiệp công lập và việc cung ứng dịch vụ sự nghiệp công. Giảm mạnh sự can thiệp hành chính của cơ quan chủ quản vào hoạt động chuyên môn, nghiệp vụ của đơn vị sự nghiệp công lập; từng bước tiến tới xóa bỏ "chủ quản" theo cơ chế cũ...
Bế mạc Hội nghị, Tổng Bí thư đã kêu gọi toàn Đảng, toàn dân và toàn quân tiếp tục triển khai thực hiện nghiêm túc hơn, bài bản hơn, có hiệu quả cao hơn Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, các nghị quyết Trung ương khóa XII và đặc biệt là các nghị quyết, kết luận của Hội nghị Trung ương lần này, để phát huy những kết quả, thành tựu đã đạt được, khắc phục những hạn chế, yếu kém còn tồn tại, hoàn thành thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ trước mắt đề ra cho năm 2017-2018 và các năm tiếp theo.