Chính sách hình sự của Nhà nước đối với người chưa thành niên phạm tội

Trần Quang Huy| 01/08/2014 08:28
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Xuất phát từ đặc điểm tâm sinh lý của người chưa thành niên (NCTN), niềm tin vào khả năng cải tạo, giáo dục NCTN phạm tội, nên chính sách nhân đạo của Đảng, Nhà nước luôn mong muốn giúp họ tích cực cải tạo, sửa chữa sai lầm, trở thành người có ích...

Đây là nguyên tắc mang tính chỉ đạo, thể hiện chính sách hình sự của Đảng và Nhà nước ta trong quá trình xử lý người chưa thành niên phạm tội.

Người chưa thành niên và xác định tuổi người chưa thành niên

Người chưa thành niên là người đang trong quá trình phát triển và hoàn thiện về thể chất, tâm sinh lý, nhân cách sống. Người ở độ tuổi này chưa phát triển đầy đủ, toàn diện về thể lực, trí tuệ, tinh thần, nhân cách; có sự hạn chế về kinh nghiệm sống, kiến thức pháp luật, dễ bị tác động, chi phối bởi điều kiện sống; chưa thể nhận thức đầy đủ tính chất nguy hiểm cho xã hội của hành vi mà mình thực hiện, khả năng tự kiềm chế chưa tốt. Trong tư duy của người ở độ tuổi này bắt đầu hình thành ý thức độc lập trong việc quyết định cuộc sống riêng của mình, bắt đầu tự độc lập trong hành động, suy nghĩ, ứng xử và thiết lập các mối quan hệ riêng biệt, dễ bị người khác kích động, dụ dỗ, lôi kéo vào việc thực hiện những hành vi trái pháp luật.

Hiện nay, kể cả luật pháp quốc tế và luật pháp Việt Nam chưa đưa ra một khái niệm cụ thể về người chưa thành niên. Trong nhiều văn bản pháp luật quốc tế về người chưa thành niên và quyền trẻ em cũng như các văn bản pháp luật Việt Nam như: Quy tắc của Liên hợp quốc về bảo vệ người chưa thành niên, Công ước Quốc tế về quyền trẻ em năm 1999, Quy tắc Bắc Kinh năm 1985, Hướng dẫn Riat năm 1990, Bộ luật Dân sự năm 2005 (Điều 18), Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em năm 2004... đều chỉ quy định, định nghĩa người chưa thành niên theo độ tuổi, cụ thể: “Người chưa thành niên là những người dưới 18 tuổi”; tại các văn bản này, khái niệm người chưa thành niên bao gồm cả khái niệm trẻ em. Về nguyên tắc xác định tuổi người chưa thành niên, căn cứ vào Thông tư số 01/2011/TTLT ngày 12/7/2011 của TANDTC, VKSNDTC, Bộ Công an, Bộ Tư pháp, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội thì tuổi của bị cáo là người chưa thành niên do cơ quan tiến hành tố tụng xác định theo quy định của pháp luật.

Chính sách hình sự đối với người chưa thành niên phạm tội

Điều 12 BLHS quy định: “1. Người từ đủ 16 tuổi trở lên phải chịu trách nhiệm hình sự về mọi tội phạm; 2. Người từ đủ 14 tuổi trở lên, nhưng chưa đủ 16 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm rất nghiêm trọng do cố ý hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng”. Điều 68 BLHS quy định: Người chưa thành niên từ đủ 14 tuổi đến dưới 18 tuổi phạm tội phải chịu trách nhiệm hình sự. Như vậy, người chưa thành niên phạm tội là người từ đủ 14 tuổi trở lên, nhưng chưa đủ 18 tuổi thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội là tội phạm được quy định trong BLHS.

Xuất phát từ đặc điểm tâm sinh lý của người chưa thành niên, trên cơ sở niềm tin vào khả năng cải tạo, giáo dục người chưa thành niên phạm tội, nên chính sách nhân đạo của Đảng, Nhà nước luôn mong muốn giúp họ tích cực cải tạo, sửa chữa sai lầm để trở thành người có ích cho xã hội. Chính sách đó được thể hiện rõ nét và tập trung nhất tại Điều 69 BLHS, trong mọi trường hợp điều tra, truy tố, xét xử hành vi phạm tội của người chưa thành niên, các cơ quan nhà nước có thẩm quyền phải xác định khả năng nhận thức của họ về tính chất nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội, nguyên nhân và điều kiện gây ra tội phạm. Đây là nguyên tắc mang tính chỉ đạo, thể hiện chính sách hình sự của Đảng và Nhà nước ta trong quá trình xử lý người chưa thành niên phạm tội.

Chính sách hình sự của Nhà nước đối với người chưa thành niên phạm tội

Ảnh minh họa

Người chưa thành niên phạm tội có thể được miễn trách nhiệm hình sự, nếu người đó phạm tội ít nghiêm trọng hoặc tội nghiêm trọng, gây hại không lớn, có nhiều tình tiết giảm nhẹ và được gia đình hoặc cơ quan, tổ chức nhận giám sát, giáo dục. Việc Nhà nước quy định nguyên tắc người chưa thành niên có thể được miễn trách nhiệm hình sự khi có đủ những điều kiện luật định càng thể hiện chính sách nhân đạo, khoan hồng của Nhà nước ta, đồng thời thể hiện rõ nét đường lối xử lý về hình sự, đó là: Bảo đảm sự kết hợp hài hòa giữa các biện pháp cưỡng chế hình sự nghiêm khắc nhất của Nhà nước với các biện pháp tác động xã hội khác để cải tạo, giáo dục người phạm tội, bằng cách đó hạn chế áp dụng các biện pháp mang tính trấn áp (trừng trị) về mặt hình sự.

Việc truy cứu trách nhiệm hình sự người chưa thành niên phạm tội và áp dụng hình phạt đối với họ được thực hiện chỉ trong trường hợp cần thiết và phải căn cứ vào tính chất của hành vi phạm tội, vào những đặc điểm về nhân thân và yêu cầu của việc phòng ngừa tội phạm. Đây là quy định phù hợp với pháp luật quốc tế về nguyên tắc xử lý đối với người chưa thành niên phạm tội. Theo nguyên tắc này thì không phải mọi trường hợp người chưa thành niên phạm tội đều bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Việc truy cứu trách nhiệm hình sự chỉ được đặt ra khi nó thật sự cần thiết và xuất phát từ yêu cầu phòng ngừa tội phạm. Ngay kể cả khi người chưa thành niên phạm tội và bị truy cứu trách nhiệm hình sự thì họ vẫn có khả năng không bị áp dụng hình phạt.

Về hình phạt áp dụng đối với người chưa thành niên phạm tội, Nhà nước có chính sách: Không xử phạt tù chung thân hoặc tử hình đối với người chưa thành niên phạm tội, vì người chưa thành niên là người chưa phát triển đầy đủ về thể chất và tâm sinh lý, do đó hành vi phạm tội của họ được cho là một phần do môi trường sống, ảnh hưởng từ môi trường sống; không phải lỗi hoàn toàn do bản thân người chưa thành niên. Khi áp dụng hình phạt đối với người chưa thành niên phạm tội, Tòa án hạn chế áp dụng hình phạt tù. Khi xử phạt tù có thời hạn, Tòa án cho người chưa thành niên phạm tội được hưởng mức án nhẹ hơn mức án áp dụng đối với người đã thành niên phạm tội tương ứng. Không áp dụng hình phạt tiền đối với người chưa thành niên phạm tội ở độ tuổi từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi. Không áp dụng hình phạt bổ sung đối với người chưa thành niên phạm tội.

Ngoài ra, để tạo điều kiện cho người chưa thành niên có thể tái hòa nhập cộng đồng, phát triển lành mạnh về thể chất và tinh thần, cũng như tránh những mặc cảm tội lỗi của bản thân người chưa thành niên và cái nhìn thiếu thiện cảm, dị nghị của xã hội, Nhà nước quy định: Án đã tuyên đối với người chưa thành niên phạm tội khi chưa đủ 16 tuổi thì không tính để xác định tái phạm hoặc tái phạm nguy hiểm. 

(Kỳ sau: Quy định của pháp luật về xét xử đối với người chưa thành niên phạm tội)

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chính sách hình sự của Nhà nước đối với người chưa thành niên phạm tội