Chính phủ yêu cầu NHNN theo dõi sát diễn biến thị trường tài chính, tiền tệ trong nước và quốc tế, điều hành chính sách tiền tệ, tín dụng chủ động, linh hoạt, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa, ổn định mặt bằng lãi suất, giảm lãi suất cho vay
Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 4/2016 nêu rõ: Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cần theo dõi sát diễn biến thị trường tài chính, tiền tệ trong nước và quốc tế, điều hành chính sách tiền tệ, tín dụng chủ động, linh hoạt, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa, ổn định mặt bằng lãi suất, giảm lãi suất cho vay. Quản lý, giám sát các ngân hàng thương mại yếu kém. Tập trung tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, nhất là nông nghiệp, doanh nghiệp vừa và nhỏ, doanh nghiệp khoa học công nghệ... gắn với nâng cao chất lượng tín dụng.
Bên cạnh đó, đánh giá tình hình tái cơ cấu các tổ chức tín dụng và xử lý nợ xấu giai đoạn 2011 - 2015; xây dựng Đề án tái cơ cấu các tổ chức tín dụng và xử lý nợ xấu giai đoạn 2016 - 2020, trong đó chú trọng đẩy mạnh xử lý thực chất nợ xấu qua Công ty quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC). Rà soát, sửa đổi Thông tư số 36/2014/TT-NHNN ngày 20/11/2014 quy định các giới hạn, tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài phù hợp với điều kiện thực tế.
Chính phủ yêu cầu NHNN ổn định mặt bằng lãi suất, giảm lãi suất cho vay. Ảnh minh họa
Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan, địa phương rà soát, đánh giá hiệu quả đầu tư kết cấu hạ tầng theo hình thức BOT, hoàn thiện cơ chế, chính sách đầu tư theo hình thức công - tư (PPP), đề xuất giải pháp phù hợp. Tăng cường quản lý và nâng cao hiệu quả sử dụng vốn ODA. Chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính nghiên cứu, đề xuất phương án bảo đảm vốn đối ứng cho các dự án ODA đã cam kết trong kế hoạch đầu tư công trung hạn, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Bộ Tài chính thực hiện chính sách tài khóa chủ động, chặt chẽ. Chủ trì, phối hợp với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam xác định khối lượng phát hành, thời điểm và lãi suất trái phiếu Chính phủ, bảo đảm cân đối vĩ mô và an toàn nợ công. Tập trung chỉ đạo công tác thu ngân sách nhà nước, mở rộng cơ sở thuế, tăng cường thanh tra, kiểm tra, chống thất thu, chống chuyển giá, giảm nợ đọng thuế. Triệt để tiết kiệm chi thường xuyên. Cơ cấu lại chi ngân sách gắn với đẩy mạnh xã hội hóa các đơn vị sự nghiệp công lập. Tăng cường quản lý, sử dụng hiệu quả nợ công, bảo đảm trong giới hạn cho phép...
Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan, địa phương liên quan tăng cường xúc tiến thương mại, tìm kiếm và mở rộng thị trường xuất khẩu, nhất là các mặt hàng nông sản; tranh thủ tối đa cơ hội mở rộng xuất khẩu vào các thị trường mà Việt Nam đã ký kết Hiệp định thương mại tự do; thực hiện các giải pháp đẩy mạnh xuất khẩu các mặt hàng có khả năng cạnh tranh, thị trường ổn định...