Chế định giám định tư pháp trong tố tụng hình sự

Nam Phương| 16/08/2018 09:37
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Nhằm tháo gỡ những vướng mắc trong thực tiễn điều tra, truy tố, xét xử, Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung 2017 (BLTTHS 2015) đã có những điều chỉnh quan trọng về giám định tư pháp.

Quy định cụ thể về thời hạn giám định

Theo Điều 25 Luật Giám định tư pháp năm 2012 thì quyết định trưng cầu giám định phải có các nội dung sau: tên cơ quan trưng cầu giám định; họ, tên người có thẩm quyền trưng cầu giám định; tên tổ chức; họ, tên người được trưng cầu giám định; tên và đặc điểm của đối tượng cần giám định; tên tài liệu có liên quan hoặc mẫu so sánh gửi kèm theo (nếu có); nội dung yêu cầu giám định; ngày, tháng, năm trưng cầu giám định, thời hạn giám định. Tuy nhiên các vấn đề trên, đặc biệt về thời hạn giám định không được  BLTTHS 2003 quy định cụ thể nên trong thực tế có rất nhiều trường hợp do các nguyên nhân khách quan và chủ quan khác nhau mà các cơ quan, tổ chức giám định không có kết luận giám định hoặc thời gian có kết luận giám định kéo dài. Thậm chí hết thời gian điều tra, quá thời gian phải xem xét việc khởi tố theo luật định nhưng vẫn chưa có kết quả giám định, dẫn đến việc cơ quan tố tụng không thể ban hành các quyết định tố tụng tiếp theo để giải quyết vụ án, nhiều trường hợp phải tạm đình chỉ điều tra chờ kết quả giám định.  

BLTTHS 2015 đã có những quy định rất cụ thể về thời hạn giám định cho từng trường hợp trưng cầu giám định như sau: đối với trưng cầu giám định về tình trạng tâm thần của người bị buộc tội khi có sự nghi ngờ về năng lực trách nhiệm hình sự của họ; tình trạng tâm thần của người làm chứng hoặc người bị hại khi có sự nghi ngờ về khả năng nhận thức, khả năng khai báo đúng đắn về tình tiết của vụ án thì thời hạn giám định là không quá 03 tháng. Đối với trường hợp giám định về nguyên nhân chết người và mức độ ô nhiễm môi trường thì thời hạn giám định là không quá 01 tháng; thời hạn giám định không quá 09 ngày đối với trường hợp giám định về tuổi của bị can, bị cáo, bị hại nếu việc đó có ý nghĩa đối với việc giải quyết vụ án và không còn tài liệu để xác định chính xác tuổi của họ hoặc nghi ngờ về tính xác thực của những tài liệu đó; giám định về tính chất thương tích, mức độ tổn hại sức khỏe hoặc khả năng lao động, giám định về chất ma túy, vũ khí quân dụng, vật liệu nổ, chất cháy, chất độc, chất phóng xạ, tiền giả, vàng, kim khí quý, đá quý, đồ cổ và thời hạn giám định đối với các trường hợp không bắt buộc trưng cầu giám định thực hiện theo quyết định trưng cầu giám định.

Chế định giám định tư pháp trong tố tụng hình sự

Ảnh minh họa


Thẩm quyền ra quyết định trưng cầu giám định

Theo quy định của BLTTHS 2003 thì trong giai đoạn tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố và giai đoạn khởi tố, điều tra vụ án hình sự chỉ có Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng cơ quan điều tra và Viện trưởng, Phó Viện trưởng Viện kiểm sát mới có quyền quyết định trưng cầu giám định. Trong khi tại Điều 104, Điều 111 BLTTHS 2003 còn trao cho các cơ quan thuộc Bộ đội Biên phòng, Hải quan, Kiểm lâm, Cảnh sát biển và các cơ quan khác của Công an nhân dân, Quân đội nhân dân được giao tiến hành một số hoạt động điều tra được quyền khởi tố vụ án, thực hiện các hoạt động điều tra ban đầu trong một số trường hợp nhưng không quy định cho các đối tượng này có quyền quyết định trưng cầu giám định là chưa phù hợp và gây khó khăn vướng mắc trong quá trình thực hiện. Khắc phục sự chưa hợp lý này BLTTHS 2015 đã trao quyền quyết định việc trưng cầu giám định cho Thủ trưởng cơ quan điều tra, Phó Thủ trưởng cơ quan điều tra khi được phân công tiến hành việc khởi tố, điều tra vụ án hình sự; Viện trưởng Viện kiểm sát hoặc Phó Viện trưởng Viện kiểm sát khi được phân công thực hành quyền công tố và kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong hoạt động tố tụng và Thẩm phán chủ tọa phiên tòa. Ngoài ra, khi tiến hành tố tụng hình sự đối với tội phạm ít nghiêm trọng trong trường hợp phạm tội quả tang, chứng cứ và lý lịch người phạm tội rõ ràng, thì cấp trưởng, cấp phó của các cơ quan của Bộ đội biên phòng, Hải quan, Kiểm lâm, lực lượng Cảnh sát biển, Kiểm ngư được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra cũng có thẩm quyền trưng cầu giám định tư pháp .

 Quy định về việc cưỡng chế giám định

BLTTHS năm 2003 chỉ mới quy định các trường hợp bắt buộc phải trưng cầu giám định nhưng lại không có quy định nào về việc cưỡng chế giám định, dẫn đến khó khăn trong giải quyết khi phát sinh trường hợp người bị hại hoặc thân nhân của họ từ chối việc giám định, từ chối việc cung cấp các thông tin, tài liệu có liên quan đến đối tượng giám định dẫn đến tình trạng các cá nhân, cơ quan, tổ chức giám định không thể đưa ra được kết luận giám định theo quyết định trưng cầu của cơ quan có thẩm quyền. Đặc biệt, đối với các tội mà kết luận giám định là nguồn chứng cứ trực tiếp để xem xét có khởi tố vụ án hay không (vụ án về vi phạm về an toàn giao thông, vụ án cố ý gây thương tích...). Với các vụ án này người bị hại có thể vì nhiêu nguyên nhân như có quan hệ họ hàng, thân thuộc với đối tượng gây án hoặc có thể bị đe dọa, mua chuộc dẫn đến người bị hại từ chối giám định, không hợp tác với cơ quan điều tra mà tự thỏa thuận bồi thường, bị hại viết đơn từ chối giám định thương tích hoặc kéo dài thời gian đi giám định thương tích, gây khó khăn cho việc xử lý của cơ quan điều tra.

Với quy định khi người bị hại từ chối giám định theo quyết định trưng cầu giám định của cơ quan có thẩm quyền tiến hành tụng mà không vì lí do chính đáng thì Điều tra viên, cấp trưởng của cơ quan được giao tiến hành một số hoạt động điều tra, Kiểm sát viên, Thẩm phán chủ tọa phiên tòa, Hội đồng xét xử có thể ra quyết định dẫn giải đối với người đó trong BLTTHS 2015 đã đưa ra một giải pháp pháp lý quan trọng cho cơ quan tiến hành tố tụng trong quá trình giải quyết các vụ án .

BLTTHS 2015 đã quy định chặt chẽ hơn việc kiểm sát quá trình giám định từ khi ra quyết định trưng cầu giám định đến khi có kết luận giám định. Theo đó, trong thời hạn 24 giờ kể từ khi ra quyết định trưng cầu giám định và trong thời hạn 24 giờ kể từ khi nhận được kết luận giám định, cơ quan đã trưng cầu giám định phải gửi quyết định trưng cầu giám định và kết luận giám định cho Viện kiểm sát có thẩm quyền thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra.

Ngoài ra, BLTTHS 2015 còn bổ sung quyền đề nghị cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng trưng cầu giám định những vấn đề liên quan đến quyền và lợi ích hợp pháp của họ (trừ trường hợp việc giám định liên quan đến việc xác định trách nhiệm hình sự của người bị buộc tội) cho chủ thể là nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan đến vụ án hình sự. Quy định này đã bảo vệ được quyền và lợi ích hợp pháp của những người tham gia tố tụng này và phù hợp với Điều 26 Luật giám định tư pháp năm 2012.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chế định giám định tư pháp trong tố tụng hình sự