“Chạy sô”... tiết kiệm

congly.com.vn| 13/04/2012 10:47
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Thường thì chỉ các ngôi sao ca nhạc, điện ảnh mới phải “chạy sô”, nhưng mấy tuần nay, một quan chức là Bộ trưởng Bộ Tài chính cũng phải “chạy sô” tham dự các lễ ký cắt giảm chi tiêu tại các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước.


Số tiền hàng nghìn tỷ đồng mà các “đại gia” doanh nghiệp Nhà nước cam kết tiết kiệm quả thật là ấn tượng và những buổi lễ công bố kế hoạch tiết giảm chi phí và cắt giảm đầu tư ngoài ngành cũng ấn tượng và hoành tráng không kém. Buổi lễ của Tập đoàn Công nghiệp Than và Khoáng sản Việt Nam (TKV) ngày 22-2 vừa qua với khách mời là lãnh đạo nhiều địa phương, các đơn vị trong và ngoài tập đoàn cùng các đơn vị truyền thông, báo chí. Với sự hoành tráng như vậy và mỗi khách mời đều nhận được một phần quà hậu hĩnh thì số tiền chi phí cho buổi lễ là không nhỏ. Đó là chưa kể các khách mời từ tỉnh xa về cũng phải chi phí ăn ở xe cộ, khiến ngân sách nhà nước thêm một phần hao hụt. Không chỉ có TKV, trước đó còn có khá nhiều “ông lớn” khác như Bảo Việt, EVN, HUD, Vinalines, Vinatex... cũng công bố “tiết kiệm” hoành tráng không kém TKV. Có đơn vị thuê hẳn văn phòng hội trường to để làm lễ tiết kiệm.

Lễ ký cam kết tiết kiệm của tập đoàn HUD.

Tham dự các buổi lễ này, bên cạnh việc biểu dương các đơn vị về tinh thần tiết kiệm, Bộ trưởng Vương Đình Huệ cũng nhắc nhở các doanh nghiệp không cần phải tổ chức ký kết, công bố một cách tràn lan, theo phong trào.


Tuy nhiên, bên cạnh việc công bố tiết kiệm thì vấn đề được dư luận quan tâm là việc cắt giảm chi tiêu mang lại lợi ích cho người tiêu dùng như thế nào. Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) hứa sẽ tiết kiệm hơn 130 tỷ đồng nhưng trong 6 tháng đầu năm 2011, doanh nghiệp này đã chi vượt định mức lên tới trên 600 tỷ đồng cho các chi phí sản xuất, kinh doanh. So sánh hai con số này thì rõ ràng số tiền trong kế hoạch tiết kiệm chẳng thấm vào đâu.


TS. Võ Trí Thành, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho rằng, động thái cắt giảm chi tiêu của các “ông lớn” là đáng hoan nghênh. Tuy nhiên, đó chưa phải là vấn đề nền tảng của quá trình tái cấu trúc doanh nghiệp nhà nước. Bởi quá trình này sẽ đòi hỏi nhiều, từ chuyện tư duy lại vai trò của thị trường, của doanh nghiệp nhà nước, vấn đề quản trị, minh bạch hóa thông tin, xử lý các doanh nghiệp yếu kém.


Trung Nguyễn

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
“Chạy sô”... tiết kiệm