Châu Á nhớ về cơn sóng thần đã giết chết 230.000 người 15 năm trước

Trâm Anh (theo Reuters)| 26/12/2019 15:37
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Hôm nay, các cộng đồng trên khắp châu Á tổ chức lễ tưởng niệm hơn 230.000 nạn nhân của trận sóng thần Ấn Độ Dương 15 năm trước - một trong những thảm họa kinh hoàng nhất thế giới.

Ngày này 15 năm trước - một ngày sau ngày Giáng sinh - một cơn sóng thần đã quét qua các khu vực ven biển của Indonesia, Sri Lanka, Ấn Độ, Thái Lan và chín quốc gia khác cướp đi sinh mạng của 230.000 người.

Châu Á nhớ về cơn sóng thần đã giết chết 230.000 người 15 năm trước

 

Các tòa nhà chìm trong nước gần bến tàu tại vịnh Ton Sai ở đảo Phi Phi của Thái Lan, ngày 28 tháng 12 năm 2004 sau khi sóng thần tấn công khu vực. 

Vào buổi sáng sau ngày Giáng sinh năm 2004, một trận động đất 9,1 độ richter ngoài khơi phía Bắc đảo Sumatra đã gây ra một cơn sóng thần cao tới 17,4 mét (57 feet) quét qua các khu vực ven biển dễ bị tổn thương của Indonesia, Sri Lanka, Ấn Độ, Thái Lan và chín quốc gia khác.

Suwannee Maliwan, 28 tuổi, vẫn còn ám ảnh bởi trận sóng thần đã cướp đi cha mẹ và năm người thân khác của cô khi nó tấn công tỉnh Phang Nga của Thái Lan. “Đôi khi tôi mơ thấy một cơn sóng đang đến. Tôi vẫn còn sợ hãi tột cùng”, Suwannee nói. “Đôi khi tôi muốn chuyển đi nơi khác, nhưng không thể vì tôi sinh ra ở đây, mẹ và bố tôi đã qua đời ở đây”.

Các đài tưởng niệm đã được dựng lên tại tỉnh Aceh của Indonesia, nơi toàn bộ ngôi làng bị san phẳng và hơn 125.000 người thiệt mạng trong những con sóng khổng lồ. Kể từ đó, khu vực này đã được xây dựng lại phần lớn, với khoảng 25.600 tòa nhà dân cư, thương mại, chính phủ và trường học được xây dựng trong khu vực đã bị cơn sóng thần tàn phá gần như hoàn toàn năm 2004.

Tại Thái Lan, nơi có hơn 5.300 người thiệt mạng, bao gồm cả khách du lịch đến thăm các hòn đảo nghỉ dưỡng ở biển Andaman, các quan chức đã tổ chức một buổi lễ tưởng niệm và kêu gọi người dân trang bị kiến thức tốt hơn và chuẩn bị đối phó với những thảm họa tương tự.

“Chính phủ muốn nâng cao các tiêu chuẩn về an toàn và nâng cao nhận thức trên tất cả các lĩnh vực trong việc chuẩn bị và bảo vệ người dân trước thảm họa”, Thứ trưởng Bộ Nội vụ, Nipon Bunyamanee, phát biểu tại lễ khai mạc. Ông cho biết ngày 26 tháng 12 đã được chọn là ngày phòng chống thảm họa quốc gia.

Các quan chức sau đó đã đặt vòng hoa tại một trung tâm tưởng niệm ở tỉnh Phang Nga để tỏ lòng thành kính với cháu trai của vua Maha Vajirusongkorn, Bhumi Jensen, người được nhìn thấy lần cuối cùng lướt sóng ngoài khơi ngay trước khi những con sóng thần ập tới.

Một lễ tưởng niệm dành cho các nạn nhân Hồi giáo, Kitô giáo và Phật giáo cũng đã được lên kế hoạch.

Những người sống sót từ Ban Nam Khem, ngôi làng chịu tổn thất nặng nề nhất trong cơn sóng thần ở Thái Lan, sẽ tổ chức một buổi cầu nguyện dưới ánh nến vào buổi tối. Ít nhất 1.400 người đã thiệt mạng khi sóng đánh vào ngôi làng chài này.

Tại Ấn Độ - nơi có hơn 10.000 người chết trong thảm họa sóng thần, và ở Sri Lanka - nơi 35.000 người đã chết, những người sống sót cũng đã tổ chức các nghi lễ tưởng niệm. 

 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Châu Á nhớ về cơn sóng thần đã giết chết 230.000 người 15 năm trước