"Chat" với PGS. TS Huỳnh Văn Sơn: Đừng kiệm lời yêu thương với đấng sinh thành

Hoài Đan| 08/05/2015 08:34
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Do mặc định, tình cảm thân thuộc không nhất thiết phải nói ra hoặc mặc định rằng nếu bày tỏ tình cảm với ba mẹ là sến, là bóng bẩy…”, đây là một trong những nguyên nhân được PGS. TS Huỳnh Văn Sơn chỉ ra vì sao con cái ngại nói lời yêu thương với cha mẹ.

Có những người con rất yêu thương bố mẹ nhưng không biết làm cách nào để bày tỏ. Với họ, việc tâm tình và nói với bố mẹ những lời yêu thương dường như là một điều rất khó khăn đầy ngại ngùng. 

Vậy, tại sao những người con lớn lên trong vòng tay yêu thương, chăm sóc của bố mẹ lại cảm thấy khó khăn khi nói lời yêu thương với đấng sinh thành. Xung quanh vấn đề này, PGS. TS Huỳnh Văn Sơn – Phó chủ tịch Hội Tâm lý học xã hội Việt Nam đã có những chia sẻ vô cùng thú vị.

PV: Tôi đã từng được xem một chương trình truyền hình thực tế, phỏng vấn các bạn trẻ về việc bày tỏ tình cảm của họ với cha mẹ, hầu hết họ đều nói rằng rất ít khi làm điều đó nhất là khi đã trưởng thành.

Khi ê-kip thực hiện chương trình yêu cầu họ gọi điện về cho bố hoặc mẹ nói “con yêu mẹ” hoặc “con yêu bố” thì họ cảm thấy vô cùng khó khăn khi nói ra điều đó. Theo ông thì tại sao lại như vậy?

PGS. TS Huỳnh Văn Sơn: Con cái khi đã trưởng thành ngại ngùng nói lời yêu thương với ba mẹ có thể xuất phát từ một số nguyên nhân khác nhau. Tuy nhiên, một nguyên nhân có thể nhìn thấy đơn giản nhất là bởi họ không có thói quen bày tỏ tình cảm với ba mẹ.

Vì sao không có thói quen? Bởi khi còn nhỏ, trong sự quan sát và cảm nhận, trẻ không nhận thấy được cách thức thể hiện yêu thương từ ba mẹ mình đối với ông bà, khuôn mẫu này ghi dấu trong tâm hồn trẻ và nó vô tình trở thành một “nếp văn hoá”.

Xã hội phương Tây, con cái lớn lên vẫn rất dào dạt trao cho ba mẹ những cái ôm, những nụ hôn và những lời yêu thương. Nhưng đối với người Việt Nam, những hành động ấy dường như rất ngại ngùng dù thực chất có lúc họ rất muốn mình sẽ hành động như thế.

Ngoài ra, những nguyên nhân khác có thể được đề cập đó là kiệm lời yêu do mặc định rằng tình cảm thân thuộc không nhất thiết phải nói ra hoặc mặc định rằng nếu bày tỏ như vậy là sến, là bóng bẩy.

PV: Trên thực tế, có không ít trường hợp khi nghe con cái nói “con yêu mẹ”, “con yêu bố” thì các ông bố bà mẹ nghĩ ngay đến việc con mình muốn xin xỏ điều gì đó hoặc đã gây ra lỗi lầm và buộc phải nói như vậy để cầu cứu bố mẹ. Dưới góc nhìn của một nhà tâm lý, ông có thể phân tích tại sao các ông bố bà mẹ lại suy nghĩ như vậy?

Hãy nói lời yêu thương với ba mẹ khi còn có thể. Ảnh: Internet

PGS. TS Huỳnh Văn Sơn: Tôi nghĩ đó cũng chính là “hệ quả” của những suy nghĩ chủ quan của các bậc cha mẹ, vì chính các bậc cha mẹ lúc xưa cũng quên nói lời yêu thương với bố mẹ của mình. Và, rào cản này trở thành thói quen, đây cũng là một nguyên nhân cần bổ sung cho câu hỏi số một đã đề cập.

Mặt khác, dễ dàng nhận thấy, một số bậc cha mẹ phòng thủ quá sức. Khi con cái nói lời yêu thương, nhiều bậc cha mẹ cho rằng điều đó là điều không bình thường hay đó là động thái kèm theo một mục đích khác. Tất cả dần dần đẩy người ta đi đến sự phòng vệ. Khi sự phòng vệ nảy sinh, người ta dễ có những suy nghĩ chủ quan, cảm tính là đương nhiên dù rằng sự cảm tính này thật đáng tiếc!

PV: Rất nhiều bạn trẻ nói rằng, yêu thương bố mẹ chỉ cần thể hiện bằng việc làm, hành động chứ không nhất thiết phải nói ra. Theo ông thì đây có phải là một cách làm hay?

PGS. TS Huỳnh Văn Sơn: Gia đình trong guồng quay của xã hội hiện đại tuy có hàng loạt giá trị thay đổi, nhưng tình cảm gia đình thiêng liêng sẽ không dễ gì lay chuyển được nếu mỗi thành viên trong gia đình biết yêu thương, san sẻ, cảm thông cho nhau.

Tình cảm gia đình dù bất kỳ thời điểm nào, bất kỳ độ tuổi nào mà khi ta lớn cũng có thể bày tỏ với nhau một cách chân thành và giản dị. Hành động rất cần thiết nhưng đừng mô hình hóa hay cụ thể hóa sự yêu thương bằng hành động. Người ta cần lắm sự sẻ chia, động viên, bày tỏ tình cảm chân thành bằng lời sao cho nồng nàn, chân thành, tha thiết dẫu giản đơn hay sâu sắc.

Thực tế, không phải người con trưởng thành nào cũng biết cách thể hiện sự quan tâm dành cho các bậc sinh thành. Chính việc không biết cách thể hiện sự quan tâm và yêu thương đúng mực khiến cho cha mẹ, nhất là cha mẹ đến tuổi xế chiều cảm thấy tâm hồn trống trải, cô đơn.

Từ đó, cũng không ít những mâu thuẫn giữa các thế hệ nảy sinh do sợi dây cảm xúc không được kết nối bằng những lời nói. Những lời yêu thương đôi lúc tưởng không cần thiết nhưng thực chất là vô cùng quý giá.

PV: Vì cảm thấy khó khăn khi nói lời yêu thương trực tiếp với bố mẹ, một số bạn trẻ thể hiện tình cảm với bố mẹ trên mạng xã hội như Facebook, Zalo...Ông có thể chia sẻ quan điểm của mình về cách thể hiện tình cảm này?

PGS. TS Huỳnh Văn Sơn: Tôi nghĩ đó cũng là cách hay dù rằng có phần mâu thuẫn. Vì người được nghe, cần nghe có đôi khi lại không được nghe, người cần đọc thì lại không được đọc. Bởi, thực tế có nhiều bạn trẻ không cho cha mẹ hay ông bà kết bạn với mình trên Facebook hay Zalo mà.

Tuy vậy, ở một góc độ nào đó, nhu cầu yêu thương là nhu cầu rất con người. Mà đã là nhu cầu thì thiết tha, mong muốn và khát khao thể hiện. Bạn có thể nói thật trái tim mình bằng lời trực tiếp hay gián tiếp. Hãy nói đừng ngần ngại.

Chia sẻ để ba mẹ thấy mình còn cần ba mẹ lắm, cần ba mẹ trong hành trình còn lại của cuộc đời dù mình đã lớn lên như thế nào đi nữa. Đối với người cao tuổi, hạnh phúc là cảm thấy mình còn được lắng nghe, được san sẻ và có ích cho con cháu.

PV: Liên hệ một chút với bản thân ông nhé, hàng ngày ông có hay nói lời yêu thương với bố mẹ?

PGS. TS Huỳnh Văn Sơn: “Như ánh trăng vằng vặc của những đêm rằm, mẹ luôn toả sáng khi bóng đêm vừa chực bủa quanh. Chỉ cần trò chuyện cùng mẹ qua cuộc điện thoại đường dài, tôi luôn cảm nhận được nguồn năng lượng lớn lao và bất tận hun đúc cho tôi.

Hình ảnh mẹ trong tâm trí tôi mãi là một bức tranh bình lặng, hiền hòa, giàu yêu thương mà không một màu sắc nào có thể vẽ một cách trọn vẹn. Mẹ trong tôi là những khúc nhạc bình yên để có thể xoa dịu những nặng nề và áp lực cuộc sống mà tôi phải đối mặt”.

Đó là những dòng viết của tôi tặng mẹ và cũng chính tôi đọc cho mẹ mình. Tôi may mắn khi có mẹ, tôi và mẹ như hai người bạn vong niên vì thực sự cách nhau hơn 40 tuổi. Quy ước của tôi và mẹ là trò chuyện với nhau hàng ngày.   

Lời yêu thương với mẹ, tôi không biết mình có nói đủ hay chưa, nhưng tôi biết chắc rằng, tôi nói bằng cả trái tim mình, bằng hơi thở và nhịp đập của chính trái tim, bằng rung cảm chân thành, không quá tinh tế hay câu nệ kiểu câu chữ, trình bày.

Với tôi, lời yêu thương dành cho ba mẹ không bao giờ cạn, và tôi nghĩ, nếu kiệm lời yêu thương rất có thể trở thành muộn màng, sự muộn màng đầy tiếc nuối.

Cám ơn ông về cuộc trò chuyện!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
"Chat" với PGS. TS Huỳnh Văn Sơn: Đừng kiệm lời yêu thương với đấng sinh thành