"Chat" với "cha đẻ" Hoa hậu Việt Nam (Phần 1)

Ý Thơ| 10/11/2014 07:09
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Nhà thơ, nhà báo Dương Kỳ Anh đã có những chia sẻ thẳng thắn xung quanh đề tài người đẹp và con đường tiến thân bằng sắc đẹp.

Phần 1

Nhà thơ Dương Kỳ Anh: “Xã hội nhiều tiêu cực lan sang cả người đẹp...”

Trong khi cuộc thi Hoa hậu Việt Nam, Đường tới Vương miện nóng lên từng ngày thì bên cạnh đó cũng rất nhiều cuộc thi sắc đẹp khác đang diễn ra. Nhiều tiêu cực xung quanh các cuộc thi này đã bị báo chí phanh phui, hết người đẹp thi chui, hoa hậu trả vương miện, hoa khôi ném danh hiệu… lại đến người đẹp bán dâm. Câu chuyện về nhan sắc Việt dường như chưa bao giờ lặng sóng, có chăng đó chỉ là những đợt sóng ngầm chờ một trận cuồng phong tới sẽ bắt đầu nổi lên.

Là “cha đẻ” cuộc thi Hoa hậu Việt Nam, nhà thơ, nhà báo Dương Kỳ Anh đã dành cho PV Báo Công lý Điện tử cuộc trò chuyện thú vị xung quanh đề tài người đẹp và con đường tiến thân bằng cuộc thi sắc đẹp, cũng như đưa ra những ý kiến sắc bén về sự ảnh hưởng của truyền thông, mạng xã hội lên giới trẻ hiện nay.

Nhà báo, nhà thơ Dương Kỳ Anh. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Danh phận đàng hoàng mới sống được trong lòng người

PV: Là "cha đẻ của Hoa hậu Việt Nam", có khi nào ông làm một phép so sánh về chất lượng các thí sinh trước đây và hiện nay? Bản thân ông thích vẻ đẹp nào hơn, vẻ đẹp xưa hay nay?

Nhà thơ Dương Kỳ Anh: Như người ta thường nói “Mọi sự so sánh đều khập khiễng”. Mỗi thời chất lượng thí sinh có những sự khác nhau. Trước đây, nhiều thí sinh có chiều cao khiêm tốn vẫn hăng hái đăng ký dự thi thì đến nay thí sinh phải có chiều cao trên 1m60. Trước đây quy chế thi người đẹp độ tuổi từ 16 - 28, nay phải từ 18 tuổi. Trước đây, thí sinh dự thi không cần bằng tốt nghiệp phổ thông, nay phải có bằng tốt nghiệp…

Những năm gần đây, số thí sinh dự thi có trình độ đại học, hay thạc sĩ nhiều hơn, học vấn cao hơn… Nhưng bằng cấp chưa nói lên tất cả, trí tuệ con người không phụ thuộc bằng cấp. Trước đây, có nhiều thí sinh và có nhiều hoa hậu xuất thân từ những gia đình trí thức, có nền tảng học vấn cao. Ví như hoa hậu Bùi Bích Phương, hoa hậu Diệu Hoa, Thu Thủy, Nguyễn Thiên Nga… nay có nhiều thí sinh xuất thân từ người mẫu, hay các lò luyện người mẫu, trước rất ít hoặc không có.

Nhà báo, nhà thơ Dương Kỳ Anh cùng Hoa hậu Nguyễn Thiên Nga đến thăm anh thương binh trẻ. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Đấy chỉ là cảm tưởng của cá nhân thôi.Tôi có cảm tưởng các thí sinh dự thi hoa hậu trước đây hồn nhiên, vô tư, đi dự thi là để tham gia một sự kiện văn hóa lớn, để giao lưu, học hỏi bạn bè, để hướng tới cái đẹp đích thực. Còn ngày nay hình như mục đích thực dụng nhiều hơn chăng?

Người đẹp thời nào cũng có. Người đẹp ngày càng được hoàn thiện hơn theo sự phát triển của xã hội. Đồng thời cũng phức tạp hơn, khó lường hơn, ẩn chứa nhiều cái hay cái dở hơn.

Người đẹp thực sự toàn diện, hài hòa thì hiếm. Cái đẹp mong manh lắm. Cần giữ gìn, nâng niu, đó là điều tôi mong mỏi nhất.

PV: Ông suy nghĩ thế nào về hiện tượng “nở rộ” cuộc thi hoa hậu hiện nay, thậm chí có cuộc thi gắn mác “hoa hậu ao làng”?

Nhà thơ Dương Kỳ Anh: Có người nói hiện nay đang “loạn” hoa hậu. Theo tôi, “loạn” danh từ, danh hiệu Hoa Hậu thì đúng hơn.

Khi sửa quy chế thi người đẹp, tôi đã góp ý danh từ Hoa Hậu chỉ dùng cho cuộc thi hoa hậu quốc gia, Hoa hậu Việt Nam, hoặc cấp tương tự; còn các cuộc thi sắc đẹp khác, ở cấp thấp hơn thì danh hiệu chỉ nên gọi là hoa khôi, hay người đẹp thôi. Báo chí cũng nên gọi cho đúng như vậy. Chứ như hiện nay, cuộc thi một ngành, một tỉnh, một khu vực nào đó người ta cũng cứ gọi là hoa hậu, loạn hết cả, làm cho nhiều người nói bây giờ “ra ngõ là gặp hoa hậu”, thật giả lẫn lộn, làm mất uy tín, hạ thấp ngôi vị và danh từ hoa hậu vốn cao đẹp, vốn được nhiều người ngưỡng mộ trước đây.

Ngọc Trinh đăng quang Hoa hậu Việt Nam Quốc tế 2011 - một cuộc thi bị gắn mác "hoa hậu ao làng"

PV: Hoa hậu xin trả vương miện, hoa khôi ném dải băng danh hiệu vào sọt rác, trong khi lại có nhiều người đẹp tìm cách thi chui... Ông suy nghĩ gì về nghịch lý này?

Nhà thơ Dương Kỳ Anh: Ném danh hiệu vào sọt rác là cách ứng xử thiếu văn hóa. Có nhiều cách để bày tỏ sự không hài lòng, bày tỏ sự bất bình cho thực sự văn hóa chứ không nên làm như vậy. Còn trả lại danh hiệu là điều bất đắc dĩ, khi có quá nhiều sức ép, đó là điều không hay cho cả hai phía.

Khi có ý định và trực tiếp tổ chức cuộc thi hoa hậu đầu tiên ở nước Việt Nam thống nhất và nhiều năm tổ chức các cuộc thi Hoa hậu Việt Nam, bản thân tôi cũng như tờ báo Tiền Phong luôn đặt mục đích tôn vinh cái đẹp, mà ở đây là vẻ đẹp của người phụ nữ Việt Nam, nhằm định hướng cho tuổi trẻ về cái đẹp chứ không hề có mục đích nào khác. Nếu thi hoa hậu vì mục đích thương mại hay vì những mục đích nào khác ngoài tôn vinh cái đẹp thì tất yếu sẽ xảy ra nhiều tiêu cực.

Cả người đi thi cũng vậy, để sau này nhảy vào làng giải trí cho có tên tuổi hay làm những chuyện khác cũng là điều không nên. Ai chẳng mong muốn có “danh phận”, nhưng phải là “danh phận” đàng hoàng, tốt đẹp mới lâu bền, mới sống được trong lòng mọi người …

Dải băng danh hiệu cuộc thi Nữ hoàng sắc đẹp Việt Nam và số phận "hẩm hiu" trong thùng rác

Xã hội nhiều tiêu cực lan sang cả người đẹp…

PV: Nhiều người đẹp tìm đến các cuộc thi sắc đẹp và dùng những phương thức khác nhau để mong có được một vị trí nào đó, thậm chí là “mua giải”. Theo ông, “mua danh” chỉ để “có danh” hay còn vì mục đích nào khác?

Nhà thơ Dương Kỳ Anh: Đó là điều đáng buồn hiện nay. Xã hội xuống cấp, báo chí còn nói đến “mua quan, bán chức” nữa là. Đến cả bằng tiến sĩ cũng giả, nhiều bằng cấp khác như bằng lái xe vốn gắn với tính mạng mình cũng mua được cơ mà. Xã hội nhiều tiêu cực lan sang cả người đẹp...

Người xưa nói đại ý: mua danh ba vạn, bán danh mấy hào… Cái danh mà đã mua thì là danh hão, không trước thì sau cũng lộ tẩy, lúc đó thì cũng mất hết còn gì… Nông cạn quá, hay tham lam quá vậy!?

Quế Vân - một trong những người đẹp "thi chui"

PV: Thực tế nhiều người đẹp không tự mình “thi chui” mà thông qua một “cửa” nào đó. Thậm chí nhiều “lò luyện sắc đẹp” đưa “gà” của mình đi thi mà không hề được cấp phép. Mặc dù biết là bị phạt nhưng họ vẫn “nhắm mắt làm liều”. Theo ông, nên mạnh tay áp dụng chế tài cho hành vi này như thế nào? 

Nhà thơ Dương Kỳ Anh: Hiện tượng “thi chui”, có những lò luyện thi đưa “gà” mình đi thi, như bạn nói, báo chí đã đưa tin. Theo tôi, nếu đi thi với danh nghĩa cá nhân thì ai cũng có quyền. Nhưng nếu là danh nghĩa hoa hậu, đại diện cho quốc gia đi dự thi các cuộc thi hoa hậu lớn trên thế giới thì phải được cơ quan chức năng cấp phép.

Thi chui là phạm luật. Cần nghiêm khắc xử lý. Xử lý cơ quan, tổ chức nào đưa thí sinh đại diện cho quốc gia đi “thi chui”. Vì nếu không, khi xảy ra mốt số hiện tượng mà báo chí đưa tin vừa qua làm ảnh hưởng đến uy tín của đất nước chứ không chỉ là bản thân thí sinh hay tổ chức đó. Cần quản lý nghiêm khắc và xử lý nghiêm việc này. Hình thức xử lý thế nào thì tùy mức độ vi phạm.

PV: Câu chuyện về “người đẹp bán dâm”, “người đẹp môi giới bán dâm” được lan truyền từ lâu trong giới showbiz, nhưng chỉ bị “khui ra” khi có những người đẹp bị bắt vì hành vi này. Bản thân ông cảm nhận về chuyện này như thế nào?

Nhà thơ Dương Kỳ Anh: Thật buồn khi xảy ra những hiện tượng như vậy. Như tôi nhiều lần đã nói, trong đó có sự xuống cấp của đạo đức xã hội. Đồng tiền làm điên đảo nhiều thứ, trong đó có một số người ở trong phái đẹp. Tôi cho rằng, do sự lôi kéo của cái xấu, của thói háo danh, hám lợi, đang phổ biến hiện nay. Những người như vậy vừa là thủ phạm, vừa là nạn nhân của lối sống quá thực dụng bây giờ. Họ vừa đáng giận, đáng lên án, lại vừa đáng thương vì họ còn quá trẻ mà môi trường xung quanh lại rất dễ để họ bị cuốn vào…

Phần 2
Nhà thơ Dương Kỳ Anh: Mọi trào lưu rồi sẽ qua đi

 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
"Chat" với "cha đẻ" Hoa hậu Việt Nam (Phần 1)