Chiều nay (5/6), sau phần Quốc hội thảo luận Báo cáo giám sát của UBTVQH về tình hình oan, sai trong việc áp dụng pháp luật về hình sự, Chánh án TANDTC đã có phần giải trình thêm một số vấn đề liên quan đến các vụ án oan.
Khẩn trương chi trả bồi thường những trường hợp bị oan
Chánh án Trương Hòa Bình đánh giá cao kết quả giám sát của UBTVQH về tình hình oan, sai trong thời gian vừa qua. Có thể thấy rằng kết quả giám sát của UBTVQH về tình hình oan, sai trong việc áp dụng pháp luật về hình sự, TTHS và việc bồi thường thiệt hại cho người bị oan trong hoạt động TTHS theo quy định của pháp luật được nhiều cử tri và ĐB quan tâm. Chánh án cũng cho biết, sẽ tiếp thu các ý kiến đóng góp của các ĐB, để từ đó đề ra những giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động của các Tòa án trong năm tới nhằm tránh oan, sai và bỏ lọt tội phạm.
Trong những năm qua để thực hiện chỉ tiêu, yêu cầu Nghị quyết của Quốc hội đề ra, các Tòa án đã nỗ lực để thực hiện tốt việc xét xử các vụ án hình sự nói riêng và việc giải quyết các loại án nói chung đã có nhiều chuyển biến tích cực. Tỷ lệ bản án bị hủy, sửa do lỗi chủ quan của Tòa án đã giảm nhiều so với năm trước; việt xét xử các vụ án hình sự đã đảm bảo đúng người đúng tội, đúng pháp luật hạn chế mức thấp nhất người bị kết án oan.
Chánh án TANDTC Trương Hòa Bình phát biểu giải trình ý kiến của các đại biểu
Trong 3 năm qua (2012-2014), chỉ để xảy ra 01 trường hợp kết án oan người không phạm tội trên tổng số 32.752 bị cáo. Tòa án cũng đã xem xét 34 trường hợp có đơn kêu oan xét xử trong nhiệm kỳ có mức án 20 năm, chung thân hoặc tử hình. Về cơ bản, việc xét xử của Tòa án là đúng người, đúng tội, đúng pháp luật. Cùng với đó, TANDTC cũng đã xem xét một số vụ án từ nhiệm kỳ trước có đơn kêu oan. Có thể thấy rằng, chất lượng hoạt động của các cơ quan tư pháp nói chung và Tòa án nói riêng đã đạt được kết quả nhất định.
Việc bồi thường cho người bị oan trong 3 năm (2012-2014), Tòa án các cấp nhận được 22 đơn yêu cầu bồi thường, trả lại 3 đơn, trong đó 1 đơn không thuộc thẩm quyền, 2 đơn không đủ điều kiện để thụ lý. Trong số 19 đơn thuộc thẩm quyền giải quyết thì đã giải quyết 13 trường hợp với tổng số tiền bồi thường là hơn 1,6 tỷ đồng; 6 trường hợp còn lại đang trong quá trình giải quyết thương lượng bồi thường, xin lỗi công khai theo quy định. Các Tòa án đang khẩn trương làm thủ tục chi trả bồi thường cho bị oan.
Có 3 vụ mà dư luận quan tâm là trường hợp của ông Lương Ngọc Phi khởi kiện yêu cầu bồi thường 22 tỷ đồng. Tòa án sơ thẩm đồng ý nhưng qua giám đốc thấy căn cứ không đảm bảo nên hủy án, phải giải quyết lại theo trình tự tố tụng. Vụ ông Nguyễn Thanh Chấn (Bắc Giang) đã xin lỗi công khai và thương lượng việc bồi thường. Ông Chấn cũng đã đồng ý mức bồi thường 7,2 tỷ đồng và Tòa án đang làm thủ tục chi trả; Vụ ông Phan Văn Lá, các cơ quan tiến hành tố tụng đã cùng nhau tiến hành bồi thường 470 triệu. Một số vụ án các ĐB nêu như vụ án Hồ Duy Hải, Long An; hay Nguyễn Văn Chưởng (Hải Phòng) các cơ quan liên ngành đã xem xét, nếu như có căn cứ sẽ có kiến nghị xem xét, nhưng đã đúng người đúng tội, đúng pháp luật thì phải xử lý.
Những giải pháp trong thời gian tới
Về việc xảy ra tình trạng oan sai, và bồi thường những vụ việc xảy ra trước đây, Chánh án Trương Hòa Bình cũng cho biết, bên cạnh nguyên nhân do hạn chế về nghiệp vụ, thì việc xét xử các vụ án hình sự được thực hiện chủ yếu theo mô hình xét hỏi dẫn HĐXX phụ thuộc chủ yếu vào tài liệu, chứng cứ trong hồ sơ do CQĐT thu thập; việc tranh tụng chưa thực sự được quan tâm, chưa xem xét hết khi tại phiên tòa bị can bị cáo phản cung, kêu oan nên dẫn đến sai sót.
Vì vậy thời gian tới để triển khai Luật Tổ chức TAND, TANDTC sẽ bảo đảm việc lựa chọn bố trí Thẩm phán có năng lực, đạo đức, trách nhiệm vào các Tòa chuyên trách, đặc biệt là Tòa hình sự và Tòa án gia đình và người chưa thành niên; Tiếp tục tham gia ý kiến sửa đổi các Luật về tố tụng, đặc biệt là sửa đổi vấn đề tranh tụng trong tố tụng tư pháp. Tới đây, Tòa án sẽ áp dụng triệt để nguyên tắc tranh tụng và suy đoán vô tội, thực hiện quyền tư pháp của Tòa án. Nếu như thấy chưa đủ chứng cứ mà VKS vẫn truy tố thì Tòa án trả hồ sơ yêu cầu điều tra bổ sung; trong trường hợp VKS không đáp ứng được yêu cầu thì Tòa án sẽ trực tiếp xác minh, thu thập tài liệu theo tinh thần của Luật Tổ chức TAND và tới đây sẽ kiến nghị đưa quy định này vào tố tụng hình nhằm đảm bảo việc đưa ra truy tố đủ căn cứ. Và căn cứ vào kết quả tranh tụng tại phiên tòa để làm rõ sự thật của vụ án và nếu như có tội thì kết tội; không đủ căn cứ Tòa sẽ tuyên vô tội.
Về công tác cán bộ, TANDTC sẽ làm tốt công tác đào tạo tập trung để nâng cao trình độ đội ngũ cán bộ các cấp; khẩn trương triển khai các đề án xây dựng án lệ để cho các Tòa tham khảo; Giáo dục chính trị, tinh thần; Tăng cường công tác giám đốc kiểm tra, xử lý nghiêm các vi phạm. Phối hợp với các cơ quan chức năng làm tốt việc bồi thường các vụ án oan sai. Chánh án Trương Hòa Bình cũng đề nghị, cần tập trung việc giải quyết bồi thường oan sai về một đầu mối, tránh tình trạng như hiện nay; có thể tập trung cho Tòa án hoặc Bộ Tư pháp thay mặt nhà nước thực hiện việc bồi thường.
Cũng tại Hội trường Quốc hội, Chánh án TANDTC Trương Hòa Bình khẳng định, để phòng chống oan sai trong xét xử, TANDTC đã ban hành Công văn số 234/TANDTC-HS ngày 17/9/2014 của TANDTC về việc trưng cầu giám định để xác định loại, hàm lượng, trọng lượng chất ma túy, tiền chất trong các vụ án ma túy. Đây cũng là vấn đề được nhiều ĐBQH quan tâm. Theo Chánh án TANDTC, nội dung Công văn số 234 của TANDTC hoàn toàn không phải là một văn bản mới, mà chỉ là một văn bản hướng dẫn, nhắc nhở các cơ quan tiến hành tố tụng cần thiết phải thực hiện nghiêm túc Thông tư liên tịch số 17/2007/TTLT-BCA-VKSNDTC-TANDTC-BTP ngày 24/12/2007 của Bộ Công an, VKSNDTC, TANDTC, Bộ Tư pháp về việc giám định hàm lượng các chất nghi ma túy trong các vụ án ma túy.
“Thông tư liên ngành số 17 là một văn bản quy phạm pháp luật đã được ban hành cách đây 8 năm. Vì là văn bản quy phạm pháp luật nên bắt buộc các cơ quan tiến hành tố tụng phải thực hiện. Nhưng trong thời gian qua, do một số các cơ quan tố tụng, trong đó có Tòa án các địa phương không tuân thủ thực hiện nghiêm Thông tư số 17, nên TANDTC phải chủ động ban hành Công văn 234 để hướng dẫn và nhắc nhở. Do không thực hiện việc giám định hàm lượng trong các vụ án ma túy, nên có một số bản án đang phải xem xét lại. Cụ thể TANDTC đang xem xét lại việc kháng nghị 5 trường hợp có mức án chung thân hoặc tử hình trong các vụ án ma túy, mà nếu không kháng nghị có thể dẫn đến oan sai. Như vậy, việc thực hiện nghiêm túc Thông tư liên tịch số 17 và Công văn hướng dẫn số 234 của TANDTC mục đích chính là để bảo vệ quyền con người, quyền được sống rất thiêng liêng của công dân theo tinh thần của Hiến pháp năm 2013 và góp phần chống oan, sai trong hoạt động tố tụng…” – Chánh án TANDTC Trương Hòa Bình khẳng định.
Theo Chánh án TANDTC, trong Danh mục chất ma túy ban hành kèm theo Nghị định số 82/2013/NĐ-CP ngày 19/7/2013 của Chính phủ, thì chất ma túy bao gồm nhiều loại chất gây nghiện, chất hướng thần khác nhau; mỗi loại có cấu tạo, thành phần, mức độ nguy hiểm khác nhau, từ đó các biện pháp quản lý, kiểm soát và xử lý đối với người vi phạm cũng khác nhau. Tùy thuộc vào tính chất nguy hiểm của từng loại ma túy mà khung hình phạt áp dụng tương ứng với trọng lượng của từng loại chất ma túy được quy định khác nhau. Để thực hiện chống oan sai, tuyên án đúng với hành vi phạm tội và bản chất của vụ án, nhất thiết phải xác định được hàm lượng chất ma túy trong tất cả các vụ án về ma túy, mới có căn cứ để truy cứu trách nhiệm hình sự, làm cơ sở để HĐXX tuyên bản án đúng người, đúng tội, đúng pháp luật đối với người phạm tội.
Nói cách khác, việc thực hiện giám định hàm lượng chất ma túy theo đúng hướng dẫn tại Thông tư liên tịch số 17 và Công văn số 234 của TANDTC, thì Tòa án mới có căn cứ chính xác để tuyên một bản án đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, tránh oan sai và bỏ lọt tội phạm. Nếu khi thụ lý hồ sơ vụ án, từ Viện kiểm sát chuyển sang mà trong hồ sơ không có kết quả giám định hàm lượng chất ma túy trong các chất thu giữ được nghi là chất ma túy, thì không có đủ căn cứ để Tòa án giải quyết vụ án và có thể dẫn đến kết quả xét xử bị oan sai, đặc biệt là đối với những vụ án nghiêm trọng có mức án chung thân hoặc tử hình; hậu quả xảy ra sẽ rất lớn, thậm chí không thể khắc phục được nếu tuyên án không dựa vào căn cứ giám định hàm lượng ma túy trong các vụ án ma túy.
Cũng theo Chánh án TANDTC, trong thực tiễn đấu tranh phòng chống tội phạm, việc giám định hàm lượng ma túy hết sức khó khăn, nhất là những nơi vùng sâu, vùng xa. Nhưng dù khó khắn đến mấy, chúng ta vẫn phải khắc phục và quyết tâm thực hiện đúng đắn, nghiêm túc Thông tư số 17 để bảo vệ quyền con người, bảo vệ công lý, bảo vệ quyền công dân, đặc biệt là bảo vệ quyền được sống rất thiêng liêng của mỗi con người trên quan điểm trừng trị kết hợp với tính nhân văn, nhân đạo của pháp luật chế độ xã hội chủ nghĩa của chúng ta.
Lãnh đạo TANDTC cũng đã báo cáo vấn đề này với Chủ tịch nước và Chủ tịch nước cũng đã có cuộc họp, cùng với Ban chỉ đạo cải cách tư pháp TW và các cơ quan tố tụng. Các ý kiến của các cơ quan tố tụng đều cho rằng: Cần thiết phải giám định hàm lượng ma túy mới đảm bảo việc truy tố, xét xử đúng người, đúng tội, đúng pháp luật. Sau cuộc họp, Chủ tịch nước cũng đã có chỉ đạo Bộ Công an, Bộ Tư pháp, VKSNDTC và TANDTC cùng nhau xem xét lại Thông tư 17, điểm nào không còn phù hợp thì sửa, điểm nào có giá trị đúng đắn thì nhất thiết phải thi hành. Hiện các cơ quan tiến hành tố tụng đang phối hợp, tiến hành nghiên cứu, xem xét lại một số điểm trong nội dung của Thông tư nêu trên.