Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình: Thực hiện những nhiệm vụ trọng tâm trên cương vị mới

Mai Thoa| 13/04/2016 11:02
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Ngày 8/4, Bí thư Trung ương Đảng, nguyên Viện trưởng VKSNDTC Nguyễn Hòa Bình đã chính thức được Quốc hội bầu giữ chức vụ Chánh án TANDTC. Bên lề kỳ họp, tân Chánh án đã có những chia sẻ về nhiệm vụ của mình trên cương vị mới trong thời gian tới đây.

PV: Trước tiên, xin gửi lời chúc mừng ông đã được Quốc hội phê chuẩn giữ chức Chánh án TANDTC. Thưa ông, những nhiệm vụ đầu tiên trên cương vị mới sẽ được ông ưu tiên chỉ đạo, thực hiện là gì?

Chánh án Nguyễn Hòa Bình: Nhiệm vụ của Tòa án năm nay rất lớn và đã được đề ra trong kế hoạch để tổ chức thực hiện. Có thể nói, nhiệm vụ trọng tâm nhất đó là tổ chức quán triệt và triển khai thi hành các đạo luật về tư pháp được Quốc hội thông qua vào cuối năm 2015 và sẽ có hiệu lực trong thời gian tới đây, gồm: Bộ luật Hình sự, Bộ luật Tố tụng hình sự, Bộ luật Dân sự, Bộ luật Tố tụng dân sự, Luật Tố tụng hành chính, Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam. Đây là những đạo luật quan trọng, liên quan chặt chẽ đến công cuộc đấu tranh phòng, chống vi phạm, tội phạm và yêu cầu tôn trọng, bảo vệ quyền con người, quyền công dân. Việc triển khai nghiêm túc các đạo luật, đưa các nguyên tắc tư pháp tiến bộ vào cuộc sống sẽ là cơ sở để nâng cao chất lượng nền tư pháp nước nhà.

Nhiệm vụ quan trọng thứ hai là tiếp tục triển khai thi hành Luật Tổ chức Tòa án nhân dân năm 2014, kiện toàn tổ chức bộ máy các cấp Tòa án và đẩy mạnh việc đào tạo, rèn luyện các chức danh tư pháp. Theo quy định của luật, việc bổ nhiệm chức danh Thẩm phán phải tuân thủ quy trình chặt chẽ, kết hợp giữa xét tuyển và thi tuyển, đặc biệt phải trải qua kỳ thi ở quy mô quốc gia. Điều này là rất cần thiết, bởi chính cán bộ tư pháp là người quyết định chất lượng nền tư pháp, chất lượng của đội ngũ Thẩm phán sẽ quyết định chất lượng, uy tín của hệ thống Tòa án. Thời gian qua, chúng ta đã triển khai nhiều công việc để tổ chức thi tuyển chọn nguồn bổ nhiệm Thẩm phán. Thời gian tới còn rất nhiều việc phải làm, như xây dựng bộ đề thi theo các đạo luật mới, tổ chức xét tuyển, thi tuyển… Yêu cầu đặt ra đối với công việc này là phải nghiêm túc, khắt khe, chặt chẽ. Có như vậy mới tuyển chọn được đội ngũ Thẩm phán thực sự xứng đáng, đảm đương sứ mệnh bảo vệ công lý, bảo vệ lẽ phải, đủ tầm để giải quyết công việc, đủ tâm để nhân dân tin.

 

Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình: Thực hiện những nhiệm vụ trọng tâm trên cương vị mới

Tân Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình

Nhiệm vụ thứ ba là tạo mối quan hệ phối hợp chặt chẽ với các cơ quan hữu quan, trong đó có Viện kiểm sát để tập trung giải quyết những vấn đề nổi cộm, bức xúc được đặt ra trong thực tiễn, được chỉ rõ trong các Nghị quyết của Quốc hội, trong đó có yêu cầu phải chống oan, sai, đẩy nhanh tiến độ giải quyết đơn thư về tư pháp tồn đọng - mà theo thống kê hiện nay số lượng rất nhiều, đang trở thành áp lực đối với các cơ quan tiến hành tố tụng.

Ngoài ra, còn rất nhiều nhiệm vụ khác phải tập trung triển khai trong thời gian tới như vấn đề bảo đảm tranh tụng, tập trung xây dựng án lệ...

PV: Việc giải quyết đơn giám đốc thẩm hiện nay là vấn đề hết sức khó khăn, vậy kế hoạch thực hiện việc này sẽ như thế nào thưa ông?

Chánh án Nguyễn Hòa Bình: Khi tôi làm Viện trưởng VKSNDTC, số lượng đơn đề nghị kháng nghị giám đốc thẩm, tái thẩm khá nhiều, lên đến hàng chục nghìn đơn. Hiện, tôi chưa có con số cụ thể về số lượng đơn do Tòa án các cấp thụ lý. Tuy nhiên, đây là một trong những việc tôi sẽ chú trọng trong thời gian tới. Chúng tôi sẽ bàn thảo, phân định rõ trách nhiệm giữa các cơ quan trong vấn đề này, đặc biệt là áp dụng các giải pháp cụ thể để nâng cao chất lượng và đẩy nhanh tiến độ giải quyết đơn như yêu cầu của Quốc hội. Đặt mục tiêu trong hai năm (2016-2017) sẽ giải quyết căn bản số lượng đơn tồn đọng này. Nhưng tôi cũng xin nhấn mạnh là trong hàng chục nghìn đơn, không phải lúc nào cũng xem xét lại bản án, bởi bản án đã được xét xử, giải quyết đúng pháp luật, công tâm, nhưng có trường hợp “kiện cầu may” do hạn chế về hiểu biết pháp luật hoặc do liên quan đến quyền lợi của họ mà đi kiện thì không xem xét.

Theo thông lệ các quốc gia trên thế giới, việc giải quyết ở cấp giám đốc thẩm, tái thẩm mỗi năm chỉ khoảng dưới 100 vụ, nhưng ở Việt Nam, chúng ta tồn mười mấy nghìn đơn là con số rất lớn. Tuy nhiên, không phải tất cả đơn đều thuộc trường hợp có căn cứ, chúng tôi sẽ trả lời thấu đáo cho người dân về việc vụ án đã được giải quyết đúng quy định của pháp luật. Rõ ràng TANDTC và VKSNDTC không thể giải quyết yêu cầu của người dân vượt ra khỏi những chứng cứ đã được thu thập khách quan, đầy đủ, hợp pháp trong suốt các giai đoạn tố tụng. Đồng thời, xem đây như việc tuyên truyền pháp luật cho người dân để họ hiểu và chấp hành đúng pháp luật.

PV: Một vấn đề mà nhiều người rất quan tâm đó là phòng, chống oan, sai trong tố tụng hình sự. Vậy ông sẽ làm gì để có thể khắc phục chuyện này và phòng, chống oan, sai hiệu quả nhất trong thời gian sắp tới?

Chánh án Nguyễn Hòa Bình: Có thể nói, chống oan, sai là quyết tâm chính trị không chỉ riêng của TANDTC hay VKSNDTC, mà đây là đòi hỏi của Đảng và nhân dân mà bất kể ai ở vị trí của tôi cũng phải quyết tâm làm cho tốt. Tuy nhiên, phải nói rằng, tỷ lệ án oan trong những năm gần đây giảm đáng kể, chiếm tỷ trọng rất nhỏ trong tổng số các vụ án mà Tòa án các cấp đã xét xử. Báo cáo tổng kết của TANDTC vừa qua cho thấy chỉ có 3 vụ trong tổng số gần 100.000 vụ đã xét xử là chiếm tỷ lệ rất nhỏ.

Song chúng tôi luôn luôn trăn trở làm thế nào để không còn xảy ra vụ án oan, sai nào nữa. Đó là sự phấn đấu, quyết tâm chính trị của các cấp Tòa án, tuy nhiên, không chỉ dừng ở mong muốn, hô hào mà phải có những giải pháp cụ thể. Bộ luật Hình sự năm 2015 và Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 sẽ có hiệu lực trong thời gian tới đã đưa ra rất nhiều quy phạm để hướng tới mục tiêu chống oan sai, như: bảo đảm các điều kiện để luật sư tiếp cận vụ án sớm hơn, thuận lợi hơn; bảo đảm nguyên tắc tranh tụng trong xét xử; tôn trọng và thực hiện nghiêm nguyên tắc suy đoán vô tội; bảo đảm công khai minh bạch và kiểm soát lẫn nhau giữa các cơ quan tố tụng...

Còn trong nội bộ của chúng ta, trước đây khi công tác ở VKSNDTC, chúng tôi cũng đã làm và thấy hiệu quả, chất lượng được cải thiện rõ rệt. Những kinh nghiệm đó tôi cũng sẽ áp dụng tại TANDTC, đó là việc đề cao trách nhiệm, tăng cường kỷ cương, kỷ luật; bảo đảm sự giám sát bên trong hệ thống cũng như bên ngoài hệ thống; giám sát, kiểm tra giữa trung ương với địa phương; giám sát của nhân dân, của các cơ quan dân cử và Mặt trận Tổ quốc. Đặc biệt, phải xây dựng cơ chế tiếp thu ý kiến của quần chúng nhân dân để ngày càng hoàn thiện Tòa án. Đồng thời, xử lý nghiêm minh những cán bộ vi phạm, làm oan cho dân, tham nhũng trong quá trình tố tụng, gây ra hậu quả nghiêm trọng ảnh hưởng tới quyền và lợi ích hợp pháp của công dân. Nghị quyết của Quốc hội cũng đã xác định rõ vấn đề này.

PV: Vậy còn vấn đề triển khai việc xây dựng và áp dụng án lệ trong thời gian tới sẽ được tiến hành như thế nào, thưa ông?

Chánh án Nguyễn Hòa Bình: Thời gian tới, TANDTC sẽ đẩy mạnh việc xây dựng và áp dụng án lệ. Thực tiễn cuộc sống bao giờ cũng phong phú hơn các điều luật. Các điều luật có tuổi thọ 10 năm - 15 năm mới có thể bị thay đổi, còn cuộc sống thì muôn hình, muôn vẻ, các quy định pháp luật không thể theo kịp. Đối với thế giới, đây không phải là vấn đề mới, đã được áp dụng từ lâu; còn đối với Việt Nam, đây là lần đầu tiên chúng ta triển khai và áp dụng. Áp dụng án lệ là bước tiến lớn trong quy định của Nhà nước ta, làm tốt việc này sẽ có lợi cho đất nước, cho nhân dân và cho nền tư pháp. Vừa qua, Hội đồng Thẩm phán TANDTC đã ban hành Nghị quyết về quy trình lựa chọn, công bố và áp dụng án lệ. Công việc lựa chọn án lệ đang được tích cực triển khai nhằm bù đắp những khoảng trống của pháp luật. Với trách nhiệm của mình, TANDTC sẽ triển khai tích cực, vừa làm, vừa rút kinh nghiệm để ngày càng hoàn thiện quy trình lựa chọn án lệ, bảo đảm chặt chẽ, lựa chọn chính xác những bản án thực sự là khuôn mẫu cho quá trình áp dụng pháp luật, phúc đáp sự mong đợi của nhân dân.

PV: Trân trọng cảm ơn ông! 

Liên quan đến thông tin mà báo chí phản ánh về việc ông Huỳnh Văn Nén đã nộp đơn yêu cầu TAND tỉnh Bình Thuận bồi thường oan sai 18 tỷ đồng, Chánh án Nguyễn Hòa Bình cho biết, ông chưa nhận được thông tin chính thức về vấn đề này, nhưng sẽ cho kiểm tra lại trong thời gian sớm nhất. Đồng thời sẽ đôn đốc Tòa án tỉnh Bình Thuận giải quyết vụ việc này. Chánh án cũng cho rằng, các vụ việc oan sai trong thời gian qua đều gắn liền với kháng nghị của VKSNDTC, kể cả vụ án ông Nguyễn Thanh Chấn ở Bắc Giang hay ông Huỳnh Văn Nén ở tỉnh Bình Thuận. Đây là những câu chuyện đáng tiếc, do lịch sử để lại, nhưng với trách nhiệm của một Chánh án TANDTC, ông sẽ đôn đốc giải quyết vụ việc theo quy định của pháp luật.

 

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình: Thực hiện những nhiệm vụ trọng tâm trên cương vị mới