Đoàn đại biểu cấp cao TANDTC Việt Nam do ông Nguyễn Hòa Bình, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án TANDTC dẫn đầu, đã có chuyến thăm làm việc tại nước này từ ngày 15-19/5.
Tổng Thư ký Bộ Tư pháp của Pháp Stéphane Verclytte tiếp Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao Nguyễn Hòa Bình ngày 17/5 tại trụ sở Bộ Tư pháp của Pháp. (Ảnh: Bích Hà/TTXVN)
Mục đích của chuyến thăm là trao đổi thông tin về hệ thống tư pháp của hai nước, cơ cấu, tổ chức và hoạt động của hệ thống tòa án nhằm thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa Việt Nam với các đối tác Pháp, đồng thời tham dự Hội nghị Tư pháp quốc tế lần thứ 20 được tổ chức từ ngày 17-19/5 tại Paris.
Trong thời gian thăm và làm việc tại Pháp, đoàn đại biểu cấp cao TANDTC Việt Nam đã có các buổi làm việc với Giám đốc Trường đào tạo thẩm phán quốc gia của Pháp (ENM), ông Olivier Leurent, Vụ Hỗ trợ tư pháp thanh, thiếu niên thuộc Bộ Tư pháp của Pháp.
Đoàn cũng đã có các cuộc gặp với Chánh án Tòa phá án Jean-Paul Jean, Chánh án Tòa thẩm quyền mở rộng Paris Jean-Michel Hayat, Tổng Thư ký Bộ Tư pháp của Pháp Stéphane Verclytte.
Tại buổi làm việc với lãnh đạo Trường đào tạo thẩm phán quốc gia của Pháp, tổng kết sự hợp tác trong giai đoạn 5 năm vừa qua giữa ENM và TANDTC, hai bên nhất trí cho rằng quan hệ hợp tác phát triển tốt đẹp và hiệu quả, thể hiện qua việc ENM giúp Việt Nam đào tạo nhiều khóa thẩm phán và cán bộ tòa án, cử nhiều đoàn thẩm phán, giảng viên sang tổ chức các hội thảo, hội nghị nhằm chia sẻ kinh nghiệm với Việt Nam.
Ngoài ra, ENM cũng tăng cường hợp tác với các cơ quan hữu quan của Việt Nam như Bộ Công an, VKSNDTC, Liên đoàn luật sư trong việc đào tạo các chức danh tư pháp bao gồm điều tra viên, kiểm soát viên…
Trong bối cảnh hệ thống pháp luật Việt Nam đang có những thay đổi lớn, cơ hội hợp tác về đào tạo là rất phong phú, đặc biệt trong các lĩnh vực mà Việt Nam chưa có nhiều kinh nghiệm, nhưng lại đang trở thành những thách thức toàn cầu như tội phạm mạng, tội phạm tài chính, tội phạm ma túy, tội phạm rửa tiền…
Cuối phiên làm việc, Giám đốc ENM, ông Olivier Leurent và ông Nguyễn Minh Sử, Phó Hiệu trưởng Học viện Tòa án Việt Nam đã ký kết Thỏa thuận chung về hợp tác đào tạo tư pháp cho giai đoạn mới.
Tiếp đó, đoàn đã có cuộc gặp với Chánh án Tòa phá án của Pháp Jean-Paul Jean. Tại buổi tiếp, ông Jean-Paul Jean đã giới thiệu về cơ cấu tổ chức của Tòa Phá án, theo đó đây là cấp cao nhất trong hệ thống tòa án thông thường tại Pháp bao gồm 6 phân tòa (1 tòa Hình sự và 5 tòa Dân sự).
Án lệ được coi là công cụ hữu hiệu đã được sử dụng từ lâu, giúp Tòa Phá án thực hiện mục tiêu của mình là bảo đảm công bằng và công lý.
Làm việc với Vụ Hỗ trợ tư pháp thanh, thiếu niên thuộc Bộ Tư pháp của Pháp và Tòa thẩm quyền mở rộng Paris, đoàn đã tìm hiểu kinh nghiệm của Pháp trong các lĩnh vực bảo vệ quyền trẻ em, tòa án gia đình và tư pháp cho trẻ vị thành niên, đặc biệt trong việc xác định độ trưởng thành của cá nhân, đảm bảo sự cân bằng giữa hai mục tiêu là giáo dục và trừng phạt đối với trẻ vị thành niên.
Tại buổi làm việc với Tổng Thư ký Bộ Tư pháp của Pháp Stéphane Verclytte, hai bên đều nhất trí đánh giá cao sự hợp tác chặt chẽ và hiệu quả trong lĩnh vực tư pháp giữa hai nước thời gian qua, đồng thời khẳng định sự cần thiết tiếp tục phát triển mối quan hệ này trong thời gian tới với các lĩnh vực hợp tác mới.
Hội nghị Tư pháp quốc tế (IJC) lần thứ 20 diễn ra từ ngày 17-19/5 tại Paris, đã thu hút hơn 100 đại biểu là các thẩm phán, chuyên gia luật, luật sư… đến từ 33 quốc gia. Đây là diễn đàn quốc tế được tổ chức 2 năm một lần.
Tại Hội nghị này, đại diện đoàn Việt Nam, bà Nguyễn Thị Hoàng Anh, thẩm phán TANDTC đã trình bày tham luận với tiêu đề “Đào tạo thẩm phán và sự phát triển các cơ sở đào tạo tư pháp của Việt Nam.”
Bên cạnh đó, đoàn Việt Nam đã tích cực tham gia thảo luận và đóng góp nhiều ý kiến quan trọng tại các phiên thảo luận về những chủ đề như sự ứng phó của tư pháp hình sự trước tình trạng khủng bố, luật Môi trường quốc tế, thẩm quyền phổ quát…, qua đó các thành viên trong đoàn đã tiếp thu những thông tin mới đang là những chủ đề nóng trong lĩnh vực tư pháp trên thế giới, đồng thời thông tin đến diễn đàn quan điểm của Việt Nam trong những lĩnh vực này, bao gồm thực trạng và những tiến bộ mà Việt Nam đã đạt được trong thời gian qua cũng như xu hướng phát triển trong thời gian tới.
Trao đổi với phóng viên TTXVN tại Pháp, Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình đánh giá cao sự hợp tác với Pháp trong lĩnh vực đào tạo các chức danh tư pháp, cho rằng những kinh nghiệm của Pháp trong lĩnh vực tư pháp là những thông tin bổ ích để Việt Nam có thể tham khảo, đặc biệt trong lĩnh vực xây dựng và phát triển án lệ.
Ông cũng cho rằng việc tích cực tham gia các diễn đàn pháp luật và tư pháp khu vực và quốc tế vừa giúp thu thập thông tin, học hỏi kinh nghiệm tốt trong các lĩnh vực liên quan, vừa góp phần nâng cao hình ảnh và vị thế của Việt Nam nói chung, và của hệ thống tòa án Việt Nam nói riêng trên các diễn đàn khu vực và quốc tế.