Chấn chỉnh “phong trào dạy nghề”

Bảo Dân| 06/06/2017 07:13
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Con số mà Bộ trưởng Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội đưa ra là ở một xã vùng đồng bằng Bắc bộ có tới 600 người ghi tên học nghề hoạn lợn đã cho thấy việc dạy nghề cho nông dân đang tồn tại quá nhiều bất cập.

Mặt trái của “phong trào” dạy nghề ở nông thôn đã phơi bày rõ nét bởi cung cách tổ chức thực hiện dự án quan trọng này.

Thực hiện nhiệm vụ công nghiêp hóa nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới cần phát triển ngành nghề và dịch vụ chuyên nghiệp. Muốn vậy phải dạy nghề cho lực lượng lao động ở nông thôn nhằm đáp ứng được yêu cầu của nông thôn mới với nền nông nghiệp bền vững. Vì vậy, nhà nước đã dành ngân sách ưu tiên đào tạo nghề cho lao động nông thôn và dự án này đã được triển khai mấy năm rồi nhưng xem ra kết quả quá èo uột.

Từ năm 2011 đến 2016, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) đã hỗ trợ đào tạo nghề nông nghiệp cho hơn 1 triệu người, đạt 75% kế hoạch.  Cụ thể hơn, trong đó có hơn 800.000 người có việc làm hoặc nâng cao được hiệu quả của việc làm cũ; hơn 29.000 người được doanh nghiệp tuyển dụng vào làm việc. Một số thành lập được tổ hợp tác hoặc doanh nghiệp. Xin nhắc lại mục tiêu đề ra là 80% lao động có việc làm. Vây con số 1 triệu này có đúng hay là chi có trong báo cáo bởi hàng vạn kỹ sư, cử nhân còn đang thất nghiêp vậy 80 nghìn nông dân vừa mới học nghề thì ai thuê, thuê làm gì mà có việc làm như trong báo cáo?

Ai cũng biết, ở nông thôn đã manh nha nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ bảo đảm toàn thực phẩm, thế sao không dạy môn này mà lại dạy… hoạn lợn, thiến trâu? Nếu 1 người hoạn lợn phục vụ cho 4-5 xã thì số lao động hoạn lợn được đào tạo này đủ phục vụ cho vài tỉnh!

Đáng phàn nàn là kinh phí eo hẹp nhưng người ta vẫn sử dụng sai mục đích nguồn tiền dành cho đào tạo. Tính ra chỉ có 18 tỉnh, thành phố sử dụng kinh phí đào tạo nghề cho nông dân bởi các nơi “sẵn nong sẵn né” dùng luôn cho khoản đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn mới. Vậy là Bộ NN&PTNT và Bộ LĐ- TB&XH lại phải xác minh, xem xét, chấn chỉnh.

Các chuyên gia chỉ ra rằng, để khắc phục tình trạng đào tạo nghề theo phong trào vừa kém hiệu quả vừa lãng phí này, Bộ NN&PTNT và Bộ LĐTB&XH phải cùng địa phương khảo sát cụ thể từng xã, từng huyện xem có bao nhiêu người cần dạy nghề, cần nghề gì, lúc đó mới mở lớp và cần bao nhiêu lớp. Và còn làm thật rõ việc ai dạy, dạy ra làm sao, gắn kết quả đào tạo với trách nhiệm người phụ trách dự án ở từng xã. 

Việc quản lý và giám sát quá trình đào tạo cũng phải huy động cả hai phía: Chính quyền xã và Sở LĐ-TB &XH. Các địa phương phải huy động hệ thống chính trị vào cuộc nhằm chung tay thực hiên nhiệm vụ chính trị quan trọng này. Và điều tối cần thiết là phải có kế hoạch cho địa phương phát triển sản xuất mặt hàng gì, nguyên vật liệu ở đâu, tiêu thụ ra sao…

Duy trì và phát triển nông thôn mới gắn liền với xây dựng nền nông nghiệp từng bước hiện đại đòi hỏi phát triển nhiều ngành nghề và đổi nghề cho nông dân. Tuy nhiên, không thể trong cậy vào phong trào dạy nghề đánh trống ghi tên như hiện nay!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chấn chỉnh “phong trào dạy nghề”