Cảng biển Việt Nam dần khẳng định vị thế trong chuỗi cung ứng toàn cầu

Trang Nhi| 10/05/2022 11:03
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Trong tương lai gần, sẽ còn nhiều cảng biển nước sâu nữa được xây dựng nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế, giao thương. Điều này sẽ khẳng định được vị thế của Việt Nam trong chuỗi giá trị toàn cầu.

Sự tăng trưởng của cảng biển Việt Nam thể hiện rõ trong những hoạt động đang diễn ra gần đây.

Mới đây, sự kiện ngày 5/5, tại Cảng Nghệ Tĩnh, Công ty Cổ phần Cảng Nghệ Tĩnh - thành viên của Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (VIMC), đón tàu container quốc tế đầu tiên có trọng tải hơn 1.000 Teus (khoảng 23.000 tấn) cập cảng, xếp dỡ và vận chuyển hàng hóa đi Ấn Độ được đánh giá là sẽ mở ra hướng phát triển mới cho vận tải biển Việt Nam và thiết lập nhiều tuyến vận tải từ khu vực miền Trung Việt Nam trực tiếp đi đến các cảng trên thế giới.

cang-bien-nuoc-sau-1.jpg
Cảng Cái Mép - Thị Vải lên hàng xuất khẩu.

“Sự kiện này đánh dấu mốc quan trọng và khẳng định vị thế của cảng Cửa Lò - đầu mối vận tải hàng hóa của nhóm cảng biển Bắc Trung bộ. Với chiều dài bến cảng gần 1.000m, có khả năng tiếp nhận tàu trọng tải từ 10.000 tấn đầy tải đến 30.000 tấn (DWT), cùng nhiều thiết bị xếp dỡ tiên tiến, hệ thống kho bãi hiện đại, cảng Cửa Lò đã và đang góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của tỉnh Nghệ An, đồng thời trở thành mắt xích chiến lược trong chuỗi logistics của VIMC...”, ông Lê Quang Trung - Phó Tổng Giám đốc VIMC nhận định tại sự kiện.

Trước đó, cụm cảng biển Cái Mép - Thị Vải cũng liên tục đón nhiều tàu hàng trọng tải lớn. Đặc biệt, tháng 10/2020 cảng đón thành công tàu có trọng tải trên 214.000 tấn, trở thành cảng đầu tiên của Việt Nam và là cảng thứ 19 của thế giới đón được loại tàu mẹ siêu lớn. 

Tàu container nêu trên là một trong số ít tàu container lớn nhất thế giới hiện nay. Sự xuất hiện của các tàu lớn sẽ giúp hàng hóa xuất nhập khẩu của Việt Nam đi thẳng đến các thị trường lớn như châu Âu, Mỹ mà không cần qua các cảng trung chuyển ở Singapore, Malaysia…, giúp tiết kiệm chi phí logistics, tăng tính cạnh tranh, giảm thời gian chuyên chở.

Sau gần 2 năm thử nghiệm, Cảng Quốc tế Cái Mép đã tiếp nhận 4 chuyến tàu container trọng tải trên 194.000 DWT đến 214.121 DWT (chiều dài đến 400m) giảm tải an toàn.

Cùng với các “siêu tàu”, hiện hàng tuần, khu vực cảng Cái Mép - Thị Vải còn đón khoảng 35 chuyến tàu container vào làm hàng, tăng gần gấp rưỡi so với 20 chuyến/tuần giai đoạn từ năm 2016 trở về trước, trong đó có 2 chuyến đi châu Âu, 2 chuyến đi khu vực Âu - Mỹ, 21 chuyến đi Mỹ và 10 chuyến châu Á. Cái Mép - Thị Vải hiện có số lượng tuyến dịch vụ tàu mẹ đi Mỹ và châu Âu hơn hẳn nhiều nước khác trong khu vực Đông Nam Á, chỉ sau Malaysia và Singapore.

cang-bien-nuoc-sau-2.jpeg
Chuyến tàu container quốc tế đầu tiên của Biển Đông Mariner cập Cảng Nghệ Tĩnh.

Ông Nguyễn Xuân Kỳ, Phó Tổng Giám đốc Cảng Quốc tế Cái Mép cho biết, việc khai thác các "siêu tàu" có kích cỡ lớn đang trở thành xu thế của hầu hết các hãng tàu trên toàn thế giới, đòi hỏi các cảng biển phải có khả năng tiếp nhận và xử lý hiệu quả các tàu với kích cỡ lớn để đảm bảo tàu ra vào đúng hành trình. Cảng quốc tế Cái Mép nói riêng và Cái Mép nói chung trở thành một trong những cảng chính trong hải trình của các tuyến dịch vụ này đã chứng minh năng lực của hệ thống cảng biển Việt Nam và sự gia tăng vị trí của Việt Nam trong chuỗi cung ứng toàn cầu.

Với tiềm năng rộng mở, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Xuân Sang cho rằng, nguồn lực cho phát triển cảng biển chủ yếu được huy động từ nguồn ngoài ngân sách, chiếm đến 95% trong tổng nhu cầu vốn. Nguồn vốn ngân sách Nhà nước sẽ tập trung cho hạ tầng công cộng, khu vực trọng điểm để tạo sức lan tỏa và thu hút đầu tư. Hạ tầng cảng biển sẽ được phát triển theo hướng đồng bộ, đi thẳng vào hiện đại, tránh phân tán, nhỏ lẻ.

Lãnh đạo Bộ GTVT đánh giá, việc mời gọi nhà đầu tư vào cảng biển sẽ không quá khó khăn, quan trọng là lựa chọn được nhà đầu tư đủ năng lực.

Theo các chuyên gia, việc thu hút vốn đầu tư xã hội hóa vào hạ tầng cảng biển theo quy hoạch của Chính phủ là hoàn toàn khả thi. Một trong những vấn đề cũng cần chú trọng để nâng cao hiệu quả thu hút đầu tư đó là thủ tục triển khai dự án. Cần có chính sách ưu tiên về đất đai, dành quỹ đất để thực hiện quy hoạch. Bên cạnh đó là chính sách về tài chính như ưu đãi về thuế giá trị gia tăng, thuế nhập khẩu trang thiết bị, thuế thu nhập doanh nghiệp...

Trở lại với câu chuyện các cảng biển đón các "siêu tàu" có thể thấy, việc cảng Nghệ Tĩnh hay cảng Cái Mép bắt đầu đón những con tàu chở hàng siêu trọng có thể xem là một tín hiệu vui, mở ra hướng phát triển mới, định hình các tuyến vận tải từ Việt Nam đến các khu vực trên thế giới sẽ giúp hàng hóa đi và đến Việt Nam được dễ dàng hơn, nhất là trong bối cảnh hiện nay hàng hóa Việt Nam xuất đi các thị trường đang phải "gồng mình" trước chi phí vận tải tăng quá nhanh, khiến hàng hóa Việt kém cạnh tranh.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cảng biển Việt Nam dần khẳng định vị thế trong chuỗi cung ứng toàn cầu