Cần xác định rõ địa vị pháp lý của Cảnh sát biển Việt Nam

Ngọc Mai| 11/04/2018 09:48
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Rà soát, chỉnh lý những vấn đề có liên quan đến nguyên tắc tổ chức, quyền hạn để tránh chồng chéo; đặc biệt là thể hiện rõ hơn địa vị pháp lý của Cảnh sát biển Việt Nam... là ý kiến được nhiều đại biểu đưa ra tại Phiên họp thứ 23 của UBTVQH.

Sau khi nghe Thượng tướng Lê Chiêm, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng trình bày Tờ trình của Chính phủ về Dự án Luật Cảnh sát biển Việt Nam; Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Võ Trọng Việt đã trình bày báo cáo thẩm tra, các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiến hành thảo luận, cho ý kiến vào dự án luật.

Theo các ý kiến phát biểu, trong bối cảnh tình hình thế giới và khu vực có nhiều thay đổi, nhất là để thực hiện Hiến pháp năm 2013; Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020; Nghị quyết số 28-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (Khóa XI) về Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới; để bảo đảm đồng bộ, thống nhất trong hệ thống pháp luật, cũng như tạo cơ sở pháp lý vững chắc, chặt chẽ, đầy đủ cho hoạt động của lực lượng Cảnh sát biển thì việc ban hành Luật Cảnh sát biển Việt Nam là rất cần thiết. 

Làm rõ địa vị pháp lý của Cảnh sát biển

Phát biểu thảo luận tại phiên họp, nhiều ý kiến thành viên UBTVQH, nhấn mạnh quan điểm, việc xây dựng dự án Luật Cảnh sát biển Việt Nam cần quán triệt và thể chế hóa đầy đủ mục tiêu, chính sách của Đảng về định hướng Chiến lược biển đến năm 2020, Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, đặc biệt là định hướng Chiến lược quốc phòng, an ninh, đối ngoại trên biển.

Theo đó, nghiên cứu phân định rõ vị trí, chức năng, nhiệm vụ, phạm vi hoạt động của lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam với các lực lượng khác trên biển, tránh chồng chéo, xung đột, mâu thuẫn về chức năng, nhiệm vụ hoặc “khoảng trống” về trách nhiệm trên biển.

“Phải phân biệt rõ phạm vi hoạt động của lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam, trước hết là giữa Cảnh sát biển Việt Nam với Bộ đội Biên phòng, tránh chồng chéo về chức năng, nhiệm vụ”, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Phan Thanh Bình phát biểu.

Phó Chủ tịch Thường trực QH Tòng Thị Phóng tán thành với quan điểm xây dựng Luật nhằm quán triệt các quan điểm, xác định rõ hơn vị trí, chức năng nhiệm vụ của lực lượng cảnh sát biển Việt Nam để phân định rõ các lực lượng khác: bộ đội biên phòng, lực lượng kiểm ngư… để không chồng chéo, mâu thuẫn, không để khoảng trống pháp lý… Tuy nhiên, Phó Chủ tịch Thường trực QH Tòng Thị Phóng đề nghị, Ban soạn thảo cần có quy định để làm rõ vị trí pháp lý của lực lượng cảnh sát để làm rõ chức năng, nhiệm vụ và phạm vi của lực lượng cảnh sát biển, trong đó có việc chủ trì thực thi pháp luật trên biển. Những vấn đề này cần quy định cụ thể để tránh chồng chéo chức năng nhiệm vụ với các lực lượng khác.

“Tuy được xây dựng trên nền của pháp lệnh, nhưng vấn đề về địa vị pháp lý của lực lượng Cảnh sát biển vẫn chưa rõ được rõ”, ông Nguyễn Khắc Định nhận định.

Cũng nói về địa vị pháp lý, chức năng của Cảnh sát biển Việt Nam, Chủ nhiệm UBQPAN Võ Trọng Việt cho rằng, đây là lực lượng chấp pháp trên biển, vì vậy, địa vị pháp lý, chức năng của lực lượng cần quan tâm bảo đảm theo các thông lệ quốc tế mà Việt Nam tham gia. Có sự phân định rõ về chức năng, nhiệm vụ với lực lượng Bộ đội Biên phòng, Kiểm ngư...

Cần xác định rõ địa vị pháp lý của Cảnh sát biển Việt Nam

Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Võ Trọng Việt phát biểu tại phiên họp

Liên quan đến nội dung về vị trí, chức năng của Cảnh sát biển Việt Nam (Điều 4), Báo cáo thẩm tra về dự án Luật của UBQPAN cho biết, một số ý kiến cho rằng, quy định “Cảnh sát biển Việt Nam là lực lượng vũ trang nhân dân” tại khoản 1 là chưa phù hợp với Hiến pháp và Luật Quốc phòng, chưa rõ về địa vị pháp lý của Cảnh sát biển Việt Nam, dễ dẫn đến cách hiểu Cảnh sát biển Việt Nam không thuộc Bộ Quốc phòng. Có ý kiến đề nghị quy định cụ thể CSB Việt Nam là lực lượng thuộc Bộ Quốc phòng. Ý kiến khác đề nghị cân nhắc quy định này vì dễ gây hiểu là Việt Nam sử dụng lực lượng vũ trang trong giải quyết tranh chấp về kinh tế, về môi trường hay lĩnh vực dân sự.

Về vấn đề trên, UBQPAN cho rằng, dự thảo luật quy định Cảnh sát biển Việt Nam là lực lượng vũ trang nhân dân là kế thừa pháp lệnh hiện hành. Tuy nhiên, để phù hợp với quy định của Hiến pháp và Luật Quốc phòng, nhất là trong tình hình hiện nay, đề nghị Ban soạn thảo thể hiện rõ hơn địa vị pháp lý của Cảnh sát biển Việt Nam.

Báo cáo thẩm tra cũng cho biết thêm, một số ý kiến cho rằng, quy định “Cảnh sát biển Việt Nam là lực lượng chủ trì thực thi pháp luật trên biển” tại khoản 1 là chưa rõ, dẫn đến sự chồng lấn về chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền với các lực lượng chuyên trách khác hoạt động trên biển theo quy định của pháp luật. Đồng thời, đề nghị sửa lại theo hướng Cảnh sát biển Việt Nam thực thi pháp luật về an ninh trật tự, an toàn xã hội trên biển (lãnh hải, vùng tiếp giáp lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế) để phân biệt với các lực lượng khác.

Về các ý kiến này, UBQPAN cho rằng, mỗi lực lượng chuyên trách hoạt động trên biển đều thực hiện chức năng, nhiệm vụ của mình, trong đó, có nhiệm vụ chủ trì, có nhiệm vụ phối hợp với các lực lượng khác… Vì vậy, đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu làm rõ chức năng chủ trì của Cảnh sát biển Việt Nam thực thi pháp luật trên biển, để bảo đảm trên các vùng biển phải có lực lượng chủ trì và chịu trách nhiệm theo nguyên tắc một tổ chức có thể làm được nhiều việc, nhưng một việc chỉ có một tổ chức chịu trách nhiệm.

Tại phiên họp, một số ý kiến thành viên UBTVQH đề nghị cân nhắc quy định tại khoản 1 (Điều 5): “Cảnh sát biển Việt Nam đặt dưới sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng Cộng sản Việt Nam, sự thống lĩnh của Chủ tịch nước, sự quản lý thống nhất của Chính phủ”, vì đây là nguyên tắc chung đối với lực lượng vũ trang theo quy định của Hiến pháp và Luật Quốc phòng, trong khi đó, Cảnh sát biển Việt Nam là một bộ phận quân đội nhân dân. Vì vậy, quy định như dự thảo Luật dễ gây hiểu là Cảnh sát biển Việt Nam được đặt dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Trung ương Đảng, thống lĩnh trực tiếp của Chủ tịch nước và sự quản lý trực tiếp của Chính phủ, mà không thể hiện được vai trò lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp của Quân ủy Trung ương và Bộ trưởng Bộ Quốc phòng.

Bên cạnh đó, cũng có ý kiến đề nghị quy định Cảnh sát biển Việt Nam do Bộ Quốc phòng quản lý, nhưng cần xác định rõ Cảnh sát biển Việt Nam tương đương cấp nào để thực hiện chế độ, chính sách đối với lực lượng này.

Cần đi vào làm rõ cụ thể

Kết luận phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ khẳng định, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cơ bản tán thành sự cần thiết ban hành luật trên cơ sở nâng lên từ Pháp lệnh Cảnh sát biển Việt Nam, trong bối cảnh thình hình thế giới khu vực có nhiều thay đổi, cũng như thực hiện Hiến pháp 2013 và chiến lược biển đến 2020, Nghị quyết 28 về bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới; đảm bảo đồng bộ, thống nhất trong hệ thống pháp luật, tạo cơ sở pháp lý vững chắc, chặt chẽ, đầy đủ cho hoạt động của lực lượng Cảnh sát biển Việt nam.

Dự thảo luật có nhiều nội dung liên quan trực tiếp đến Hiến pháp, đến nhiều luật và các văn bản khác và điều điều ước quốc tế (22 văn bản luật, 16 điều ước quốc tế). Đây là đặc thù của dự án Luật Cảnh sát biển, do đó cần rà soát để đảm bảo chặt chẽ, thống nhất, đặc biệt là liên quan đến chức năng nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền quốc gia, công tác đối ngoại, hợp tác quốc tế.

“Những nội dung chưa được luật pháp quy định nếu được đưa vào dự thảo cần nghiên cứu kỹ, tránh mâu thuẫn về chính sách và phải khả thi. Luật cần tập trung quy định rõ vị trí chức năng, nhiệm vụ, nguyên tắc tổ chức hoạt động, phối hợp hoạt động các nhiệm vụ cụ thể” – ông Đỗ Bá Tỵ nói.

Nhấn mạnh quy định về vị trí, chức năng là nội dung quan trọng, chi phối toàn bộ nội dung dự án, Phó Chủ tịch Quốc hội cho biết, dự thảo xác định Cảnh sát biển Việt Nam là lượng vũ trang nhân dân, lực lượng chuyên trách nòng cốt bảo vệ an ninh quốc gia, chủ trì thực thi pháp luật trên biển, đồng thời bổ sung chức năng bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán quốc gia trên biển.

“So với pháp lệnh hiện hành, vị trí, chức năng của Cảnh sát biển có sự bổ sung thay đổi đáng kể, trong thảo luận cơ bản nhiều ý kiến phân tích và tán thành xác định Cảnh sát biển là lực lượng vũ trang. Tuy nhiên, cần tiếp làm rõ địa vị pháp lý của lực lượng này để đảm bảo tương đồng với các lực lượng khác” – Đại tướng Đỗ Bá Tỵ lưu ý và cho biết thực thi pháp luật trên biển hiện nay có nhiều lực lượng khác tham gia nên việc xác định chức năng của Cảnh sát biển phải phù hợp với tính chất hoạt động của lực lượng, không tạo ra “điểm trống” trên biển nhưng cũng tránh bao trùm và chồng lấn lên chức năng nhiệm vụ của các lực lượng, cơ quan, tổ chức khác.

“Đề nghị cơ quan soạn thảo phân tích làm rõ, nghiên cứu kỹ để phân định rõ vị trí, chức năng của Cảnh sát biển theo đúng chủ trương của Đảng, nghị quyết của Quốc hội là một cơ quan tổ chức có thể đảm nhiệm nhiều việc, nhưng một việc chỉ do một tổ chức chủ trì và chịu trách nhiệm chính” – Phó Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh và cho rằng luật này cần đi vào làm rõ cụ thể trình tự thủ tục, căn cứ thẩm quyền để xác định các nội dung hoạt động, cần phân định cụ thể biện pháp nghiệp vụ và biện pháp công tác trong việc thực hiện nhiệm vụ.

Phó Chủ tịch Quốc hội cũng nhấn mạnh: Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Ban Soạn thảo, cơ quan chủ trì thẩm tra tiếp thu đầy đủ các ý kiến phát biểu tại Phiên họp, tiếp tục chỉnh lý, hoàn thiện và gửi xin ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội trước khi xin ý kiến các Đoàn đại biểu Quốc hội trong thời gian tới.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cần xác định rõ địa vị pháp lý của Cảnh sát biển Việt Nam