Cẩn trọng với “bẫy” tín dụng tiêu dùng

Trần Lan| 15/07/2016 07:23
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Khiếu nại liên quan đến tín dụng tiêu dùng chiếm tới hơn 80% tổng số phản ánh, khiếu nại trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng nói chung...

Rất nhiều người tiêu dùng (NTD) được chào mời vay tiêu dùng với mức lãi suất nghe có vẻ vừa phải chỉ 2-3%/tháng, tức là khoảng hơn 20-30%/năm, nhưng sau khi ký hợp đồng vay tín dụng, mới “ngã ngửa” vì lãi suất thực tế có thể gấp đôi, thậm chí gấp ba lần số lãi suất được thông tin ban đầu.

80% khiếu nại của NTD liên quan đến tín dụng tiêu dùng

Tín dụng tiêu dùng là loại tín dụng được cấp phát cho cá nhân để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng dưới hình thức vay trả góp mua sắm hay vay tiền mặt. Loại tín dụng này thường được dùng để mua sắm hàng hóa, dịch vụ… cho mục đích sử dụng cá nhân hoặc gia đình. Người vay tín dụng tiêu dùng không phải thế chấp tài sản mà chỉ cần chứng minh thu nhập và sẽ phải trả một phần gốc và lãi hàng tháng.

Tại Việt Nam, theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước, tổng dư nợ cho vay tiêu dùng đã tăng trưởng trung bình gần 20%/năm (ước tính hiện có khoảng 15,8 triệu người là khách hàng tiềm năng của các công ty cung cấp tín dụng tiêu dùng).

Tính đến tháng 12-2015, Việt Nam có 16 công ty tài chính. Tốc độ tăng trưởng của thị trường tín dụng tiêu dùng đến tháng 8-2014 là 18%.

Cẩn trọng với “bẫy” tín dụng tiêu dùng

Không khó để bắt gặp những tờ quảng cáo vay tín chấp dán trên cột điện

Những số liệu trên cho thấy, thị trường cho vay tiêu dùng tại Việt Nam phát triển nhanh chóng. Tuy nhiên, một con số được ông Trịnh Anh Tuấn- Phó Cục trưởng Cục quản lý cạnh tranh (Bộ Công Thương) đưa ra tại hội thảo “Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong lĩnh vực tín dụng tiêu dùng - Thực trạng và giải pháp” hôm 13/7 khiến người ta không khỏi e ngại. Đó là  khiếu nại liên quan đến tín dụng tiêu dùng chiếm tới hơn 80% tổng số phản ánh, khiếu nại trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng nói chung.

Ông Tuấn cho biết mặc dù giá trị các tranh chấp này không lớn, nhưng sự việc ảnh hưởng nghiêm trọng đến tài chính, danh dự, sức khỏe của người tiêu dùng. Điều này cũng ảnh hưởng đến sự phát triển của thị trường tín dụng tiêu dùng.

Theo Phòng bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (Cục quản lý cạnh tranh), quyền lợi của NTD trong lĩnh vực tín dụng tiêu dùng bị vi phạm khá phổ biến. Đó có thể là việc công ty tài chính cung cấp thông tin không đầy đủ, không chính xác, có dấu hiệu cố tình gây nhầm lẫn, lừa dối...; Sử dụng thông tin thu nhập không đúng mục đích; Công tác tiếp nhận và giải quyết khiếu nại thiếu chuyên nghiệp, kém hiệu quả. Nghiêm trọng hơn là quấy rối, đe dọa, gây ảnh hưởng tới uy tín, danh dự của NTD  trong quá trình thu hồi nợ.

Nói về thực trạng vi phạm quyền lợi NTD trong lĩnh vực vay tín dụng tiêu dùng, ông Hồ Tùng Bách, Phòng bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng cho biết khi chào mời, thường các tổ chức tín dụng tiêu dùng cung cấp thông tin lãi suất với người vay chỉ khoảng chỉ 2-3%/tháng, tức khoảng hơn 20-30%/năm, nhưng sau khi ký hợp đồng vay tín dụng, người tiêu dùng mới “ngã ngửa” vì lãi suất thực tế có thể lên tới 60- 80%/năm.  Nguyên do là  NTD đã ký hợp đồng vay tiêu dùng song lại không được cung cấp hợp đồng, mà chỉ được cấp 1 chiếc thẻ ATM, hoặc một vài giấy tờ về thời hạn trả nợ, còn hợp đồng được sẽ gửi đến người tiêu dùng qua bưu điện. Cách thức này dẫn tới những vi phạm trong hoạt động tín dụng tiêu dùng bởi không ít hợp đồng bỏ trống phần lãi suất cho vay khi NTD đặt bút ký

Bên cạnh đó, nhiều tổ chức tín dụng tiêu dùng khi tư vấn cho khách hàng thì hoàn toàn không cung cấp thông tin gì về thời hạn, phương thức trả nợ; quá hạn trả nợ sẽ ra sao…Cũng vì những mập mờ trong quá trình tư vấn về vay tiêu dùng, khi NTD chưa kịp trả nợ thì liên tục nhận được điện thoại, tin nhắn với những lời lẽ làm phiền và đe dọa các thành viên trong gia đình.

Ngoài sự mập mờ của công ty tài chính trong quá trình làm thủ tục cho vay, người tiêu dùng còn gặp nguy cơ lớn khi dính phải tín dụng đen. Phó Cục trưởng Cục Quản lý cạnh tranh Trịnh Anh Tuấn nhận xét hiện đang có sự “nhập nhằng” giữa tín dụng tiêu dùng chính thống với tín dụng “đen”. Ông dẫn chứng: “Trên đường đi làm, tôi thấy khá nhiều cột điện bên đường đều được dán giấy giới thiệu cho vay với nội dung vay không cần thế chấp, chỉ cần gọi số điện thoại là vay ngay được tiền. Tiềm ẩn sau những quảng cáo đó là nhiều nguy cơ bất lợi, có người phải bán nhà vì vay như vậy”.

Làm gì để tránh “bẫy”?

Để tránh rơi vào “bẫy” tín dụng tiêu dùng, các chuyên gia cho rằng, đầu tiên phải nâng cao nhận thức và kiến thức của người tiêu dùng để tiêu dùng thông minh và có trách nhiệm.

Cục Quản lý cạnh tranh khuyến cáo với NTD trước khi ký các hợp đồng vay tiêu dùng trả góp cần đề nghị công ty tài chính cung cấp rõ quy trình ký hợp đồng. Nếu hợp đồng được chuyển cho người vay sau khi ký thì cần hỏi rõ về thời gian và trách nhiệm của công ty khi người vay không nhận được hợp đồng. Người tiêu dùng cần đề nghị công ty cung cấp hợp đồng mẫu hoặc dự thảo hợp đồng sẽ ký kết với người vay để nghiên cứu trước. Ngoài ra phải đề nghị công ty tài chính cung cấp thông tin (địa chỉ, email, điện thoại) để liên hệ, đặc biệt khi cần cũng như yêu cầu cung cấp các tài liệu liên quan khác ràng buộc nghĩa vụ của các bên.

Cẩn trọng với “bẫy” tín dụng tiêu dùng

Người tiêu dùng cần hiểu rõ quyền và trách nhiệm của mình với các hợp đồng tín dụng tiêu dùng

Để minh bạch thị trường tài chính tiêu dùng, theo các chuyên gia, các cơ quan chức năng cũng phải xây dựng khuôn khổ pháp lý quy định về hoạt động cho vay tiêu dùng với nguyên tắc bảo đảm sự hài hòa giữa lợi ích người tiêu dùng - lợi nhuận của doanh nghiệp - sự phát triển lành mạnh của thị trường; Khuyến khích môi trường cạnh tranh lành mạnh, điều tiết sự phát triển của thị trường; Nâng cao trách nhiệm giám sát và quản lý của cơ quan.

Theo TS Đinh Thị Thanh Nhàn, Khoa Kinh tế và Luật, Đại học Thương mại Hà Nội, để giải quyết vấn đề lãi suất cho vay tiêu dùng, trong ngắn hạn cần nới lỏng mức lãi suất trần cho vay tiêu dùng, quy định cụ thể giới hạn thu các khoản phí trong các hợp đồng cho vay tiêu dùng. Còn trong dài hạn, phải hạn chế sử dụng công cụ lãi suất trần; tăng cường quản lý bằng các biện pháp khác như kiểm soát quy trình, giới hạn rủi ro, tăng cường cơ chế giám sát thông tin đảm bảo tính minh bạch trong việc tính toán áp dụng lãi suất.

Từ kinh nghiệm quốc tế, bà Phạm Quế Anh, chuyên gia Tổ chức Hợp tác Quốc tế Đức GIZ cho rằng có 4 nguyên tắc cơ bản trong cơ chế đảm bảo quyền lợi người tiêu dùng trong tín dụng tiêu dùng. Đó là (1) Minh bạch- Người tiêu dùng biết chính xác họ đang nhận về mình những gì (2) Đối xử công bằng- Người tiêu dùng được đối xử công bằng và không bị chào mời, lừa ép mua các sản phẩm tín dụng tiêu dùng có hại hoặc không thích hợp; (3)Xử lý khiếu nại hiệu quả- Các khiếu nại của người tiêu dùng được xử lý một cách kịp thời, hiệu quả và công bằng; (4) Nâng cao nhận thức của người tiêu dùng-Người tiêu dùng hiểu rõ quyền và trách nhiệm của mình, có nhận thức cơ bản về các sản phẩm tài chính.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cẩn trọng với “bẫy” tín dụng tiêu dùng