Cần tăng cường dự trữ, linh hoạt phân phối và trạm trung chuyển khi Covid-19 kéo dài

Tuấn Phong| 08/08/2021 08:21
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Trong bối cảnh dịch bệnh bùng phát và kéo dài, nhiều chợ đầu mối, siêu thị phải tạm ngừng hoạt động do liên quan các ca nhiễm COVID-19, một số chuyên gia thương mại cho rằng: Cần khơi thông nguồn hàng, hệ thống phân phối, tăng cường dự trữ hàng, thậm chí có thể dùng bến xe, sân vận động để làm trạm trung chuyển hàng hóa nhằm tránh đứt gãy nguồn cung.

Ngày 7/8/2021, ông Vũ Vinh Phú, nguyên Phó Giám đốc Sở Thương mại, nguyên Chủ tịch Hội Siêu thị Hà Nội nhận định: “Hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại của Việt Nam hiện đảm nhiệm 20% doanh số bán lẻ, chỉ phục vụ được 10% hàng thực phẩm tươi sống thiết yếu, còn 90% nhóm hàng này tập trung tại các chợ, cửa hàng tạp hóa, siêu thị mini ”.

Theo ông Vũ Vinh Phú, tại TP Hồ Chí Minh - nơi đang là tâm dịch phía Nam- mặc dù lực lượng chức năng có nhiều cố gắng trong chỉ đạo hệ thống phân phối bán buôn, bán lẻ nhưng vì lực có hạn, sự chuẩn bị để đón đợt dịch bùng phát lớn chưa được đầy đủ, nên dẫn tới những lúng túng trong điều hành nguồn hàng, gắn kết chuỗi sản xuất phân phối, tổ chức bán cho người tiêu dùng… Từ đó dẫn tới hàng có nơi bị thiếu “giả tạo”, mua bán bị đứt đoạn phiền hà, giá một số mặt hàng có những thời điểm tăng đột biến.

Tại Hà Nội, chuỗi cung ứng hàng hoá cho hơn 10 triệu người dân Hà Nội cũng đang khiến nhiều người lo lắng vì tính đến ngày 4/8, có 20 chợ đầu mối và chợ dân sinh dừng hoạt động. Các chợ đầu mối đang tạm đóng cửa như phía Nam, Minh Khai, chợ Long Biên..., là những nơi trung chuyển, tập kết phần lớn hàng hoá nông sản, thực phẩm cho thủ đô. Chưa kể liên quan tới các ca nhiễm COVID-19 tại Công ty TNHH cung ứng thực phẩm Thanh Nga, hiện có tới 52 siêu thị, cửa hàng tiện lợi phải đóng cửa khiến cung ứng nông sản gặp khó khăn. Giá một số mặt hàng thực phẩm, rau xanh tại các chợ dân sinh đã bắt đầu tăng.

1.jpg
Cơ quan chức năng phong tỏa chợ đầu mối phía Nam sáng 28/7 vì một tiểu thương bán trứng tại chợ dương tính với SARS-CoV-2.

Trong bối cảnh này, theo ông Vũ Vinh Phú, bài học cho Hà Nội hay nhiều địa phương khác là tổ chức nguồn hàng cho hệ thống phân phối phải đảm bảo liên tục, không để đứt gãy bởi những trở ngại của việc phòng chống dịch trên các cung đường vận chuyển, tạo những "luồng xanh" vận chuyển hàng hóa. “Việc này cần có sự phối hợp của ngành giao thông vận tải, các địa phương cung ứng hàng cho thành phố; lực lượng công an, y tế, quản lý thị trường, phải có một tổ chức chỉ huy thống nhất để giải quyết kịp thời những vướng mắc phát sinh hàng ngày hàng giờ”, ông Vũ Vinh Phú cho biết.

Việc dự trữ hàng tại các chợ đầu mối hay kho hàng ở các đơn vị bán lẻ có vai trò rất quan trọng trong việc tạo sự ổn định tâm lý mua bán của người dân thành phố, giá cả ổn định để tránh tình trạng kẻ xấu lợi dụng mua vét hàng hóa để đẩy giá lên cao.

“Hà Nội cần kích hoạt ngay kịch bản lập chợ đầu mối tạm, chợ dã chiến hay kho trữ hàng dã chiến tại các khu đất trống trong nội thành hoặc ở các quận ngoại thành như: Long Biên, Gia Lâm... Việc này giúp thay thế cho các chợ đầu mối đóng cửa để các tiểu thương có địa điểm tập kết, luân chuyển hàng, tránh đứt gãy chuỗi cung ứng”, bà Vũ Thị Hậu - Chủ tịch Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam đề xuất. Tại chợ đầu mối dã chiến, các tiểu thương phải tuân thủ nghiêm phòng dịch, phải có test nhanh COVID-19 âm tính mới được bán hàng tại chợ.

2.jpg
Theo Sở Công Thương Hà Nội, tính đến nay trên địa bàn có 8.216 điểm bán hàng bình ổn giá đã được niêm yết công khai; đồng thời 2.500 điểm bán hàng lưu động do các quận, huyện, thị xã bố trí sẵn sàng kích hoạt.

Theo Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam, hằng ngày lượng hàng từ các tỉnh về Hà Nội lên tới hàng trăm nghìn tấn các loại. Nếu việc tổ thức phân phối chậm, chậm lập chợ đầu mối dã chiến, hàng hoá ùn tắc, sẽ khiến giá tại các chợ dân sinh bị đẩy cao, tiểu thương lấy hàng khó khăn.

Mới đây, đại diện Sở Nông nghiệp & Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Hà Nội đã đề nghị thành phố Hà Nội dùng bến xe Yên Nghĩa (quận Hà Đông), sân vận động huyện Thanh Trì, sân vận động huyện Hoài Đức và một số vị trí khác tại huyện Gia Lâm để làm điểm trung chuyển nông sản, hàng hoá thiết yếu. Ngoài ra, đề xuất với Bộ NN&PTNT cho sử dụng Trung tâm Xúc tiến thương mại của Bộ tại quận Cầu Giấy làm nơi tập kết trung chuyển hàng từ các tỉnh, giảm tải cho chợ đầu mối.

Trong khi tìm địa điểm để lập trạm trung chuyển, Sở Công Thương Hà Nội đang cùng các doanh nghiệp mở các điểm bán lưu động tới từng cụm dân cư. Ví dụ tại phường Bạch Mai (quận Hai Bà Trưng) có 2 điểm bán rau và thịt cho người dân ở phố Bạch Mai và Hồng Mai với giá cả hợp lý. Ngoài ra, các kênh bán trực tuyến, qua sàn thương mại điện tử, điện thoại, hay bán hàng combo, đi chợ hộ... đều đang được đẩy mạnh nhằm giảm tải cho kênh bán trực tiếp truyền thống.

Để nguồn cung hàng hoá thiết yếu không bị đứt gãy, bà Trần Thị Phương Lan - quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội cho biết: Sở đang tìm các nơi đất trống, bến xe đang dừng hoạt động, sân vận động hay các chợ chưa hoạt động hết công suất... tại các cửa ngõ ra vào Hà Nội, để làm nơi trung chuyển hàng hoá, giãn cách cho các chợ đầu mối đang tạm đóng; hoặc chia nhỏ các điểm tập kết, các điểm bán hàng để không làm đứt gãy nguồn cung.

“Trong thời gian thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 17 của UBND thành phố Hà Nội, việc cung ứng hàng hóa cho người dân đảm bảo đầy đủ, giá cả bình ổn, không để thiếu hàng, ‘sốt’ hàng, không để người dân không mua sắm được hàng hóa thiết yếu”, bà Trần Thị Phương Lan nhấn mạnh. Phía Sở Công thương Hà Nội dự kiến một số điểm, gồm Bến xe Hà Đông; Cụm công nghiệp Nam Hà Nội; Khu tái định cư tại Tiên Dược, Sóc Sơn; Khu triển lãm tại 489 Hoàng Quốc Việt và 1 điểm ở Gia Lâm... để trung chuyển hàng hóa, hạn chế vào các chợ đầu mối sâu trong nội thành.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cần tăng cường dự trữ, linh hoạt phân phối và trạm trung chuyển khi Covid-19 kéo dài