Các ĐBQH cho rằng, việc mở rộng chủ thể ký kết thỏa thuận quốc tế đến UBND cấp huyện và UBND cấp xã cần được cân nhắc thận trọng. Chủ thể ký kết phải có năng lực nhất định, do đó không phải cơ quan, tổ chức nào cũng được trao quyền ký kết.
Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 9, sáng 17/6, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật Thỏa thuận quốc tế.
Dự thảo Luật trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp này gồm 7 chương, 53 điều quy định về thẩm quyền, trình tự, thủ tục ký kết, sửa đổi, bổ sung, gia hạn, chấm dứt hiệu lực, tạm đình chỉ thực hiện và tổ chức thực hiện thỏa thuận quốc tế.
Thảo luận tại hội trường, đa số ý kiến đại biểu thống nhất với sự cần thiết ban hành Luật Thỏa thuận quốc tế. Bên cạnh đó, nhiều đại biểu yêu cầu làm rõ hơn chủ thể ký kết thỏa thuận quốc tế.
ĐBQH Trần Văn Mão (Đoàn Nghệ An), băn khoăn về tính khả thi trong thực tiễn của quy định mở rộng chủ thể ký kết thỏa thuận quốc tế đến UBND cấp huyện và UBND cấp xã. Các đại biểu đề nghị ban soạn thảo cân nhắc kỹ lưỡng vì về cả cơ sở pháp lý và các nguồn lực hiện nay chưa bảo đảm cho việc ký kết và thực hiện các thỏa thuận quốc tế đến cấp huyện, xã.
Theo ĐBQH Nguyễn Thanh Xuân (đoàn Cần Thơ), luật quy định theo hướng mở rộng chủ thể được ký thỏa thuận quốc tế phù hợp với xu hướng đa dạng về nội dung, quy mô, cấp độ quản lý trong ký kết hợp tác quốc tế, nghĩa là cơ hội tốt trong việc mở rộng hợp tác quốc tế.
Tuy nhiên, đại biểu Nguyễn Thanh Xuân cũng băn khoăn việc quy định UBND cấp huyện, xã, nhất là UBND cấp xã cũng là chủ thể ký thỏa thuận.
“Tôi lo lắng không biết năng lực và am hiểu trong thỏa thuận quốc tế ở cấp này như thế nào, đặc biệt là các lĩnh vực nhạy cảm. Mặc dù Điều 23 của dự luật có quy định trình tự, thủ tục trước khi ký phải xin ý kiến cơ quan đối ngoại cấp tỉnh”, đại biểu Nguyễn Thanh Xuân nêu ý kiến.
“Việc ký thỏa thuận chỉ là một phần của thỏa thuận vấn đề triển khai và quản lý thực thi thỏa thuận cũng rất quan trọng, phải có năng lực mới làm tốt được công tác triển khai này. Vì thế, tôi đề xuất Ban soạn thảo cân nhắc thêm quy định chủ thể này sao cho phù hợp”, đại biểu Nguyễn Thanh Xuân kiến nghị.
Đại biểu Quốc hội Đôn Tuấn Phong (đoàn An Giang) phát biểu.
Làm rõ hơn vấn đề này, ĐBQH Đôn Tuấn Phong (đoàn An Giang) đưa ra con số, trong 10 năm thực hiện Pháp lệnh Thỏa thuận quốc tế, cấp huyện, xã đã ký 16 thỏa thuận, chiếm khoảng 0,8% tổng số thỏa thuận quốc tế được ký kết trong giai đoạn này.
Đại biểu Đôn Tuấn Phong cũng bày tỏ sự băn khoăn đối với năng lực thẩm định, thực hiện các ký kết thỏa thuận quốc tế ở cấp xã; Quy định về thủ tục làm sao để đảm bảo vừa thông thoáng nhưng chặt chẽ trong quản lý hoạt động hợp tác quốc tế của các cấp, nhất là cấp huyện, cấp xã. Ngoài ra, cân nhắc xem xét quy định điều chỉnh thỏa thuận có liên quan đến viện trợ.
“Nhiều thỏa thuận chúng ta không thể thỏa thuận chung được mà trong đó phải có các nội dung hợp tác thực chất. Để hợp tác thực chất thì chắc chắn phải có các nội dung hợp tác về mặt kỹ thuật, viện trợ về kỹ thuật hay là tài chính… Nếu chúng ta tách ra, vô hình chung rất nhiều các thỏa thuận sẽ phải điều chỉnh”, đại biểu Đôn Tuấn Phong nói.
Lo lắng khả năng xảy ra các tranh chấp và xử lý tranh chấp sau khi ký kết thỏa thuận quốc tế, ĐBQH Trương Trọng Nghĩa (đoàn TP Hồ Chí Minh) nêu ý kiến: “Tôi rất băn khoăn khi mình cho ký nhiều quá, rộng quá có thể phát sinh nhiều vấn đề, hệ lụy và đặc biệt là tranh chấp, xung đột, kiện cáo. Tôi đề nghị đối với Nhà nước, thì chỉ đến UBND tỉnh có thể mở rộng đến các cơ quan chuyên môn cấp tỉnh. Nếu như huyện và xã có thỏa thuận nào đó thì cũng nên để cho các UBND tỉnh đó ký”.
Theo đại biểu Nghĩa phân tích, các xã không đủ chuyên gia, cũng có khi có những lợi ích thiết thực, người ta thấy hay quá đã trao đổi, nhận ứng hàng, ứng tiền… sau này không làm được, lại phát sinh kiện cáo rất là phức tạp.
Liên quan tới vấn đề này, trước đó trình bày báo cáo thẩm tra về dự án Luật tại phiên họp Quốc hội sáng ngày 22/5, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu cho biết, các ý kiến tham gia thẩm tra đều nhất trí về sự cần thiết ban hành Luật Thỏa thuận quốc tế theo Tờ trình của Chính phủ.
Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng việc mở rộng chủ thể ký kết thỏa thuận quốc tế đến UBND cấp huyện và UBND cấp xã cần được cân nhắc thận trọng, bởi hợp tác quốc tế luôn tiềm ẩn những vấn đề nhạy cảm về chính trị, đối ngoại, quốc phòng, an ninh đòi hỏi cơ quan, tổ chức tham mưu. Chủ thể ký kết phải có năng lực nhất định, do đó không phải cơ quan, tổ chức nào cũng được trao quyền ký kết.
ĐBQH Đỗ Ngọc Thịnh (Đoàn Khánh Hòa). Ảnh Quochoi
Tại phiên thảo luận một số đại biểu cũng nêu ý kiến cần bổ sung, làm rõ hơn dự thảo luật và quy định chi tiết hơn về khái niệm thỏa thuận quốc tế để phân biệt với hợp đồng dân sự và làm rõ hơn phạm vi điều chỉnh của luật.
Đại biểu Đỗ Ngọc Thịnh (Đoàn Khánh Hòa) đề nghị “Để tăng cường quản lý, phòng ngừa rủi ro, đề nghị cần quy định cụ thể một số nội dung yêu cầu bắt buộc đối với thỏa thuận quốc tế liên quan đến đầu tư”, đại biểu Đỗ Ngọc Thịnh nhấn mạnh.
Cho rằng không ít thỏa thuận quốc tế hiện nay chỉ mang tính chất ngoại giao, chưa thực chất, chưa gắn với cơ chế thực thi, thực hiện đầy đủ nội dung đã cam kết, đại biểu Trần Hồng Nguyên (Bình Thuận) đề nghị cần xác định rõ mục tiêu của việc sử dụng công cụ thỏa thuận quốc tế để xây dựng khung pháp luật cho phù hợp với việc ký kết và thực hiện thỏa thuận quốc tế, đồng thời thiết kế cơ chế thực thi phù hợp bảo đảm hiệu quả, phù hợp với đặc điểm, điều kiện quốc gia.
Giải trình ý kiến của đại biểu Quốc hội, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh cho biết Ban soạn thảo sẽ tiếp thu toàn bộ ý kiến của các đại biểu Quốc hội để chỉnh sửa dự thảo Luật.
Ban soạn thảo nhận thấy các đại biểu nhất trí cao với sự cần thiết ban hành Luật Thỏa thuận quốc tế để thay cho Pháp lệnh thỏa thuận quốc tế. Các trao đổi, đóng góp, ý kiến tập trung vào một số nội dung lớn như: phạm vi điều chỉnh nội hàm, nội dung cốt lõi của Luật Thỏa thuận quốc tế; làm rõ chủ thể của thỏa thuận quốc tế khi dự thảo Luật đã mở rộng nhiều về chủ thể ký kết các thỏa thuận quốc tế so với Pháp lệnh trước đó; thẩm quyền, trách nhiệm của các cơ quan ký thỏa thuận quốc tế được quy định như thế nào trong dự thảo luật; xem xét, bổ sung thêm một số chủ thể, trong đó có các tổ chức chính trị nghề nghiệp hoặc đơn vị sự nghiệp công lập vào phạm vi điều chỉnh trong dự thảo luật...
"Đây là những nội dung lớn, Ban soạn thảo xin tiếp thu ý kiến của các đại biểu Quốc hội và sẽ tiếp tục phối hợp với cơ quan thẩm tra và các cơ quan liên quan để hoàn thiện dự thảo Luật Thỏa thuận quốc tế để đảm bảo chất lượng, đặc biệt là tính thống nhất của dự thảo luật so với các văn bản quy phạm pháp luật," Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh cho biết.
Theo Tờ trình của Chính phủ về dự án Luật Thỏa thuận quốc tế: Việc xây dựng Luật Thỏa thuận quốc tế nhằm hoàn thiện quy định của pháp luật hiện hành về công tác ký kết và thực hiện các văn bản hợp tác quốc tế không là điều ước quốc tế, bảo đảm sự thống nhất của hệ thống pháp luật; quy định rõ quyền hạn, trách nhiệm của các cấp, các ngành từ Trung ương đến địa phương trong công tác thỏa thuận quốc tế. Về chủ thể ký kết thỏa thuận quốc tế, theo Pháp lệnh 2007, cơ quan nhà nước ở Trung ương bao gồm cơ quan của Quốc hội, cơ quan giúp việc của Quốc hội, Tòa án Nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao, Kiểm toán Nhà nước, bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ. So với Pháp lệnh 2007, phạm vi điều chỉnh của Dự án Luật mở rộng thêm quy định về việc ký kết, thực hiện thỏa thuận quốc tế nhân danh Nhà nước, Chính phủ; thỏa thuận quốc tế nhân danh tổng cục, cục thuộc bộ, cơ quan chuyên môn của UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; thỏa thuận quốc tế nhân danh UBND cấp huyện, xã; cơ quan cấp tỉnh của tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp. |