Thẩm tra Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội nhiệm kỳ khóa XIII, Ủy ban Pháp luật cơ bản tán thành với Tờ trình của Chính phủ. Tuy nhiên nhiều ý kiến đưa ra bàn thảo về tính cần thiết và khả thi của các dự án luật, pháp lệnh, trong đó có Luật Xử lý hành chính các hành vi cản trở hoạt động tố tụng của TAND…
Một phiên tòa xét xử lưu động
Dự án luật, pháp lệnh cần có tính khả thi
Theo Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường, đề nghị của Chính phủ về chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội nhiệm kỳ khóa XIII (2011-2016) gồm 115 dự án (3 bộ luật, 104 luật, 1 nghị quyết của Quốc hội, 6 pháp lệnh và 1 nghị quyết của Ủy ban thường vụ Quốc hội).
Trong tổng số 115 dự án này có 20 dự án được chuyển từ Chương trình chính thức khóa XII sang, 51 dự án là luật, pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều và luật sửa đổi 21 dự án đã được đưa vào Chương trình chính thức năm 2011 và 31 dự án đã được đưa vào Chương trình chính thức năm 2012 nhiệm kỳ khóa XIII. Các dự án được phân thành 6 lĩnh vực theo các tiêu chí được xác định trong Nghị quyết số 48-NQ/TW của Bộ Chính trị.
Xét về số lượng, số các dự án được Chính phủ đề nghị đưa vào Chương trình khóa XIII ít hơn số các dự án mà Chính phủ đã đề nghị đưa vào Chương trình khóa XII và có tính khả thi.
Các ý kiến đều thống nhất cần phải làm rõ tính khả thi và chất lượng dự án luật, pháp lệnh đã ban hành đi vào cuộc sống ở mức độ nào. Các dự án luật phải tập trung thể chế hóa được các văn kiện của Đại hội Đảng lần thứ XI. Ưu tiên đưa vào Chương trình những dự án cần thiết phải ban hành thuộc Chương trình chưa được Quốc hội khóa XII thông qua và chỉ đưa vào các dự án đã thuyết minh rõ ràng, kiên quyết không đưa những dự án chưa đáp ứng đủ các điều kiện cần thiết theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
Bên cạnh đó, nhiều ý kiến cũng cho rằng việc đưa các dự án luật, pháp lệnh vào Chương trình phải tính đến thời gian của nhiệm kỳ, khả năng của cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra, tránh dồn quá nhiều dự án vào một cơ quan nhằm bảo đảm đúng tiến độ và chất lượng của dự án.
Luật hay pháp lệnh xử lý hành vi cản trở hoạt động tố tụng của Tòa án?
Xem xét các dự án luật, pháp lệnh được đề xuất (trong đó có 11 dự án thuộc lĩnh vực tổ chức và hoạt động của các thiết chế trong hệ thống chính trị; 8 dự án luật trong lĩnh vực quyền con người, quyền tự do dân chủ của công dân; 34 dự án thuộc lĩnh vực dân sự, kinh tế; 40 dự án liên quan đến lĩnh vực giáo dục - đào tạo, khoa học - công nghệ, y tế, thể thao, dân tộc và chính sách xã hội; 21 dự án trong lĩnh vực quốc phòng - an ninh, trật tự an toàn xã hội…), Ủy ban Pháp luật cơ bản tán thành với Tờ trình của Chính phủ.
Tuy nhiên, Ủy ban này cho rằng trước mắt không ban hành Luật Ban hành quyết định hành chính vì hiện ta đã có nhiều luật, pháp lệnh quy định về thẩm quyền, thủ tục ban hành quyết định hành chính. Hơn nữa, Chính phủ đã có Nghị định về kiểm soát thủ tục hành chính và cũng đang chỉ đạo thực hiện chủ trương đơn giản hóa thủ tục hành chính theo Nghị quyết số 25/NQ-CP của Chính phủ, trong đó có đơn giản hóa thủ tục ban hành quyết định hành chính.
Ủy ban Pháp luật cũng đề nghị không nên quy định thành luật đối với dự án Luật Xử lý hành chính các hành vi cản trở hoạt động tố tụng của TAND như đề nghị của Chính phủ.
“Tại Điều 390 của BLTTDS đã quy định Ủy ban thường vụ Quốc hội quy định thủ tục, thẩm quyền xử phạt, mức tiền phạt các hành vi cản trở hoạt động tố tụng dân sự. Do đó, nên đưa vào Chương trình dự án Pháp lệnh…” - Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý nêu quan điểm.
Đồng tình với ý kiến trên, Phó Chánh án TANDTC Trần Văn Tú đề nghị chuyển thành Pháp lệnh Xử lý hành chính các hành vi cản trở hoạt động tố tụng của TAND. Ý kiến này được nhiều đại biểu tán thành.
Cũng tại phiên họp, đa số các ý kiến đề nghị nghiên cứu dự án Luật về Chủ tịch nước. “Luật Chủ tịch nước là rất cần thiết vì hiện nay, vai trò, chức năng của Chủ tịch nước được quy định tại chương 7 Hiến pháp là rất khó thực hiện. Các điều từ 101 đến 108 trong Hiến pháp về Chủ tịch nước cần được thể chế hóa, luật hóa…” - Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan phát biểu.
Về Luật Quân đội nhân dân Việt Nam và sửa đổi Luật Công an nhân dân, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng - An ninh Nguyễn Kim Khoa khẳng định muốn xây dựng và sửa đổi được hai luật này thì tới đây phải giải quyết được vấn đề Chủ tịch nước thống lĩnh lực lượng vũ trang thế nào. “Nếu Luật Chủ tịch nước xây dựng sau hai Luật này thì sẽ gặp rất nhiều khó khăn, phải điều chỉnh nhiều…” - ông Khoa nhấn mạnh.
Kiều Trinh