Tiếp tục phiên họp thứ 37, sáng nay 9/4, UBTVQH cho ý kiến vào dự thảo Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi) và dự thảo Luật Tổ chức chính quyền địa phương. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng chủ trì phiên họp.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng phát biểu tại phiên họp
Có nên quy định “cứng” cấp phó cơ quan?
Báo cáo giải trình tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi) của UBTVQH do Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý trình bày cho thấy, về cơ bản, các ĐBQH đều nhất trí với sự cần thiết ban hành Luật và tán thành nhiều nội dung của Dự thảo Luật.
Về cơ cấu tổ chức Chính phủ, nhiều ý kiến cho rằng không nên quy định cứng số lượng, tên gọi các Bộ, cơ quan ngang Bộ như trong Dự thảo Luật đã trình Quốc hội cho ý kiến từ kỳ họp thứ 8. Thực tế cho thấy, cách làm như hiện nay là vào đầu nhiệm kỳ của mỗi khóa Quốc hội, Quốc hội quyết định cụ thể số lượng, tên gọi của các Bộ, cơ quan ngang Bộ cho nhiệm kỳ đó cơ bản vẫn thực hiện tốt và phù hợp, không có vướng mắc, bất cập. Nhưng có ý kiến đề nghị quy định cụ thể vấn đề này ngay trong Luật vì cho rằng hiện nay,các lĩnh vực quản lý nhà nước được phân công cho các Bộ, cơ quan ngang Bộ phụ trách đều đã được xác định rõ và cơ bản hợp lý.
Về số lượng cấp Phó trong các Bộ, cơ quan nganh Bộ, tại kỳ họp Quốc hội thứ 8, có ý kiến đại biểu Quốc hội đề nghị quy định rõ trong Luật số lượng cấp Phó ở Bộ, cơ quan ngang Bộ và các đơn vị thuộc Bộ, cơ quan ngang Bộ. Nhưng cũng có ý kiến đề nghị không quy định cứng trong Luật về nội dung này.
Dự thảo Luật quy định “cứng” mỗi Bộ là 5 cấp Phó; Số lượng cấp Phó của Tổng cục, Cục thuộc Bộ, cơ quan ngang Bộ tối đa là 3; số lượng cấp Phó của Vụ, Văn phòng, Thanh tra và các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc Bộ, cơ quan ngang Bộ là 2 (khoản 2 Điều 39).
Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Ksor Phước phát biểu ý kiến
Tuy nhiên, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Ksor Phước băn khoăn, về số lượng cấp Phó trong các Bộ trong trường hợp nhiều Bộ sáp nhập hoặc phạm vi quản lý rộng, nếu khống chế chỉ có 5 Thứ trưởng thì rất khó đảm đương hết công việc nên cần phải có cơ chế riêng, linh động. Đối với Tổng cục cũng vậy, như Tổng cục Biển, phạm vi quản lý rộng mênh mông như vậy nhưng lại ít cấp Phó thì khó đảm đương hết công việc. ĐB Ksor Phước cũng đề nghị làm sao để thể hiện rõ vai trò của Bộ trưởng, như khi đã phân công công việc cụ thể, Bộ trưởng phải được quyết và chịu trách nhiệm về quyết định của mình.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đề nghị, cấp Bộ không quá 5 Thứ trưởng, trừ Bộ Công an, Bộ Quốc phòng là không quá 6. Cấp Tổng cục 3 cấp Phó thì hơi ít, nhưng không nên quá 4 cấp Phó. Còn Cục không quá 3 cấp Phó, Vụ không quá 2 cấp Phó. Chính phủ phải là cơ quan quy định cụ thể số lượng này.
Đối với thẩm quyền kiến nghị xem xét lại quyết định, bản án của Tòa án, một số ý kiến đề nghị bỏ quy định “Chính phủ đề nghị Tòa án nhân dân tối cao xem xét lại bản án, quyết định của Tòa án, nếu thấy bản án, quyết định có dấu hiệu vi phạm pháp luật” (khoản 2 Điều 40 của Dự thảo Luật Chính phủ trình Quốc hội); bỏ quy định “Chính phủ đề nghị Viện kiểm sát nhân dân tối cao xem xét lại kết luận điều tra, cáo trạng của Viện kiểm sát nhân dân liên quan đến các cơ quan hành chính nhà nước; việc thực hiện kết luận điều tra, cáo trạng của Viện kiểm sát nhân dân, nếu thấy vi phạm pháp luật” (khoản 2 Điều 41 của Dự thảo Luật Chính phủ trình Quốc hội). Đây là các nội dung có liên quan đến thẩm quyền của các cơ quan trong quá trình tố tụng và do các đạo luật về tố tụng điều chỉnh, vì vậy, UBTVQH đề nghị chỉnh lý theo hướng không quy định các nội dung này trong Luật.
Cần tăng tính phản biện của HĐND
Tại phiên họp, UBTVQH cũng đã cho ý kiến vào Dự thảo Luật Tổ chức chính quyền địa phương. Về cơ cấu tổ chức địa bàn đô thị, nông thôn, tại kỳ họp thứ 8 vừa qua trong quá trình thảo luận, có ý kiến đề nghị cần có sự phân biệt giữa mô hình tổ chức chính quyền địa phương tại địa bàn đô thị và tại địa bàn nông thôn để phù hợp với đặc điểm và yêu cầu quản lý tại từng địa bàn. Ý kiến khác lại đề nghị giữ nguyên mô hình tổ chức chính quyền địa phương như hiện nay, cấp nào cũng đều có Hội đồng nhân dân (HĐND) và Ủy ban nhân dân (UBND) nhưng có sự điều chỉnh nhiệm vụ, quyền hạn của chính quyền địa phương ở các đơn vị hành chính cho phù hợp với đặc điểm nông thôn, đô thị.
Dự thảo Luật quy định theo hướng, tất cả các đơn vị hành chính quy định tại khoản 1 Điều 110 của Hiến pháp năm 2013 đều tổ chức cấp chính quyền địa phương (gồm HĐND và UBND) nhưng làm rõ trong Luật Tổ chức chính quyền địa phương những điểm khác biệt về cơ cấu tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn của chính quyền địa phương ở nông thôn, đô thị và hải đảo.
Nhiệm vụ, quyền hạn của HĐND, UBND ở địa bàn đô thị ngoài việc quyết định ngân sách, nhân sự thì cần tập trung quyết định các vấn đề quy hoạch phát triển đô thị, xây dựng kết cấu hạ tầng đô thị, sắp xếp mạng lưới thương mại, dịch vụ, du lịch đô thị, quản lý dân cư và tổ chức đời sống dân cư đô thị; nhiệm vụ, quyền hạn của HĐND ở quận và phường chủ yếu tập trung quyết định những vấn đề về ngân sách, bầu nhân sự và giám sát hoạt động của UBND. Nhiều ý kiến đồng thuận với phương án này.
Nhiều đại biểu cũng cho rằng, tổ chức theo mô hình như vậy bảo đảm tính ổn định của tổ chức bộ máy nhà nước, không làm xáo trộn mô hình tổ chức chính quyền địa phương hiện nay; thể hiện sự thống nhất giữa việc phân chia đơn vị hành chính với việc thiết lập tổ chức chính quyền địa phương ở các đơn vị hành chính đó và cũng phù hợp với tổ chức của hệ thống chính trị hiện nay của nước ta là ở các đơn vị hành chính cấp tỉnh, cấp huyện đều có các tổ chức Đảng, đoàn thể chính trị, xã hội, Tòa án, Viện kiểm sát và các cơ quan khác được tổ chức theo ngành dọc; đáp ứng được yêu cầu phải có sự kiểm soát của HĐND đối với UBND các cấp; bảo đảm cơ quan quản lý nhà nước ở địa phương phải được giám sát bởi cơ quan do nhân dân địa phương trực tiếp bầu ra.
Đại biểu Nguyễn Thị Nương đề nghị, qua giám sát của HĐND thấy mô hình tổ chức HĐND ở các cấp hiện nay nhìn chung đáp ứng được nguyện vọng cử tri với tất cả các địa phương có thí điểm và không thí điểm tổ chức HĐND cấp xã. Vì vậy để HĐND hoạt động có hiệu quả, cần phân bổ cơ cấu đại biểu hợp lý, nên giảm cơ bản các đại biểu trưởng các ngành, các cơ quan quản lý nhà nước vì hầu như những cuộc giám sát được tổ chức hoành tráng nhưng rất hình thức. Phải tăng đại biểu ở các ngành đoàn thể, tổ chức chính trị-xã hội, các nhà khoa học, MTTQ... là những người “dám nói” để tăng tính phản biện xã hội. Số lượng đại biểu không cần đông, chỉ cần chất lượng.